Nhân viên y tế nơi tâm dịch: Ngóng thưởng Tết

0:00 / 0:00
0:00
TP - Vì khó khăn, tài chính cạn kiệt nên nhiều bệnh viện, cơ sở y tế tại các địa phương tâm dịch phía Nam chưa hoặc không có kế hoạch chi thưởng Tết cho các nhân viên y tế.

Thua rồi?

BS Phạm Văn Đảm (Bệnh viện Da Liễu), người trực tiếp tham gia chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến số 12 chia sẻ: “Suốt thời gian dịch bùng phát, bệnh viện không có nguồn thu, đến nay chưa thấy công bố lương thưởng. Mọi người chỉ hy vọng chứ không nghĩ năm nay lương thưởng sẽ bằng mọi năm”.

BS Lý Quốc Công (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM) trực tiếp tham gia chống dịch tại Bệnh viện Dã chiến số 3 cho biết, mọi năm khoản thưởng cuối năm của ông được khoảng hơn 10 triệu đồng.

“Năm nay chắc thua rồi... Bệnh viện tự chủ nhưng mất nguồn thu vì cả năm căng mình chống dịch. Chúng tôi đang ngóng xem Tết này liệu có được thưởng không, tuy nhiên đến giờ vẫn chưa nghe lãnh đạo bệnh viện nói gì ” - BS Công cho biết.

Nhân viên y tế nơi tâm dịch: Ngóng thưởng Tết ảnh 1

Nhân viên y tế nằm trong lực lượng tuyến đầu chống dịch suốt năm qua. Ảnh: Phạm Nguyễn

Phóng viên khảo sát sơ bộ tình hình thưởng Tết cho người lao động tại nhiều bệnh viện và ghi nhận, hầu hết các đơn vị đến nay chưa có phương án cuối cùng về việc chi thưởng cho cán bộ công nhân viên. Nỗ lực chống dịch cũng đồng nghĩa với việc huy động tối đa mọi nguồn lực, nhưng đồng thời cũng khiến thu nhập của cán bộ công nhân viên ở tất cả các bệnh viện bị giảm sút. Lý do bởi bệnh viện vận hành theo cơ chế tự chủ về tài chính trong khi thời gian qua bệnh viện không có bệnh nhân đến khám chữa bệnh.

Phóng viên khảo sát sơ bộ tình hình thưởng Tết cho người lao động tại nhiều bệnh viện ở TPHCM và ghi nhận, hầu hết các đơn vị đến nay chưa có phương án cuối cùng về việc chi thưởng cho cán bộ, công nhân viên.

Đề cập vấn đề thưởng Tết cho cán bộ công nhân viên, PGS.TS.BS Lê Đình Thanh, Giám đốc Bệnh viện Thống Nhất (TPHCM) thở dài: “năm nay khó khăn quá”.

Còn BS Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh, thành phố Thủ Đức cho biết: “Chúng tôi mừng vì năm qua đã lo đủ được tiền lương cho gần 900 nhân sự toàn bệnh viện. Khoản thưởng Tết thì chưa có phương án, hiện bệnh viện đang đi xin hỗ trợ từ ngân sách của thành phố Thủ Đức và Sở Y tế. Mọi năm, trung bình mỗi nhân sự được thưởng Tết khoảng 6 triệu đồng. Năm nay, chúng tôi hy vọng xin được cho anh chị em mỗi người một vài triệu đồng để động viên tinh thần. Nếu có thì vui, không có thì cũng xem như sự chia sẻ trong bối cảnh khó khăn chung”.

Trong khi đó, BS Đặng Quốc Quân, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Hóc Môn (TPHCM) cho biết: “Cả năm qua, bệnh viện chỉ tập trung chống dịch hoàn toàn không làm được dịch vụ nào khác nên năm nay không có tiền thưởng Tết cho cán bộ công nhân viên. Chúng tôi đang xin Sở Y tế với hy vọng có nguồn để thưởng Tết, động viên tinh thần mọi người”.

