Nguyễn Vĩnh Tiến: Sang tuổi 50 tự cứu rỗi mình

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nhà thơ, nhạc sĩ, KTS Nguyễn Vĩnh Tiến vừa ra mắt tập thơ thứ hai sau hơn 20 năm không xuất bản tập nào. Anh cũng tự minh họa cho tập "Hỗn độn và khu vườn" bằng các bức màu nước do chính mình vẽ. Nguyễn Vĩnh Tiến từng là hiện tượng trong sáng tác ca khúc, còn thơ của anh cũng được đánh giá là đa thể loại, có giọng điệu riêng.

Nguyễn Vĩnh Tiến tự mô tả ở bìa sách: “Chàng/ Mơ màng chính sự/ Kẻ vẽ làm thơ/ Nhiều lúc lơ mơ/ Thì viết nhạc”. Qua đó có thể thấy anh xác định thơ như một cuộc chơi thêm vào sự nghiệp chính “kẻ vẽ”. Nhưng không vì thế mà anh thiếu nghiêm túc trong cuộc chơi câu chữ.

Tập thơ Hỗn độn và khu vườn vừa xuất bản dày 268 trang, được chia làm 5 chương: Hoa lạ - Hỗn độn và khu vườn - Trầm cảm đô thị - Chàng thơ - Hoa nở không tên. Đây mới chỉ là một phần trong gia tài thơ phong phú được anh chắt chiu trong hơn 20 năm qua.

Trong thơ, Nguyễn Vĩnh Tiến được mô tả “chu du qua các miền không gian từ nông thôn tới thành thị, từ cõi tâm linh huyền bí tới hiện thực phô bày, từ trầm tích quá khứ tới nỗi chán chường hiện tại”.

Nguyễn Vĩnh Tiến: Sang tuổi 50 tự cứu rỗi mình ảnh 1

Tập thơ do chính tác giả vẽ bìa và minh họa.

Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy nhận xét: “Đọc thơ Nguyễn Vĩnh Tiến là bắt gặp nỗi khắc khoải không ngừng của một linh hồn nhỏ bé trước thế giới như thế. Tồn tại ư, hạnh phúc ư, không phải thế này. Tôi ư, không phải thế này. Nhưng là thế nào? Câu hỏi tươi ròng ấy vẫn ngự trị trên bức tranh dữ dội và hỗn độn về hành trình làm người của hoàng tử bé trung du”.

Nhà phê bình Trần Ngọc Hiếu đồng tình: “Trong thơ anh Tiến có hai di sản, đúng hơn là gia sản khai thác mãi không cạn - trung du và tuổi thơ. Anh bị mắc kẹt trong tuổi thơ, vẫn mãi là cậu bé trung du đó. Nhưng tôi cho rằng các nhà thơ nam giới ở Việt Nam muốn hay phải có phần trẻ con trong người".

Anh cho rằng phần di sản thứ hai phi thường hơn một chút chính là khả năng kết nối với một thế giới tâm linh nào đó không thể mô tả được bằng lý tính. Đó là lúc chúng ta cần đến thơ, nhạc. Bởi thơ và nhạc là một sự kết nối hiệu quả đối với thế giới chúng ta chưa gọi tên được nhưng cảm thấy lúc nào mình cũng gần kề với nó.

Nhà văn, nhạc sĩ Ngô Tự Lập không ngại chỉ ra hạn chế của Nguyễn Vĩnh Tiến. Đó là sáng tạo chủ yếu xuất phát từ trực giác cá nhân.

“Thơ nhạc của anh rất thú vị. Nhưng chỉ thú vị khi nào anh thể hiện đúng con người mình. Dựa trên sự gợi ý ngẫu nhiên của ngôn từ và bằng một trực giác rất mạnh, rất nghệ sĩ anh đã nhặt được từ trong tâm tưởng và sắp xếp lại. Tên sách rất đúng - Hỗn độn. Vì anh không duy lý gì cả”.

Ngô Tự Lập cũng bày tỏ hy vọng Nguyễn Vĩnh Tiến sẽ vượt lên trên sự thông minh và khéo sắp đặt của bản thân để tiến xa hơn.

Nguyễn Vĩnh Tiến cho rằng Ngô Tự Lập đã phê bình nghiêm khắc và đúng. Tác giả nói: “Rất cảm ơn anh Ngô Tự Lập. Bản thân rất khó để học những gì gọi là logic, hệ thống. Trước đây tôi cũng nỗ lực rất nhiều để tìm hiểu, nhưng thấy nó không đúng với con người mình. Sang tuổi 50 rồi, tôi bắt đầu thả lỏng, tự mình cứu rỗi lấy mình, không còn tham vọng về hệ thống tầng bậc nữa. Mình sẽ để con người mình tự nhiên nhất có thể”.

Nguyễn Vĩnh Tiến: Sang tuổi 50 tự cứu rỗi mình ảnh 2

Vi Thùy Linh đánh giá cao khả năng vận dụng tiếng Việt của Nguyễn Vĩnh Tiến. Ảnh: N.M.HÀ.

Nhạc sĩ Giáng Son có mặt chúc mừng người bạn mà chị gọi là “cặp bài trùng” với mình. Giáng Son kể chị đưa cho nhà thơ 5 giai điệu nhờ viết lời, ngay hôm sau nhận lại được 5 phần lời ưng ý không phải sửa chữa gì, trong đó có Giấc mơ trưa.

Giáng Son cũng “chê” Nguyễn Vĩnh Tiến ở điểm phung phí chất liệu. Vì nhạc sĩ chuyên nghiệp như chị chỉ cần một chất liệu cũng đã đủ cho một ca khúc trong khi Nguyễn Vĩnh Tiến có khi dùng đến 3-4 chất liệu trong một bài hát.

Cũng trong buổi ra mắt thơ, ngoài Cắt tiền duyên, Nguyễn Vĩnh Tiến khoe 2 ca khúc mới là Thèm yêu quá, thèm được yêu quáNgười yêu tôi có khi còn chưa ra đời.

Vi Thùy Linh tặng Nguyễn Vĩnh Tiến một chữ “đa” trong đa tài, đa tình, đa cảm, đa mang và đa sự. Chị nhận định: “Nguyễn Vĩnh Tiến là một cuồng lưu mà người ta hay nhìn ở các chi lưu” và “là số một về lục bát kể từ thế hệ 7X đến nay”.

Cũng tại cuộc ra mắt tập thơ, một người bạn của Nguyễn Vĩnh Tiến tiết lộ nhà thơ từng được đề bạt vào một chức vụ quản lý cấp vụ, nhưng anh đã khuyên không nên nhận. Vì quan chức không phải tạng của Nguyễn Vĩnh Tiến.

MỚI - NÓNG
Phó Chủ tịch ICDV gọi núi Bà Đen là “thiên đường” khi đến tham quan và thảo luận về Vesak 2025
Phó Chủ tịch ICDV gọi núi Bà Đen là “thiên đường” khi đến tham quan và thảo luận về Vesak 2025
Ngày 28/9/2024, khu du lịch núi Bà Đen Tây Ninh đón Ban tổ chức cùng đoàn đại biểu của Ủy ban Tổ chức Quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (ICDV) đến thăm và Thảo luận chương trình Đại lễ Vesak 2025. Tại đây, các đại biểu đồng nhất cho rằng núi Bà Đen sẽ là điểm phải đến của hàng nghìn đại biểu trong dịp Đại lễ Vesak.