Nhà trên giấy

Nhà trên giấy
TP - Cho đến khi ngồi viết bài này, tôi vẫn nhận được những tin nhắn của hai vợ chồng anh Nguyễn Văn Hùng trú tại quận Hoàng Mai cách đây chục năm trước đã bỏ ra nhiều tỷ đồng mua nhà của dự án chung cư Usilk City (Hà Đông, Hà Nội). Anh Hùng hỏi tôi về khả năng phục hồi dự án khi Công ty CP Sông Đà Thăng Long hợp tác với doanh nghiệp khác triển khai tiếp tòa nhà CT1-104. 

“Hàng ngày đi làm bận thì tạm quên đi chứ mấy ngày nay ngồi nhà nghĩ lại thấy đau lòng lắm. Em oán chủ đầu tư một thì giận cơ quan quản lý nhà nước mười lần. Tại sao lại đẻ ra cơ chế cho phép bán nhà trên giấy để cho chủ đầu tư được huy động hàng nghìn tỷ đồng rồi “bùng vốn” đi đâu không ai hay biết?”. Anh Hùng nói trong nghẹn ngào.

Không riêng vợ chồng anh Hùng, hàng nghìn gia đình khác nhiều năm ngồi trên đống lửa. Có trường hợp vợ chết, chồng tai biến từ giã cõi đời cũng không biết ngày nào nhận được nhà. Trong khi đó, tiền vay ngân hàng lãi mẹ đẻ lãi con khiến người mua nhà còng lưng trả nợ. Đơn thư gửi cơ quan điều tra, thanh tra, UBND thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng đã hàng chồng mà phương án giải quyết vẫn biệt tăm!

Hẳn nhiều người vẫn không quên vụ bà Châu Thị Thu Nga (cựu chủ tịch HĐQT công ty tập đoàn xây dựng nhà – Housing Group) cùng 8 thuộc cấp bị kết tội Lừa đảo, chiếm đoạt tiền của hơn 700 người mua nhà tại dự án B5 Cầu Diễn (Từ Liêm, Hà Nội). Công ty TNHH một thành viên xuất nhập khẩu và đầu tư xây dựng phát triển nhà - HAIC do ông Nguyễn Văn Tuẫn (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc, đã bị kết án trong vụ án khác) được nhà nước giao và cho thuê đất để phục vụ sản xuất kinh doanh. Trong số này có khu đất B5 (diện tích gần 29.000 m2, thuộc thị trấn Cầu Diễn), nằm trong dự án xây dựng công trình khu tái định cư thuộc lô CT1 và HH2.

Ngày 1/8/2008, bà Nga và ông Tuẫn ký hợp đồng hợp tác đầu tư về thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình khu chung cư và biệt thự nhà vườn tại khu đất B5, tổng diện tích hơn 22.000 m2. Tuy nhiên, hai năm sau (cuối 2010), Hà Nội chỉ đồng ý duyệt liên danh giữa hai công ty ở lô đất B5 và hướng dẫn lập quy hoạch điều chỉnh lô đất chứ chưa cấp phép xây dựng. Tòa án nhận định đến nay Housing Group vẫn chưa được cấp phép xây dựng Dự án B5 Cầu Diễn nhưng từ năm 2009 bà Nga vẫn chỉ đạo thuộc cấp rao và “bán căn hộ trên giấy”.

Riêng tại huyện Mê Linh (Vĩnh Phúc), Hoài Đức, Đan Phượng, Quốc Oai (Hà Tây)…ngay trước khi “tháo khoán” đất chờ sáp nhập vào Hà Nội, hàng chục dự án đã được chấp thuận đầu tư, lập quy hoạch. Chỉ chờ có vậy, các chủ đầu tư ào ào huy động tiền của người dân thông qua hình thức “bán nhà trên giấy” bằng đủ mọi chiêu thức như hợp đồng vay vốn, hợp đồng góp vốn… mà ngay cả đến nay sau chục năm dự án đắp chiếu người mua nhà vẫn không nhìn thấy căn nhà của mình ở đâu.

Thực tế nhức nhối như vậy nhưng nhiều chuyên gia bất ngờ khi mới đây, Hiệp hội bất động sản Việt Nam lại có đề xuất Thủ tướng đề nghị chỉ đạo và ban hành cơ chế tháo gỡ cho nhà đầu tư bất động sản trong thực hiện Điều 56 Luật Kinh doanh bất động sản về bảo lãnh ngân hàng khi bán nhà hình thành trong tương lai. Hiệp hội đề xuất để doanh nghiệp và người mua tự thỏa thuận về nội dung này; bỏ quy định bảo lãnh và thay bằng quy định khác như với chủ đầu tư uy tín thì không phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh…

Điều 56 quy định trách nhiệm của chủ đầu tư phải thực hiện, nay nếu để chủ đầu tư tự thỏa thuận với người mua nhà sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro vì người mua nhà thường thiếu thông tin dự án và thực tế thị trường rất khó lường!

Đây không phải lần đầu vấn đề bảo lãnh ngân hàng được đưa ra tranh luận và có nhiều ý kiến khác nhau. Tuy nhiên, một thực tế cho thấy là ngay cả khi hàng loạt dự án bán nhà trên giấy lâm tình trạng đổ bể từ cách đây chục năm trước, vai trò của cơ quan quản lý như UBND các tỉnh, thành phố, Bộ Xây dựng hết sức mờ nhạt, thậm chí có người thời điểm đó đã tung hô cho mô hình bán nhà trên giấy coi như là một sự sáng tạo!

Hỗ trợ nhà đầu tư trong đại dịch Covid 19 là cần thiết nhưng không vì thế mà tạo khe hở cho kiểu kinh doanh chụp giật từng lộng hành những năm qua!

MỚI - NÓNG