Nguyễn Trọng Tạo:

Nằm xuống vẫn đóng góp cho quê hương

TP - Lần đầu tiên có cảnh tắc đường ở làng Diễn Hoa, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An vì đoàn xe kéo về dự lễ khánh thành khu tưởng niệm Nguyễn Trọng Tạo. Một quần thể điêu khắc kiến trúc mọc lên quanh nơi ông an nghỉ hứa hẹn thành một điểm dừng văn hóa không chỉ của địa phương.

Khóa sol bên cánh đồng

Khu tưởng niệm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo hướng về phía Tây - nơi có cánh đồng Diễn Hoa. Tượng đồng bán thân của ông được đặt ở vị trí cao nhất trong cùng. Bức tượng của Hà Minh Tuấn - người vừa mất năm ngoái vì đột quỵ - toát lên được vẻ lãng tử của nguyên mẫu với mái tóc vờn bay trong gió, vẻ mặt vui tươi không vướng bận. Giống như hiện thân của Nguyễn Trọng Tạo đang tươi cười, hồ hởi đón khách thơ. “Bức tượng khá đúng với tính cách và cái hồn của anh Tạo. Khi mọi người đến đây có cảm giác rất xúc động, thấy anh như vẫn ở quanh đây”, nhạc sĩ Giáng Son chia sẻ.

Đến đây, tôi không có cảm giác đi thăm mộ. Và tác giả của khu tưởng niệm - KTS Nguyễn Vũ Trọng Thi - chính là con trai nhà thơ cũng chỉ đánh dấu vị trí mộ bằng một hình tròn phủ sỏi trắng. Ta có thể tưởng tượng đó là mặt trăng, cội nguồn kinh điển của thơ ca. Nhưng thực ra nó là một bộ phận của hình khóa Sol mà toàn bộ khu tưởng niệm nương theo.

Tại đây, khách tham quan cũng bắt gặp những hình ảnh quen thuộc gắn với thơ ca như dòng sông, bến nước, con đò… Nguyễn Vũ Trọng Thi trăn trở để không gian tưởng niệm này chứa đựng cả con người và di sản mà bố anh để lại. Anh cũng muốn tích hợp những yếu tố kiến trúc của cả 3 vùng đất ông từng sống là Hà Nội, Nghệ An và Huế. Đặc biệt, khu tưởng niệm tuân thủ đúng theo phong thủy kiểu Huế, có đủ tiền án, minh đường, hậu chẩm.

Vào ngày đầu tiên mở cửa đón khách, khu tưởng niệm với sắc trắng chủ đạo sáng bừng trong nắng tháng Sáu. Từ đây nhìn sang bên kia đường có thể thấy một sân khấu đã được dựng lên ngay trên cánh đồng đang trồng vừng. Chỉ lát nữa thôi, trên đó sẽ xuất hiện Trọng Tấn, Anh Thơ, Giáng Son cùng những nhân sĩ như Phạm Xuân Nguyên, Nguyễn Thụy Kha… Gia đình kê 600 ghế cả thảy nhưng vẫn không đủ, cuối cùng phải huy động thêm ghế của các nhà thân cận.

Làng có một ngày như thế…

6 rưỡi tối, đúng giờ bắt đầu ca nhạc nắng tắt, trời dịu mát hẳn. Phía xa hoàng hôn đỏ ối hắt lên sau tháp chuông nhà thờ. Trên sân khấu Anh Thơ hát Ơi con sông dạt dào như tình mẹ/ Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn, cạnh cánh gà trẻ con nô đùa và những vạt vừng đã bắt đầu quả thoáng lay động trong gió. Trời mát đến nỗi tôi không để ý xem BTC có bố trí quạt cho khán giả hay không nữa. Đến đoạn ngâm thơ của NSƯT Ngọc Hà, mấy nữ khán giả đứng tuổi ngồi sau tôi xuýt xoa: “Lắng đọng quá, lâu lắm mới được nghe ngâm thơ hay đến vậy…”.

