Phản ánh với cơ quan Báo chí, anh Đoàn Văn Ninh (P.15, Q.Gò Vấp) cho biết cuối tháng 11.2014 anh đến UBND Q.Gò Vấp để nộp hồ sơ xin chuyển mục đích thửa đất diện tích 70 m2 trong một con hẻm trên đường Lê Đức Thọ, P.15, từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư để xây dựng nhà ở. Theo quy định, thời gian thực hiện chỉ khoảng 50 ngày, nhưng đến nay đã gần 4 tháng hồ sơ vẫn bị “ngâm”..
Tiền không thể đóng, đất không thể xây...
Anh Ninh nhiều lần đến UBND Q.Gò Vấp hỏi nhưng cán bộ thụ lý hồ sơ hẹn hết lần này đến lần khác. Khoảng 2 tuần trước, anh đến quận khiếu nại vụ việc thì cán bộ quận cho biết đã chuyển hồ sơ sang Chi cục Thuế Q.Gò Vấp, đồng thời giải thích do Chi cục Thuế đang vướng một số vấn đề liên quan đến việc tính tiền sử dụng đất, nhất là chưa có hệ số K, nên chưa thể giải quyết hồ sơ cho anh. “Họ đề nghị tôi tiếp tục chờ nhưng không biết chờ đến bao giờ. Bảng giá đất mới đã có mấy tháng rồi, chúng tôi có tiền không thể đóng, có đất không thể xây, thật vô lý. TP cần nhanh chóng đưa ra hệ số K để người dân có thể xây nhà, chuyển nhượng, vay vốn. Ngâm quá lâu gây ảnh hưởng đến kế hoạch làm ăn của người dân”, anh Ninh bức xúc.
Giống như anh Ninh, chị Hải Thanh mua một căn hộ ở chung cư Miếu Nổi (Q.Bình Thạnh), đã nộp hồ sơ đầy đủ từ ngày 8.1.2015. Sau nhiều ngày bị “ngâm” ở Phòng TN-MT, đến nay hồ sơ được chuyển qua Chi cục Thuế Q.Bình Thạnh lại tiếp tục “tắc”. “Tôi chờ suốt từ tháng 1.2015 đến giờ nhưng vẫn chưa có thông tin gì. Mỗi lần lên thuế hỏi thì họ nói chờ vì chưa có hướng dẫn gì của TP về hệ số K”, chị Thanh sốt ruột.
Tương tự là trường hợp gia đình ông Thành ở xã Vĩnh Lộc A, H.Bình Chánh, nộp hồ sơ lên UBND huyện từ tháng 12.2014 để xin chuyển đổi mục đích sử dụng 500 m2 đất nông nghiệp ở xã Vĩnh Lộc A, nhưng đến nay chưa giải quyết xong. “Tôi muốn làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất xong tách thửa ra mấy nền nhà cho các con để chúng xây nhà, cưới vợ. Nhưng việc chậm trễ đã làm vỡ kế hoạch, tính toán của gia đình”, ông Thành nói.
Hệ số K quá cao
Ngoài việc hệ số K chưa có, còn một số quy định đang "đá" nhau gây lúng túng cho cả các cơ quan thực hiện.
Hiện nhiều hồ sơ nộp trước ngày 31.12.2014, tức trước khi bảng giá đất mới ban hành, nhưng có nơi áp dụng theo bảng giá đất 2014, có nơi chờ áp dụng theo bảng giá đất 2015. Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó giám đốc Sở TN-MT TP.HCM, thừa nhận vấn đề này đang có sự lúng túng trong quá trình thực hiện. Trước năm 2013, thời điểm để xác định áp dụng bảng giá đất nào phụ thuộc thời điểm người dân nộp đủ hồ sơ. Tuy nhiên, sau khi luật Đất đai 2013 có hiệu lực lại quy định việc xác định tiền sử dụng đất theo bảng giá đất nào căn cứ vào thời điểm của cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất, ký giấy chứng nhận chủ quyền hoặc cho thuê đất. Trong khi Thông tư 76 của Bộ Tài chính lại hướng dẫn, nếu người dân nộp đủ hồ sơ trước ngày 31.12.2014 sẽ tính tiền sử dụng đất theo thời điểm nộp.