Nhân viên y tế nơi tâm dịch: Ngóng thưởng Tết ảnh 2

Nhân viên y tế tại TPHCM đón mừng năm mới. Ảnh: Vân Sơn

Tự cân đối

Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai cho biết, việc thưởng Tết do các bệnh viện tự cân đối vào nguồn kinh phí hoạt động để có mức thưởng cho cán bộ, công nhân viên. Tuy nhiên, tình hình khó khăn như năm nay chắc chắn mức thưởng sẽ không cao. Riêng chính sách cho lực lượng y tế chống dịch, hiện có một số nơi chưa chi trả được do vướng thủ tục.

Đa số các bệnh viện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chưa chốt phương án thưởng Tết.

“Hiện chúng tôi đang cân đối tài chính để có mức thưởng Tết cho cán bộ, công nhân viên”, BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất nói, đồng thời cho hay năm trước, bệnh viện thưởng Tết hơn 9 triệu đồng/người. Năm nay quá khó khăn, bệnh viện phải sử dụng cả nguồn kinh phí dự trữ để thưởng. Mức thưởng Tết có thể thấp hơn hoặc cố gắng bằng năm trước.

Ông Lương Văn Châu, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Nai cho biết: “Trong thời gian qua bệnh viện chuyển thành bệnh viện điều trị COVID-19, nguồn thu không có, cán bộ, nhân viên của bệnh viện rất khó khăn. Hiện bệnh viện không có nguồn thu nào để thưởng Tết”.

BS Phạm Văn Dũng, Giám đốc Bệnh viện Ða khoa Thống Nhất cho biết, trong năm 2021, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên của bệnh viện luôn trong tình trạng căng thẳng, áp lực vì vừa phải lo ứng phó, cấp cứu, điều trị cho bệnh nhân COVID-19, vừa phải khám chữa bệnh thường quy cho bệnh nhân tại bệnh viện. Bệnh viện có 1.255 cán bộ, nhân viên, trong đó có 267 bác sĩ, 400 điều dưỡng, nhưng từ tháng 1/2021 đến nay đã có 114 viên chức, người lao động (trong đó có 34 bác sĩ, 42 điều dưỡng, 38 nhân viên) thôi việc, bỏ việc. Hiện tại có 10 bác sĩ, điều dưỡng, cử nhân đang xin nghỉ việc, 13 người khác đang xin nghỉ không lương; 6 người xin chuyển công tác.


Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai là số ít cơ sở y tế tại tỉnh này đã có mức thưởng Tết. “Dù khó khăn, nhưng bệnh viện quyết định thưởng Tết trên 10 triệu đồng/người. Từ nhân viên lao công, bảo vệ cho đến ban giám đốc đều nhận mức thưởng như nhau”, BS Ngô Đức Tuấn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa Đồng Nai cho biết. Theo BS Tuấn, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, lượng bệnh nhân đến khám, chữa bệnh tại bệnh viện giảm đáng kể. Do đó, nguồn thu nhập tăng thêm của cán bộ, nhân viên y tế cũng giảm đáng kể. Để khích lệ nhân viên y tế tham gia công tác phòng, chống dịch, lãnh đạo bệnh viện đã thực hiện một số chính sách hỗ trợ riêng cho cán bộ, nhân viên y tế ngoài chế độ chính sách của Nhà nước. Chẳng hạn, bác sĩ, điều dưỡng nào vào làm việc tại khu điều trị bệnh nhân COVID-19 thì được hỗ trợ ngay 2 triệu đồng. Nhân viên y tế nào tham gia hỗ trợ công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại một số địa phương trong tỉnh được hỗ trợ 300 ngàn đồng/ngày. Tuy nhiên, theo BS Tuấn, đây chỉ là giải pháp tình thế. Do đó, rất cần có chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho nhân viên y tế.

MỚI - NÓNG