Từ Giải thưởng Hồ Chí Minh về KHCN
Tốt nghiệp ngành Máy chính xác khoa Chế tạo máy ÐHBK Hà Nội năm 1985, chị Quế được phân công về Viện Máy và Dụng cụ Công nghiệp (Bộ Công nghiệp). Trong quá trình làm việc tại Viện cho đến nay chị đã làm chủ rất nhiều đề tài khoa học cấp bộ ngành và nhà nước, và một trong những đề tài thành công nhất của chị cùng nhóm tác giả gồm 11 người đã vinh dự được nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ năm 2005. Ðó là cụm công trình “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo cụm thiết bị cơ điện tử trong công nghiệp”, trong đó có 3 sản phẩm KHCN do chị Quế chủ trì.
Ðặc biệt phải kể đến sản phẩm Máy cắt kim loại tấm Plasma – gas điều khiển CNC do Viện chị thiết kế, chế tạo từ đầu tới cuối đã được thương mại hóa, có mặt tại tất cả các nhà máy đóng tàu lớn của Việt Nam, thậm chí xuất khẩu cả sang Thái Lan, Ðan Mạch và Bangladesh. Sản phẩm này rẻ hơn từ 30-40% so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu, giúp tiết kiệm từ 2-3 triệu USD/năm. Nhờ những chiếc máy cắt được lập trình điều khiển tự động này mà những thân tàu, vỏ tàu lớn được chế tạo một cách đơn giản và tuyệt đối chính xác tại Việt Nam.
Ðánh giá của hội đồng cơ sở xét giải thưởng Kovalevskaia năm 2006 cho chị Quế từng nhận xét: “ Các đề tài do kỹ sư Trần Thị Kim Quế chủ trì và tham gia… góp phần quan trọng cho sự thành công của ngành đóng tàu Việt Nam và ngành cơ khí chính xác trong toàn quốc”.
Tới chủ doanh nhân thành đạt
Cty Folin của chị Quế thuộc loại vừa và nhỏ, thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp phụ trợ nên không hề nổi đình đám trên thương trường, dân thường lại càng không biết. Rất nhiều người biết đến những thương hiệu xe máy nổi tiếng như Piagio, Honda, Yamaha hay bình nước nóng Ariston…, nhưng ít ai biết nhiều chi tiết làm nên các sản phẩm này, như yên xe hay vỏ bình và nhiều sản phẩm bằng nhựa khác lại được âm thầm chế tạo từ các công ty của Việt Nam, trong đó có Folin.
“Thời hội nhập, thời của sản xuất toàn cầu theo chuỗi giá trị, ngoài sự nỗ lực tự thân, cơ chế chính sách, sự hỗ trợ một cách có hiệu quả của nhà nước chính là yếu tố quyết định cho sự lớn mạnh của loại hình doanh nghiệp chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp cả nước này”.
Cơ ngơi hiện nay của Folin khá bề thế với 2 nhà xưởng rộng 5.000 m2 hiện đại trên khuôn viên 16.000 m2 rộng rãi trong KCN Quang Minh nằm kề bên KCN Bắc Thăng Long – Nội Bài, nơi tập trung nhiều doanh nghiệp tầm cỡ của Nhật. Folin tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 170 công nhân với thu nhập trung bình từ 5-6 triệu đồng/tháng.
Người nữ chủ doanh nghiệp – Chủ tịch Hội đồng thành viên Folin – tự hào dẫn chúng tôi đi một vòng giới thiệu hàng loạt máy móc thiết bị hiện đại mà cơ sở của chị đã mạnh dạn nhập về từ nhiều năm qua, với tổng giá trị nhà xưởng lên tới trên 60 tỷ đồng. Ðáng kể nhất là các máy cơ khí điều khiển tự động CNC có xuất xứ từ Ðức, Nhật, Ðài Loan, Hàn Quốc, nhiều máy thuộc thế hệ rất hiện đại trên thế giới.
Nhớ lại thời điểm doanh nghiệp mới ra đời, năm 1995 cách đây tròn 20 năm, chị Quế kể : “ Ðể doanh nghiệp tồn tại và phát triển không hề đơn giản. Có được cơ ngơi như ngày nay chúng tôi đã phải trải qua 4 lần chuyển nhà xưởng, mỗi lần lại lớn hơn một chút. Số vốn đầu tiên chỉ vỏn vẹn 100 triệu đồng, xưởng chỉ 9 m2 với 10 công nhân".
Trên thực tế, các doanh nghiệp vừa và nhỏ như Folin chiếm đa số và có vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Liên minh châu Âu có tới 20 triệu DN vừa và nhỏ, chiếm 99% tổng số DN. Tại Mỹ số DN loại này cũng chiếm tới 99%, sử dụng 50% tổng số lao động xã hội. Tại Việt Nam có khoảng trên nửa triệu DN vừa và nhỏ, chiếm 97%, sử dụng 51% tổng lao động và đóng góp tới trên 40% GDP cả nước.
Nói về ngành công nghiệp phụ trợ với tư cách người trong cuộc, chị Quế nhìn nhận vai trò quản lý, hoạch định của nhà nước là vô cùng quan trọng. Bởi chỉ có các cơ quan quản lý nhà nước mới biết rõ nhất nên có bao nhiêu doanh nghiệp phụ trợ trong từng lĩnh vực cụ thể là đủ. Bằng không, để các DN vừa và nhỏ tự bơi, tự phát triển theo phong trào sẽ dẫn tới hậu quả dư thừa sức sản xuất, đồng nghĩa với việc nhiều DN sẽ phải ra đi. Bài học một thời đua nhau làm công nghiệp phụ trợ xe máy là một ví dụ, đến nay không ít cơ sở sản xuất lao đao vì ngành công nghiệp xe máy thoái trào.
Ngược lại, ngành công nghiệp phụ trợ ô tô mãi không phát triển được, không phải vì DN Việt không đủ trình độ, mà đơn giản vì số lượng ô tô sản xuất lắp ráp trong nước quá ít không đủ lớn để các DN như Folin mạnh dạn đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại bởi sẽ lỗ nặng vì sản lượng làm ra không đủ khấu hao thiết bị. Ai đó cho rằng, doanh nghiệp phụ trợ Việt không làm nổi chiếc ốc vít cho các tập đoàn lớn của nước ngoài không hẳn đúng. Vấn đề là ở chỗ họ có được đơn hàng đó với số lượng bao nhiêu, giá cả thế nào mà thôi.
Một câu hỏi được đặt ra, làm gì để hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ của nước ta - nhất là các doanh nghiệp sản xuất – phát triển mạnh mẽ ? Thời hội nhập, thời của sản xuất toàn cầu theo chuỗi giá trị, ngoài sự nỗ lực tự thân, cơ chế chính sách, sự hỗ trợ một cách có hiệu quả của nhà nước chính là yếu tố quyết định cho sự lớn mạnh của loại hình doanh nghiệp chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp cả nước này.
Ngoài tài sản là một doanh nghiệp, chị còn có một gia tài đó là gia đình hạnh phúc. Chị từng tâm sự: “Nhiều người cho rằng làm nghề cơ khí thì tính cách và tình cảm cũng bị ảnh hưởng bởi sắt thép và máy móc. Nhưng đó hoàn toàn chỉ là suy diễn thôi”. Chị từng được nhận nhiều bằng khen cấp ngành, cấp bộ về phong trào phụ nữ “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, Giải thưởng “Vì sự tiến bộ phụ nữ”… Hiện hai cô con gái của chị đều đã trưởng thành, được học hành tới nơi tới chốn và đạt được những thành công ban đầu trong cuộc sống.