Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nói về thu phí không dừng:

Nhà đầu tư muốn dừng dự án là 'nói lung tung', không thể xảy ra

TP - Trước việc nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng (ETC) muốn buông dự án vì gặp nhiều bất cập, chiều 12/11, cho ý kiến về việc này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nói rằng, đây là công nghệ mới, cần vừa làm vừa điều chỉnh. Theo ông Thọ, việc nhà đầu tư muốn dừng dự án là “nói lung tung” và không thể xảy ra.
Nhà đầu tư muốn dừng dự án là 'nói lung tung', không thể xảy ra ảnh 1 Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, nếu nhà cung cấp dịch vụ ETC bỏ dự án sẽ bị phạt

Bỏ dự án VETC sẽ bị phạt

Theo Thứ trưởng Lê Đình Thọ, cả nước hiện có 77 trạm thu phí được lập ra để hoàn vốn cho các dự án giao thông được thực hiện theo hình thức xây dựng - khai thác - chuyển giao (BOT). Nhằm hiện đại hóa công nghệ thu phí, tăng cường tính công khai, minh bạch và tạo thuận lợi cho người sử dụng, từ năm 2017, sau khi được Chính phủ cho phép, Bộ GTVT đã áp dụng công nghệ thu phí không dừng trên tất cả các trạm thu phí trên.

Với 44 trạm thu phí trên QL1 - đường cao tốc và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên, Bộ GTVT đã phê duyệt kế hoạch thực hiện trong giai đoạn 1 và hoàn thành vào năm 2018, với các trạm còn lại được thực hiện trong giai đoạn 2 và xong trước 31/12/2019. Giai đoạn 1 của kế hoạch trên được giao cho Công ty TNHH Thu phí tự động VETC (liên danh giữa Công ty Cổ phần Tasco và Công ty Thu phí tự động VETC) làm thành dự án để thực hiện. 

Đánh giá về dự án của nhà cung cấp dịch vụ VETC, ông Thọ nói rằng, mặc dù Bộ GTVT đã nhiều lần có các văn bản, cuộc họp tháo gỡ giữa nhà cung cấp dịch vụ và nhà đầu tư trạm thu phí BOT, nhưng đến nay VETC vẫn triển khai chậm và mới có khoảng 30% trong tổng số 44 trạm thu phí ký phụ lục hợp đồng triển khai thu phí ETC.

 Về việc nhà cung cấp dịch vụ VETC muốn dừng dự án do số lượng trạm tham gia ít, dẫn đến đơn vị này báo lỗ 300 tỷ đồng, ông Thọ nói rằng, đây là một chủ trương lớn của Chính phủ và trước khi thống nhất ký hợp đồng triển khai với Tổng cục Đường bộ Việt Nam ĐBVN, VETC đã khảo sát, tìm hiểu kỹ. Do vậy, không có chuyện doanh nghiệp nói dừng là dừng được.

“Nói như vậy là nói lung tung, gây nhiễu loạn dư luận, Bộ GTVT làm việc theo quy định, chức trách và những điều khoản đã được ký trong hợp đồng, không có chuyện dự án chưa xong mà đơn vị cung cấp dịch vụ muốn dừng là được”, ông Thọ nói.

 Phóng viên đề cập việc nếu doanh nghiệp báo lỗ 300 tỷ đồng và thực hiện tiếp sẽ còn lỗ nữa, ông Thọ cho rằng, dự án đảm bảo cho VETC thực hiện trên 44 trạm thu phí giai đoạn 1 với tỷ lệ phần trăm được trích từ doanh thu để nhà cung cấp dịch vụ có lãi, nay VETC mới thực hiện được khoảng 1/3 khối lượng công việc mà đã kêu lỗ là quá sớm và quá yếu về năng lực tài chính, phương pháp thực hiện.

“Yếu thì anh có thể liên doanh, liên kết để huy động vốn, không có chuyện thực hiện dự án chưa xong đã kêu lỗ và muốn dừng. Bộ GTVT cứ chiếu theo những cam kết trong hợp đồng để giám sát đơn vị triển khai, nếu không đảm bảo tiến độ, dự án bị chậm, không xong là chúng tôi phạt”, ông Thọ khẳng định.

Sẽ điều chỉnh những bất cập

Phóng viên nêu những bất cập của quy định do Bộ GTVT ban hành như bàn giao trạm thu phí cho đơn vị cung cấp dịch vụ khiến nhiều nhà đầu tư trạm BOT còn băn khoăn, thậm chí không thực hiện, ông Thọ cho rằng,  đây vừa là mô hình mới nên không tránh được những vướng mắc ban đầu. Quan điểm của Bộ GTVT đã truyền đạt đến từng nhà đầu tư là vừa làm vừa hoàn thiện, trong quá trình triển khai vướng đâu sẽ gỡ đấy.

Thực tế vừa qua, Bộ GTVT đã gỡ các vướng mắc này tại trạm thu phí trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hải Phòng - Hà Nội… Nhà đầu tư BOT đã ký phụ lục hợp đồng triển khai thu phí không dừng, nhưng không phải bàn giao trạm thu phí cho nhà cung cấp dịch vụ VETC.

Liên quan việc triển khai dự án giai đoạn 2 (áp dụng công nghệ thu phí không dừng cho 33 trạm còn lại), ông Thọ cho biết, trên cơ sở chủ trương cho phép của Chính phủ, Bộ GTVT đã phê duyệt dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn 2 (gọi tắt là BOO2). Đến nay, Tổng cục ĐBVN đã tổ chức đấu thầu và lựa chọn được nhà cung cấp dịch vụ cho giai đoạn này.

Theo đó, đơn vị được chọn thực hiện giai đoạn 2 là Liên danh Tập đoàn Công nghiệp viễn thông quân đội, Công ty CP Đầu tư công nghệ hạ tầng Vietin, Công ty CPTM Dịch vụ viễn thông Việt Vương và Công ty CP công nghệ Tiên Phong. Liên danh này đang gấp rút triển khai dự án, phấn đấu hoàn thành cơ bản trước 31/12.

MỚI - NÓNG
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
Sạt lở, ách tắc quốc lộ 19: Khu Quản lý đường bộ ra văn bản ‘nóng’
TPO - “Ban Quản lý dự án 2 chịu hoàn toàn mọi trách nhiệm trước Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam và pháp luật nếu để xảy ra mất an toàn cho người và phương tiện tham gia giao thông, ùn tắc giao thông mà nguyên nhân không sửa chữa kịp thời hoặc chậm trễ khắc phục các tồn tại của dự án”, văn bản Khu Quản lý đường bộ III nêu.