Theo Xinhua, trong bình rượu nhà ông Viên có hai cây nhân sâm. Một cây dài hơn 10 cm, chỗ lớn nhất có đường kính khoảng hai cm. Từ phần gốc cây nhân sâm này vươn ra đoạn rễ mảnh mọc chừng 5-6 bông hoa nhỏ màu trắng.
"Gần 10 năm trước, tôi mua cây nhân sâm khô to cỡ ngón tay cái bọc trong giấy báo ở vùng đông bắc. Lúc mới mua về tôi vẫn để bên ngoài, hai năm sau mới đem ngâm rượu 60 độ trong một cái bình to", ông nói. Ông để bình rượu ở góc nhà, hiếm khi đụng tới.
"Khoảng một tháng trước, trong lúc dọn phòng tôi mới lôi nó ra, phát hiện có hoa trắng nở. Thật là hiếm có", ông cười nói. Ông đem chuyện đi hỏi các thầy thuốc Đông y gần nhà nhưng không ai giải thích được.
Theo ông Triệu Thế Vĩ, giám đốc Vườn Bách thảo Bắc Kinh, các loài thực vật khi ngâm trong rượu có độ cồn cao sẽ không thể sống được. Tuy nhiên, cây nhân sâm nhà ông Viên nở được hoa, có lẽ do lớp vỏ khô bên ngoài đã bảo vệ tổ chức bên trong.
Theo đó, rượu tuy ngấm vào lớp thịt ngoài của nhân sâm, nhưng không ngấm được vào trong. Do ngâm lâu năm, nồng độ cồn trong rượu giảm xuống cộng với môi trường thuận lợi, đã tạo điều kiện cho nhân sâm nở hoa.
"Thực vật trong môi trường khắc nghiệt vẫn khai hoa nở nhụy là một loại sinh tồn, một phản ứng tự nhiên", ông Triệu nói, xác nhận đúng là cây nhân sâm của ông Viên nở hoa.