Vẫn sản xuất linh vật ngoại lai

Hầu hết các hộ dân làng đá mỹ nghệ Non Nước vẫn quay lại sản xuất, kinh doanh linh vật ngoại lai.
Hầu hết các hộ dân làng đá mỹ nghệ Non Nước vẫn quay lại sản xuất, kinh doanh linh vật ngoại lai.
TP - Hơn một năm sau khi Bộ VH-TT&DL khuyến cáo các địa phương không sản xuất hay tiến cống linh vật ngoại lai, hàng trăm hộ dân làng đá mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) lâm vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” giữa sản phẩm thuần Việt và Trung Quốc.

Chưa có nhiều mẫu thuần Việt, lo ngại sản phẩm truyền thống ế ẩm, nhiều cơ sở quay lại sản xuất, kinh doanh sản phẩm linh vật ngoại lai.

Mẫu thuần Việt cầu kỳ, khó chế tác

Dù Sở VH-TT&DL thành phố Đà Nẵng phát động cuộc thi sáng tác hình tượng nghê, sư tử thuần Việt từ tháng 6, được thông báo rầm rộ trên phương tiện truyền thông đại chúng, nhưng số lượng nghệ nhân đăng ký tham gia chỉ đếm trên đầu ngón tay, với 17/500 hộ dân của hai phường Hòa Quý và Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn). Ngày 13/10, cuộc thi kết thúc trong không khí khá trầm lắng. Chỉ có 17 sản phẩm dự thi, trong đó 3 sản phẩm không hợp lệ. Có 6 tác phẩm đạt giải, không có giải Nhất.

Khi được hỏi lý do không tham gia cuộc thi, nhiều cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ tỏ ra ngạc nhiên. Anh Huỳnh Phước Dũng, chủ một cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ ở phường Hòa Hải, nói: “Đến thời điểm này, tôi vẫn chưa một lần nhìn thấy mẫu linh vật nghê, sư tử thuần Việt. Tôi cũng không rõ cuộc thi sáng tác diễn ra khi nào vì có thể do cơ sở sản xuất của tôi khá nhỏ so với các hộ khác nên thông tin không đến. Nếu biết, tôi đã trực tiếp đến xem các mẫu đó có dễ sáng tác hay không”. Nhiều hộ dân sản xuất mỹ nghệ nhỏ lẻ khác nói rằng, họ cũng không nắm được thông tin về cuộc thi.

Ông Đặng Công Đá, Phó trưởng phòng Văn hóa Thông tin quận Ngũ Hành Sơn, cho biết, trước khi cuộc thi diễn ra, quận đã tuyên truyền trên phương tiện truyền thông đại chúng, dán các pano… để các hộ dân sản xuất, kinh doanh được biết. Ông Đá nói: “Do là lần đầu tổ chức nên nhiều hộ dân chưa mặn mà hưởng ứng cuộc thi. Hơn nữa, các mẫu nghê, sư tử thuần Việt tuy rất đẹp nhưng các chi tiết lại rất cầu kỳ, mất rất nhiều thời gian. Nghệ nhân muốn sáng tác phải có mẫu vật cụ thể, do chưa thuần thục, một số nghệ nhân tham gia thi đã bị loại do sản phẩm sai lệch nhiều do dính yếu tố ngoại lai”.

Vẫn chạy theo mẫu ngoại lai vì sợ ế

Nhiều hộ sản xuất, kinh doanh tại làng đá mỹ nghệ Non Nước cho biết, dù biết có khuyến cáo không sản xuất, bày bán sản phẩm linh vật ngoại lai, nhưng họ vẫn sản xuất sư tử đá theo mẫu cũ. Bà Trương Thị Vui, chủ cơ sở sản xuất Phạm Trông (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), hộ duy nhất có cặp nghê giành giải Nhì cuộc thi sáng tác hình tượng nghê, sư tử thuần Việt, cũng thở dài. Theo bà Vui, cặp nghê đã hoàn thành mấy tháng nay nhưng chưa có một vị khách nào hỏi mua. “Bây giờ chúng tôi như đứng trước ngã ba đường. Vừa phải theo chủ trương của Bộ, vừa phải sản xuất sư tử Trung Quốc bán ra thị trường để nuôi bữa cơm chủ thợ. Hiện gia đình tôi vẫn còn gần 40 cặp sư tử ngoại lai và vẫn đang cho sản xuất tiếp. Linh vật Trung Quốc gắn với người dân mấy chục năm nay, bây giờ chuyển qua thuần Việt, khách không chuộng, hàng chắc chắn ế ẩm. Biết là các sản phẩm trong nước rất đẹp, tinh tế, nhưng việc chế tác rất khó, thợ không quen tay và bán đi cũng không được, chỉ khi nào có khách đặt thì mới dám mạnh dạn sản xuất”, bà Vui nói.

Vẫn sản xuất linh vật ngoại lai ảnh 1

Mẫu nghê đá tham gia cuộc thi sáng tác hình tượng nghê, sư tử thuần Việt. Ảnh: Đào Phan

Hiện nay, hầu hết các hộ dân vẫn sản xuất, bày bán công khai các sản phẩm ngoại lai. Ông Huỳnh Bá Cập, chủ một cửa hàng kinh doanh đồ mỹ nghệ trên đường Huyền Trân Công Chúa (phường Hòa Hải) nói: “Cửa hàng tôi trước giờ chỉ bán toàn sản phẩm sư tử ngoại lai, chưa nhập mẫu Việt nào, cũng không biết mặt mũi nó ra sao. Khách đến đặt ở đây đều chọn các sản phẩm ngoại lai đem về. Sư tử, nghê thuần Việt chỉ hợp trưng bày chùa, miếu nên khách kén, chúng tôi cũng không có ý định đặt”.

Ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL thành phố Đà Nẵng, cho biết, hiện các đơn đặt hàng sản phẩm ngoại lai chủ yếu đều từ bên Trung Quốc. Theo ông, không thể ngày một ngày hai buộc dân đổi hẳn sang sản xuất mặt hàng khác. Sắp tới, Sở sẽ cho rà soát thay thế tất cả các linh vật có yếu tố ngoại lai tại các đình, miếu, chùa bằng sản phẩm thuần Việt.  “Hiện số nghệ nhân có tay nghề chế tác các sản phẩm nghê, sư tử truyền thống tại làng đá Non Nước rất ít, chỉ có vài người, còn lại nếu có làm thì chủ yếu là sao chép lại sản phẩm. Các sản phẩm thuần Việt chế tác khó, lại mới nên dân có tâm lý ngại sản xuất vì sợ ế”, ông Chiến nói.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.