Nhà đầu tư dự án xử lý tro bay ở Cần Thơ phải có điều kiện gì?

TPO - UBND TP Cần Thơ vừa có quyết định phê duyệt Bộ tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư (NĐT) thực hiện dự án xử lý chôn lấp chất thải tro bay của nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) Cần Thơ (nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ – PV).

Dự án đặt tại khu xử lý chất thải rắn ở xã Trường Xuân, huyện Thới Lai; diện tích 2,15ha; công suất xử lý 10 tấn/ngày. Tro bay là chất sản sinh từ phản ứng khử a-xít thu gom từ đáy tháp phản ứng và hợp chất khói bụi thô trong khói thải và bụi trong khói được thu gom từ bộ lọc bụi túi vải. Tro bay thuộc danh mục chất thải nguy hại.

Các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước có năng lực về kinh tế, kỹ thuật, công nghệ và kinh nghiệm đều được khuyến khích tham gia. Nguồn vốn đầu tư là 100% của NĐT. Công nghệ, thiết bị xử lý hiện đại đã triển khai thực tế, có hiệu quả tại Việt Nam hoặc trên thế giới; đảm bảo yêu cầu đồng bộ, tiên tiến, tiết kiệm quỹ đất, đảm bảo vệ sinh môi trường theo quy định.

Sản phẩm đầu ra sau quá trình xử lý rác (nếu có) phải đáp ứng yêu cầu về môi trường, công nghệ và yêu cầu kỹ thuật của đơn vị tiêu thụ sản phẩm, thành phố không bao tiêu sản phẩm đầu ra cho NĐT.

Nhà đầu tư dự án xử lý tro bay ở Cần Thơ phải có điều kiện gì? ảnh 1 Nhà máy đốt rác phát điện Cần Thơ. Ảnh: CK

Thời gian hoạt động của dự án là 20 năm và có thể xem xét gia hạn thêm nếu NĐT có đề nghị và phù hợp với quy hoạch phát triển của thành phố. Sau khi kết thúc hoạt động của dự án, NĐT có trách nhiệm tiến hành khôi phục, cải thiện cảnh quan môi trường khu vực, phù hợp quy định về môi trường và đồng thời có các biện pháp ngăn ngừa tái ô nhiễm môi trường.

Trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng và vận hành dự án, nếu có vi phạm các quy định pháp luật của Việt Nam và các tiêu chí đã đăng ký sẽ bị đóng cửa, thu hồi dự án và không được bồi thường cho phí đã đầu tư vào dự án.

Về điều kiện để được xét chọn, NĐT phải có vốn thuộc sở hữu để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư dự kiến của dự án và cam kết hỗ trợ tài chính, tài liệu thuyết minh năng lực tài chính của NĐT bao gồm báo cáo tài chính 2 năm gần nhất đã được kiểm toán độc lập, văn bản chứng minh đảm bảo năng lực tài chính thực hiện dự án.

Công nghệ, thiết bị xử lý chất thải phải được tổ chức, đơn vị có chức năng chứng nhận theo quy định theo quy định của Việt Nam và quốc tế và được thẩm tra công nghệ theo Luật Chuyển giao công nghệ ngày 19/6/2017.

Ưu tiên NĐT có giá dịch vụ xử lý tro bay phù hợp và thấp nhất, thanh toán theo khối lượng xử lý thực tế. NĐT chỉ thực hiện xử lý tro bay của nhà máy xử lý chất thải rắn (rác sinh hoạt) Cần Thơ. NĐT phải thực hiện đầu tư hệ thống giao thông đường dẫn vào vị trí dự án và hệ thống cấp, thoát nước và cấp điện…

UBND thành phố giao Sở KH&ĐT chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT và các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện việc công bố, thông báo mời gọi NĐT, tổ chức đánh giá lựa chọn NĐT thực hiện dự án theo đúng trình tự, thủ tục quy định hiện hành, tham mưu trình UBND thành phố xem xét, quyết định.

Nhà đầu tư dự án xử lý tro bay ở Cần Thơ phải có điều kiện gì? ảnh 2 Một công đoạn xử lý rác bên trong nhà máy. Ảnh: CK

Trước đó, Công ty TNHH Năng lượng môi trường EB Cần Thơ (đơn vị quản lý vận hành nhà máy đốt rác phát điện) đề xuất được rót 80 tỷ đồng (vốn của nhà đầu tư) để xây dựng bãi chôn lấp tro bay, xử lý lượng tro bay phát sinh (khoảng 8 tấn/ngày) của nhà máy. Công nghệ xử lý chôn lấp theo tiêu chuẩn chất thải nguy hại.

Thời gian hoạt động ít nhất 15 năm. Giá dịch vụ xử lý là 7.850.000 đồng/tấn tro bay chưa bao gồm thuế VAT (10%). Thanh toán bằng cách dựa trên hợp đồng dịch vụ xử lý rác thải sinh hoạt đã ký với TP, tiến hành ký bổ sung phụ lục hợp đồng. Sau khi các hố chôn đầy, tiến hành phủ đất trồng cây tạo cảnh quan…

MỚI - NÓNG