Thần đồng thơ ở đâu?
Sau lễ trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn 2024 dành cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật xuất sắc “của thiếu nhi” hoặc “vì thiếu nhi”, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - bày tỏ trăn trở về thực trạng thiếu vắng những "thần đồng nhí" làm thơ.
Giải thưởng Thiếu nhi Dế Mèn đã đi qua 5 mùa, nhận được nhiều tác phẩm đa dạng song chỉ có ba mùa giải tìm được Hiệp sĩ Dế Mèn, trong đó không có "thần đồng" thơ nào.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa giữ vị trí Trưởng BGK Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn 2024. Ảnh: Trọng Quân. |
"Ai cũng quan tâm đến việc chăm sóc trẻ em. Gần đây, Hội Nhà văn Việt Nam cũng có sáng kiến tổ chức cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi, nâng cấp Ban văn học thiếu nhi thành Hội đồng văn học thiếu nhi. Các giải thưởng về văn học thiếu nhi cũng giúp mảng đề tài này được duy trì, phát triển. Tôi lấy làm tiếc khi rất lâu rồi, không còn thấy những em nhỏ làm thơ nữa", nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.
Ông nhận định sáng tác cho thiếu nhi là vấn đề lớn, nhạy cảm, được toàn xã hội quan tâm. Các tác giả nhỏ tuổi càng cần được tạo điều kiện để phát huy tài năng.
"Mấy chục năm nay, cuộc thi sáng tác thơ, truyện tranh với đối tượng dự thi là thiếu nhi dần thưa vắng. Có bài viết mà tôi từng đưa ý kiến mang tên Ai đã ăn thịt thần đồng, ý nói lâu rồi không có trẻ em làm thơ. Những nhà thơ nổi tiếng ở thời của tôi, quanh đi quẩn lại đến giờ chỉ còn mình tôi kẽo kẹt làm thơ cho thiếu nhi", nhà thơ bày tỏ.
Với ông, thần đồng làm thơ vẫn còn đó, nhưng dường như chưa được đánh thức.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa (trái) và nhà thơ Hoàng Hiếu Nhân đều có những sáng tác để đời từ rất sớm. |
Những năm 1964-1974, bên cạnh thần đồng thơ Trần Đăng Khoa, nền thi ca thiếu nhi Việt Nam còn có sự xuất hiện của các nhà thơ nhỏ tuổi như Chu Hồng Quý, Cẩm Thơ, Nguyễn Hồng Kiên, Khánh Chi, Phan Thị Vàng Anh và Hoàng Hiếu Nhân.
Nhà thơ Hoàng Hiếu Nhân sinh năm 1959 là một tên tuổi nổi bật. Năm 8 tuổi ông bắt đầu làm thơ, 10 tuổi đoạt giải Nhất cuộc thi sáng tác thơ thiếu nhi do báo Thiếu niên Tiền phong tổ chức. Những bài thơ của Hoàng Hiếu Nhân được nhiều người biết tới và yêu thích như Quả địa cầu, Con cò, Bọn trẻ quên em, Mặt trời... Sự nghiệp thơ dừng lại khi Hoàng Hiếu Nhân học cấp ba.
Trong cuốn Chân dung và đối thoại, nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết: "Trong số tác giả nhỏ tuổi thời ấy (những năm 1960), tôi rất quý Nhân. Nhân viết ít nhưng bài nào cũng hay, rất có nghề".
Chờ tài năng được đánh thức
Nhà thơ Trần Đăng Khoa mong mỏi nếu tìm được một Hiệp sĩ Dế Mèn là nhà thơ nhí, ông sẽ bỏ tiền túi trao tặng thêm một giải thưởng bằng giá trị với giải của BTC giải Dế Mèn.
"Mong sao sẽ có tác giả là nhà thơ nhí được giải, để tôi được bày tỏ lòng yêu mến đối với tác phẩm thơ của các em. Điều quan trọng không phải là thi thố mà là giữ gìn và phát huy được tài năng, tạo điều kiện để các em gắn bó, phát triển. Không chỉ dừng ở năng khiếu, sau này các em có thể trở thành những cây bút đặc sắc viết cho thiếu nhi, viết về thiếu nhi", Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nói.
Nhà thơ Trần Đăng Khoa lấy làm tiếc vì rất lâu rồi, không còn thấy những em nhỏ làm thơ. Ảnh: Trọng Quân. |
Người nâng bước, truyền động lực cho các em là nhà trường, cha mẹ, các cấp ban, ngành trong lĩnh vực văn hóa.
Ông Lê Xuân Thành - Trưởng BTC Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn 2024 - cho rằng sự tươi mới, với chất đương đại của đời sống hôm nay vẫn luôn là điều cần thiết để hấp dẫn công chúng, đặc biệt là công chúng trẻ em, đến với văn hóa nghệ thuật.
Nhà văn Lý Lan bày tỏ về mảng sáng tác thiếu nhi, những câu chuyện mang màu sắc đồng thoại có sức hút đặc biệt với bà. Một tác phẩm viết cho thiếu nhi hay cho bất kỳ ai đều cần tấm lòng của người viết, một tấm lòng chân thành và trân trọng người đọc.
"Thiếu nhi cần sách giải trí như cần đồ chơi, bánh kẹo, văn chương là chất dinh dưỡng nuôi lớn tâm hồn con người, bồi bổ khả năng cảm thông hay sự thông minh cảm xúc", nữ nhà văn nói.