Ông Trần Đoàn Lâm, Giám đốc - Tổng biên tập NXB Thế giới đánh giá cuốn sách Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa (nhìn từ đền Vua Đinh, Vua Lê) là ứng viên của NXB gửi dự thi giải thưởng Sách Việt Nam, kỳ vọng sẽ có giải cao. “Với tư cách bạn đọc, tôi thấy sách có nhiều ảnh đẹp, thu thập công phu các linh vật nhất là con nghê”, TS. Lâm nói.
Cuốn sách dày hơn 300 trang bước đầu chỉ ra nghê có nguồn gốc Trung Á, du nhập vào Việt Nam từ thời Bắc thuộc. Nghê mất đi ở Trung Quốc, thay vào đó là con sư tử đá. Ở Việt Nam nghê sau khi du nhập trải qua quá trình tiếp biến văn hóa hàng nghìn năm, trở thành sản phẩm văn hóa Việt Nam.
Đóng góp của cuốn sách chính là cung cấp tư liệu về con nghê nếu không muốn sử dụng linh vật ngoại lai.
“Có một khoảng trống rất lớn trong đời sống tâm linh người Việt trong việc lựa chọn con vật thiêng để thờ tự. Chúng tôi nhận thấy cần có trách nhiệm trong bảo tồn và phát huy tinh thần văn hóa Việt”, TS. Trần Hậu Yên Thế nói. Các tác giả cung cấp 500 hình ảnh, hình vẽ có sự đối sánh.
Nỗi băn khoăn lớn nhất của anh chính là “tâm lý hiệu ứng xã hội phô trương, háo danh, truy cứu cầu may, cầu tài và phô diễn quyền lực thì người Việt có tiếp nhận con nghê nhỏ bé, khiêm nhường như vậy không”. Con nghê có mặt trong đời sống tâm linh hàng nghìn năm nay thực sự đứng bên rìa đời sống đương đại.
Họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng đánh giá cuốn sách nhiều hình minh họa giúp người đọc dễ hiểu. “Hiện tượng công sở, đền chùa bày linh vật chịu ảnh hưởng nặng nề của linh vật Trung Quốc là do chúng ta không có sách gì cho người thợ, trong khi Trung Quốc khuyến khích làm linh vật của họ”, ông nói. Ông cho rằng cần có nghiên cứu để cho những người thợ Việt Nam làm ra sản phẩm đặt vào nơi xứng đáng cho ra công trình văn hoá Việt.
Song hành với công văn 2662 của Bộ VHTTDL về dọn dẹp linh vật ngoại lai, cuốn sách Phác họa Nghê - gã linh vật bên rìa (nhìn từ đền Vua Đinh, Vua Lê) được Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đánh giá “là thông điệp, cẩm nang có cơ sở khoa học cho nghệ nhân làng nghề, cung cấp về mặt mỹ thuật cho giới trẻ những nét hoa văn truyền thống của ông cha”.