Bên cạnh đó, hệ số K là bao nhiêu cũng chưa thống nhất. Trong dự thảo về hệ số K, Sở Tài chính chia địa bàn các quận, huyện thành 4 khu vực với hệ số K khác nhau áp dụng cho doanh nghiệp và người dân. Đối với người dân, hệ số K từ 1 - 1,2 lần, trong khi doanh nghiệp từ 1,6 - 2 lần. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho rằng hệ số K áp dụng cho doanh nghiệp là quá cao, đề nghị áp dụng chung giống như đối với người dân, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và các nhà đầu tư có tích lũy phát triển sản xuất kinh doanh. “Nếu tiền sử dụng đất cao doanh nghiệp cũng tính vào giá thành và cuối cùng người mua cũng chịu hết. Do đó, giảm tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp thực chất là giảm cho người dân”, ông Châu nói.
Trả lời PV Thanh Niên, bà Đào Thị Hương Lan, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, cho biết Sở đã họp nhiều lần với các địa phương và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM để đóng góp ý kiến về hệ số K. “Hiện Sở đang rà soát, nhân thử hệ số K với bảng giá đất xem có phù hợp hay không. Nếu gấp gáp ban hành mà dân kêu quá cao thì sẽ không thực hiện được, còn thấp quá thì thất thoát tiền nhà nước nên phải làm kỹ”, bà Lan nói và khẳng định “trong tuần sẽ trình dự thảo để trong quý 1 này phải xong”. “Sở đang rà lại một số khu vực để giảm thêm so với dự thảo. Làm sao đi vào thực tế, thực hiện được chứ cao quá người dân, doanh nghiệp nộp không nổi”, bà Lan nói.
Hồ sơ tồn đọng tăng cao
Theo UBND Q.Gò Vấp, hiện trên địa bàn đang có gần 150 hồ sơ đã chuyển sang Chi cục Thuế Q.Gò Vấp để tính thuế cho người dân nhưng Chi cục Thuế cũng đang chờ hướng dẫn. Tại Q.Bình Tân đang tồn gần 200 hồ sơ, Q.Tân Phú hơn 60 hồ sơ, Q.8 gần 50 hồ sơ... Trung bình mỗi tháng, các UBND quận, huyện nhận khoảng 150 - 200 hồ sơ hợp thức hóa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài thì hồ sơ tồn đọng tiếp tục lên cao, gây thêm bức xúc cho người dân.
Ông Trần Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Q.Bình Thạnh, cho biết có khoảng hơn 100 hồ sơ mua bán nhà, chủ yếu là chung cư đang bị “tắc” tại chi cục do TP vẫn chưa ban hành hệ số K. Hiện chi cục cũng đang gặp khó khăn vì người dân “than” quá.
Hệ số K được dùng để tính tiền sử dụng đất đối với phần diện tích đất ở vượt hạn mức khi người dân làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất hợp thức hóa nhà đất. Theo đó, tiền sử dụng đất đối với phần đất vượt mức được tính theo công thức: hệ số K nhân với giá đất được quy định trong bảng giá đất ở khu vực thửa đất, nhà người dân đang làm thủ tục chuyển đổi, hợp thức hóa nhà đất.
Theo dự thảo Quyết định quy định về hệ số K, khu vực 1 gồm các quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình và Phú Nhuận có hệ số K bằng 1,2 lần bảng giá đất (trước đây là 2 lần). Khu vực 2 gồm các quận 6, 7, Gò Vấp, Bình Thạnh và Tân Phú có hệ số K bằng 1,15 lần (trước đây là 1,5 lần). Khu vực 3 gồm các quận 2, 8, 9, 12, Bình Tân và Thủ Đức có hệ số K bằng 1,1 lần (trước đây là 1,5 lần). Khu vực 4 gồm các huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn hệ số K bằng 1,05 lần (trước đây là 1,3 lần); riêng huyện Cần Giờ sẽ có ưu đãi hơn so với 4 huyện còn lại với hệ số K bằng 1 lần (trước đây là 1,1 lần). Đối với doanh nghiệp, khu vực 1 có hệ số K là 2 lần, khu vực 2 là 1,9 lần, khu vực 3 là 1,8 lần, khu vực 4 là 1,7 lần, riêng Cần Giờ là 1,6 lần.