Sự kiện có sự tham dự của hơn 40 nhà khoa học hàng đầu thế giới, các nhà ngoại giao và lãnh đạo Chính phủ Việt Nam. Bốn công trình khoa học đặc biệt xuất sắc, có tính đột phá, có tác động đến cuộc sống của hàng triệu người trên trái đất sẽ được vinh danh.
VinFuture là giải thưởng khoa học công nghệ toàn cầu được tổ chức thường niên nhằm tôn vinh những công trình khoa học kiệt xuất có tính ứng dụng cao, có thể tạo ra sự thay đổi tích cực cho cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới.
Giải thưởng được tài trợ bởi quỹ VinFuture, do Chủ tịch Tập đoàn Vingroup – ông Phạm Nhật Vượng và phu nhân – bà Phạm Thu Hương sáng lập.
Hệ thống Giải thưởng gồm 4 hạng mục, trong đó Giải thưởng chính – trị giá 3 triệu đô la Mỹ – là một trong những giải thưởng KHCN có giá trị lớn nhất trên thế giới.
Ban tổ chức cũng trao ba Giải Đặc biệt, mỗi giải trị giá 500 nghìn đô la Mỹ dành cho các nhà khoa học nữ, các nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và các nhà khoa học nghiên cứu những lĩnh vực mới, nhằm tôn vinh và cổ vũ cho các nhà khoa học ở những “vùng trũng” hoặc phải đối diện với nhiều rào cản trong nghiên cứu khoa học.
Nhóm tác giả được giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD trong lần trao giải đầu tiên của VinFuture. |
Ở lần trao giải đầu tiên, bốn công trình đặc biệt xuất sắc đã được vinh danh, trong đó, Giải thưởng Chính được trao cho TS. Katalin Karikó, GS. Drew Weissman (Mỹ) và GS. Pieter Cullis (Canada) với nghiên cứu về vắc xin mRNA. Đây được coi là công trình đột phá, góp phần ngăn chặn và đẩy lùi Đại dịch COVID-19, kịp thời bảo vệ mạng sống cho hàng tỷ người trên thế giới - đúng như tôn chỉ của Giải thưởng.
Giải thưởng VinFuture lần hai lấy chủ đề là “Hồi Sinh và Tái Thiết” nhằm vinh danh những công trình và phát minh quan trọng giúp giải quyết thách thức lớn của nhân loại để hồi sinh sau đại dịch như sức khỏe và lương thực, môi trường và năng lượng bền vững cũng như ứng dụng của công nghệ trong mọi mặt của đời sống.
Theo đại diện Ban tổ chức, số lượng đề cử năm nay tăng đột biến cả về số lượng và chất lượng cũng như sự đa dạng lĩnh vực nghiên cứu. Đã có gần 1.000 dự án nghiên cứu khoa học – công nghệ đến từ 71 quốc gia trên 6 châu lục được đề cử (so với con số 599 đề cử nhận được năm 2021).
Đáng kể, trong số các đối tác đề cử có 941 đối tác đến từ top 500 các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới như Đại học Harvard, Đại học Stanford, Đại học Yale (Hoa Kỳ), Đại học Oxford (Vương Quốc Anh), Học viện Karolinska (Thụy Điển), Học viện Công nghệ liên bang Thụy Sĩ, Đại học Quốc gia Singapore, Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), Đại học Witwatersrand, Johannesburg (Nam Phi), Đại học Cairo (Ai Cập).
Ngoài ra, 584 đối tác đề cử thuộc nhóm 2% các nhà nghiên cứu hàng đầu được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới, tăng hơn gấp đôi so với năm 2021.
Trong số các hồ sơ đề cử có 53 nhà khoa học thuộc nhóm 2% các nhà nghiên cứu hàng đầu được trích dẫn nhiều nhất trên thế giới, 405 nhà khoa học đến từ top các trường đại học và viện nghiên cứu hàng đầu thế giới.
Lễ trao giải VinFuture mùa đầu tiên có sự tham gia của Thủ tướng Phạm Minh Chính, vợ chồng Chủ tịch Phạm Nhật Vượng, các nhà ngoại giao và đặc biệt là hàng chục nhà khoa học tên tuổi trên thế giới. |
Để vượt qua các đề cử khác, 4 giải thưởng được vinh danh tại Nhà hát Lớn Hà Nội tối nay đã trải qua quy trình đánh giá nhiều vòng nghiêm ngặt bởi 12 thành viên Hội đồng Sơ khảo và 12 thành viên Hội đồng Giải thưởng, bao gồm các nhà khoa học có tầm ảnh hưởng lớn trong giới học thuật, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trên toàn cầu.
GS. Sir Richard Henry Friend – Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng VinFuture bật mí, giống như phát minh về vắc-xin mRNA của năm ngoái, các nghiên cứu được tôn vinh năm nay là nghiên cứu đột phá, có tầm ảnh hưởng sâu rộng với những câu chuyện truyền cảm hứng ở phía sau. “Tôi tin chắc rằng mọi người sẽ đều ủng hộ và được thuyết phục bởi chiến thắng này”, GS Friend chia sẻ.
Chi tiết bốn công trình khoa học đặc biệt xuất sắc và chủ nhân giải thưởng VinFuture sẽ được công bố trong lễ trao giải tối nay, được phát trực tiếp trên VTV1 và website CNN, Discovery, Euronews, Technode Globalw.