Chưa có hồi kết cho linh vật ngoại lai

Mẫu tượng nghê Việt cổ được đánh giá đẹp, đúng truyền thống nhưng chưa thực sự đi vào đời sống. Ảnh: Nguyên Khánh.
Mẫu tượng nghê Việt cổ được đánh giá đẹp, đúng truyền thống nhưng chưa thực sự đi vào đời sống. Ảnh: Nguyên Khánh.
TP - Dù đánh giá sau ba năm “tổng tấn công” sư  tử đá kiểu Trung Quốc mang lại kết quả bước đầu, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên khẳng định còn nhiều việc phải làm để người Việt có thói quen sử dụng linh vật mang đậm tâm hồn Việt.

“DỌN DẸP” LINH VẬT NGOẠI LAI

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nhận định dù nhiều chiến dịch triển khai vượt ngoài tưởng tượng “nhưng kết quả còn khiêm tốn”, tại hội nghị sơ kết ba năm thực hiện Công văn 2662 của Bộ về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam ngày 20/12 tại Bảo tàng Hà Nội. Nhiều đại biểu dẫu vậy cũng ghi nhận gần như không còn bóng dáng sư tử đá kiểu Trung Quốc và hiện vật ngoại lai được cung tiến vào các di tích.

Ông Trương Minh Tiến, Phó Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, nhắc lại, việc di dời sư tử đá ngoại lai khỏi di tích và nơi thờ tự được bình chọn là một trong 10 sự kiện tiêu biểu của năm 2014 của Thủ đô. Tương đương với số lượng di tích lớn nhỏ ở Hà Nội  là hơn 400 sư tử đá Tàu và hiện vật ngoại lai. “Đến tháng 10/2017, ba quận huyện Mỹ Đức, Long Biên và Thanh Trì hoàn thành di chuyển các hiện vật ra khỏi khuôn viên di tích, nhiều địa phương khác tiếp tục vận động và di dời”, ông Tiến cho biết. Sở ghi nhận sự tích cực trong cuộc dọn dẹp hiện vật lạ tại một số di tích như di dời đôi sư tử đá tại đền Bia Bà (Hà Đông), Đền Và (Sơn Tây), chùa Hà (Cầu Giấy), Miếu Đầm (Bắc Từ Liêm), chùa Vẽ (Bắc Từ Liêm), Chùa Tảo Khê (Ứng Hòa); không đưa công đức tượng phật mới vào chùa Trung Kính Thượng.

Đại diện Thanh tra Bộ điểm lại các cuộc làm việc và vận động ở 35 di tích cấp tỉnh, quốc gia và quốc gia đặc biệt ở 8 tỉnh thành từ Hà Nội đến Bình Định, Phú Yên. Nhiều di tích lớn cũng sử dụng “hiện vật lạ” không phù hợp với văn hoá Việt (sư tử đá, nghê đá, đàn đá, lọ hoa, đèn thờ, tượng quan âm bạch y) như Quần thể phủ Dày, Đền thờ Đức thánh Trần (Bình Định), Trung tâm bảo tồn di tích lịch sử văn hoá cố đô Hoa Lư. Thanh tra Bộ cũng ghi nhận trước khi có công  văn 2662, các địa phương gần như thả nổi việc cung tiến, đưa các hiện vật không đúng nguồn gốc vào di tích.  

NIỀM KIÊU HÃNH VIỆT

Lãnh đạo Bộ VHTTDL chỉ ra còn nhiều đầu việc cần làm trong thời gian tới, bởi nhận thức để thay đổi thói quen là cả quá trình. Một số vướng mắc trong quá trình vận động người dân, người quản lý cơ sở thờ tự và cơ quan nhà nước loại bỏ hiện vật ngoại lai: Nhận thức chưa đầy đủ, vướng mắc về địa điểm di chuyển, chưa có sự hợp tác giữa các làng nghề chế tác đá mỹ nghệ. Đại diện Thanh tra Bộ nhắc tới việc cần có sự  hướng dẫn chi tiết hơn để người dân phân biệt linh vật Việt với hiện vật ngoại lai.

“Một trong những thắc mắc của chúng tôi là sư tử đá và hiện vật ngoại lai được đưa ra khỏi di tích rồi đi đâu. Nếu không có sự hướng dẫn rõ ràng thì số hiện vật này được ủ đấy một thời gian chờ ngóc đầu lên”, PGS.TS. Trần Lâm Biền nói. Ông góp ý cần có việc làm cụ thể để người dân hiểu chứ không chỉ biết. “Dẫu có đi Đông đi Tây thì tinh thần đối với di sản văn hoá phải vì người Việt. Nếu người dân có sự hiểu đúng, ho mới ứng xử mang tính tự giác chứ không theo sự áp đặt”, ông nói. Nhà chuyên môn, quản lý không chỉ so sánh về hình dáng giữa sư tử đá kiểu Trung Quốc mà còn phải giải thích tinh thần của linh vật ấy và tác dụng của nó. Chẳng hạn với sư tử đá Trung Quốc là sự hung dữ có tính chất đe doạ, trong khi con nghê Việt hiền lành, hoan hỉ.

 TS. Trần Hậu Yên Thế vừa ra mắt cuốn “Phác thảo Nghê-Gã linh vật bên rìa” cho rằng hiệu ứng của công văn Bộ VHTTDL tốt, nhưng các nhà nghiên cứu còn muốn mạnh mẽ hơn nữa. Sư tử đá kiểu Trung Quốc gần như sạch bóng ở các di tích, tuy nhiên nhiều cơ quan nhà nước gần như vẫn còn nguyên. Anh Thế mới chụp đôi sư tử đá thuộc loại to nhất ở Hà Nội-án ngữ tại trụ sở một công ty nhà nước, theo anh người dân cũng phải đóng thuế cho các cơ sở tương tự. TS. Yên Thế nói rằng nhiều địa phương ở Trung Quốc cũng dọn dẹp sư tử đá khỏi các cơ quan công quyền vì “chịu không nổi hình ảnh trợn mắt nhe nanh”, vậy hà cớ gì Việt Nam lại không làm được. “Dân tộc mình cũng có niềm kiêu hãnh riêng. Hiện  nay trong quá trình toàn cầu hoá, các doanh nghiệp nên có bản sắc và nhận diện thương hiệu mang màu sắc văn hoá của nước mình, chứ mang màu sắc nước ngoài ra đại diện là sự nhầm lẫn văn hoá”, TS. Thế nói.

Sau khi ghi nhận sự đóng góp của một số tập thể, cá nhân trong ba năm thực hiện công văn, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cũng nêu ra một số điểm hạn chế và việc cần làm trong thời gian tới theo tinh thần kiên quyết xử lý đến cùng.

MỚI - NÓNG
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
Tiến độ xét xử các vụ án thuộc diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC
TPO - Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC) theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Tòa án các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 23 vụ án, đã xét xử 19 vụ án; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 19 vụ án, đã xét xử 9 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 2 vụ án, đã xét xử 1 vụ án.