GS Ronadl kể, bà là con của một người tị nạn. Khi bố bà chạy trốn khỏi Đức Quốc xã để đến Cuba, ông đã nhận được những sự giúp đỡ.
“Là một người tị nạn, bạn không có gì và cũng chẳng biết gì cả, do bạn không hiểu ngôn ngữ. Những người này đã giúp đỡ bố tôi. Vì vậy, gia đình tôi vô cùng biết ơn. Chúng tôi sẽ quyên góp ở mức cao nhất, như cách để đáp đền”, GS Pamela nói.
GS Pamela Ronald nhận giải thưởng VinFuture lần thứ hai cho nữ nhà khoa học xuất sắc nhất. |
Trước đó, trong một lần chia sẻ với truyền thông, GS Ronald cũng cho biết, lý do bà nghiên cứu về giống lúa mới có thể mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho những nông dân cũng bắt nguồn từ câu chuyện gia đình.
“Bố tôi là người di cư. Khi lớn lên, chúng tôi hiểu rằng không phải ai cũng có những đặc quyền mà chúng tôi đang được hưởng như được giáo dục và có cơ hội phát triển bản thân. Chúng tôi biết mình cần phải đóng góp cho xã hội như một cách để đền ơn”, nữ GS tâm sự.
Bà kể về khởi nguồn của hành trình nghiên cứu giống lúa chống ngập (công trình đã giúp bà nhận giải thưởng VinFuture), đó là sự hứng thú với Bangladesh, quốc gia từng phải đối mặt với nhiều thách thức như tình trạng đói nghèo và suy dinh dưỡng lan rộng.
“Những câu chuyện như của Bangladesh đã ảnh hưởng lớn tới tôi. Chính ảnh hưởng này đã khiến tôi muốn làm việc trong những lĩnh vực mà tôi có thể giúp đỡ các quốc gia như Bangladesh. Tôi luôn có hứng thú đối với ngành sinh học cây trồng và lĩnh vực nông nghiệp là một lựa chọn phù hợp với đam mê của tôi”, bà kể.
GS Ronald trên cánh đồng được trồng bởi giống lúa chống ngập do bà và các cộng sự nghiên cứu. |
GS Pamela hiện làm việc ở Khoa Bệnh học Thực vật và Trung tâm Bộ gen tại Đại học California, Davis. Bà cũng là giảng viên – Nhà khoa học trong Phòng Sinh học hệ thống và Bộ gen môi trường tại Phòng thí nghiệm Quốc gia Lawrence Berkeley, Viện nghiên cứu bộ gen đổi mới tại Đại học California, Berkeley
Trong những năm qua, Pamela Ronald đã trở thành một người ủng hộ mạnh cho khoa học và nông nghiệp bền vững. Phòng thí nghiệm của bà là nơi giúp phát triển các giống lúa có khả năng kháng bệnh và chịu được các điều kiện khắc nghiệt như hạn hán, lũ lụt, và ngập mặn, ...
Bà là được đánh giá là một trong những bộ óc khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới bởi Thomson Reuters. Năm 2022, bà được trao Giải thưởng Wofl về nông nghiệp. Bà là đồng tác giả của "Bàn của ngày mai: Canh tác hữu cơ, di truyền và tương lai của thực phẩm". Bill Gates gọi cuốn sách là một "tác phẩm tuyệt vời" và "quan trọng đối với bất kỳ ai muốn tìm hiểu về khoa học hạt giống và những thách thức mà người nông dân phải đối mặt".
Tại lễ trao giải thưởng VinFuture lần hai diễn ra tối qua (20/12), GS Ronald được vinh danh Giải đặc biệt VinFuture dành cho nhà khoa học nữ với công trình phân lập được gen lúa đặc hiệu (Sub1A) để tạo ra các giống lúa năng suất cao có khả năng chống chịu được ngập úng.
Giống lúa do bà tạo ra có thể sống sót trong điều kiện ngập úng 2 tuần lễ, trong khi các giống lúa khác không thể chống chịu quá 3 ngày.
Hội đồng giải thưởng đánh giá, công trình là một phát hiện đột phá trong lĩnh vực trồng và thu hoạch lúa trong bối cảnh các trận lụt lớn xảy ra ngày càng nhiều do biến đổi khí hậu không thể dự báo trước được ở nhiều quốc gia.
Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế IRRI ước tính, tình trạng ngập nước thường hủy hoại bốn triệu tấn gạo, đủ để nuôi sống 30 triệu người mỗi năm chỉ tính ở Ấn Độ và Bangladesh.
Hiện nay giống lúa Sub1A đã được phát triển và sử dụng ở 6 quốc gia bao gồm Indonesia, Nepal, Myanmar, Ấn Độ, Bangladesh, và Philippines. Chỉ riêng năm 2017, giống gạo Sub1 hiện đã tới với hơn sáu triệu nông dân tại Ấn Độ, Bangladesh và Nepal.