Nằm xuống vẫn đóng góp cho quê hương ảnh 1

Loạt ảnh đen trắng do Nguyễn Đình Toán chụp trong suốt hơn 30 năm chơi với Nguyễn Trọng Tạo được bày dọc đường làng dẫn khách vào khu tưởng niệm Ảnh: N.M.HÀ

Trong không gian vừa bát ngát vừa ấm áp này, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên chỉ vầng trăng thượng huyền trên cao, nói: “Anh đang ở trên nhìn xuống, anh đang về”. Bối cảnh này khiến ông nhớ bài thơ Làng có một ngày như thế (nói về việc chuyển làng để có thêm đất canh tác) của Nguyễn Trọng Tạo. Nhưng ông lại đọc bài thơ đem cho ông cảm giác như ông Tạo viết cho hôm nay. Đó là Ngôi nhà không có gì với đoạn kết: “Đêm nay anh đang ở nơi nào xa lắm/Và anh mơ một mình bước vào ngôi nhà hoàn toàn mới/ Trống rỗng, sạch bong/ Một ngôi nhà nguyên trinh/ Ngôi nhà không có gì/ Để anh làm mới tất cả/ Như nhà thơ làm mới bài thơ”.

Cũng nhìn trăng nhưng Nguyễn Thụy Kha lại “chế” thơ Hàn Mặc Tử và đọc tại chỗ: “Hôm nay trăng còn có nửa thôi/ Một nửa trăng Tạo cắn mất rồi/ Tao nhớ tao thương mày quá lắm/ Gió làm nên tội buổi chia phôi”.

Phạm Xuân Nguyên nhắc đến các thuật ngữ homo sapiens (người nghĩ), homo faber (người làm) và với ông Nguyễn Trọng Tạo chính là homo ludens - người chơi. Chơi tới bến trong cuộc đời, trong nghệ thuật và cả… trong rượu. Chính cái chơi ấy đã đưa đến cuộc chơi trên cánh đồng hôm nay. Nghệ thuật của Nguyễn Trọng Tạo được Phạm Xuân Nguyên tặng cho chữ “bùng”, mà cú bùng nổ đầu tiên chính là năm 1981 bài thơ Tản mạn thời tôi sống xuất hiện.

Nguyễn Trọng Tạo “bừng sáng” (khi cùng năm 1978 nhận được 3 giải thưởng thơ của báo Văn nghệ, báo Nhân Dân và tạp chí Văn Nghệ Quân đội. Nhưng Nguyễn Thụy Kha khẳng định: “Phải đến bài Tản mạn thời tôi sống, anh Tạo mới thoát ly khỏi các nhà thơ khác cùng thời thậm chí các bậc đàn anh để đi tới một chân lý: Thơ khởi đầu từ sự thật. Và nhà thơ không thể viết khi không tin vào con người. Như câu thơ của anh trong bài Tin thì tin không tin thì thôi (Nhưng tôi người cầm bút, than ôi/ Không thể không tin gì mà viết).

Nằm xuống vẫn đóng góp cho quê hương ảnh 2

Chụp ảnh lưu niệm bên tượng đài của nhà thơ Ảnh: N.M.HÀ

Nguyễn Thụy Kha cũng cho biết tính dự báo trong bài Tản mạn thời tôi sống “làm cho rất nhiều những tư tưởng bảo thủ rỉ sét đã không đồng tình lắm”. Và: “Đó là nhân duyên để Nguyễn Trọng Tạo lại trở về chính quê hương của mình, để thẫm đẫm, để chiêm nghiệm một lần nữa tạo nên phong cách thơ mới mẻ vừa hết sức dân dã vừa hết sức hiện đại”.

Trên sân khấu, Nguyễn Thụy Kha nói: “Nguyễn Trọng Tạo được Nhà nước tôn vinh từ 2012. Hôm nay nhân dân tôn vinh một lần nữa”. Còn dưới sân khấu, ông nói với tôi: “Số người đổ về đây là phần thưởng rất lớn nhân dân có thể tặng cho một đại diện giới văn nghệ”. Ông cũng cho rằng khu tưởng niệm như một đóng góp của Nguyễn Trọng Tạo để quê hương có thêm một địa chỉ văn hóa. Thực ra, ban đầu Nguyễn Trọng Tạo chỉ có ý định được an táng trong vườn nhà. Ý tưởng lập thành khu tưởng niệm là của gia đình.

Còn ý tưởng làm sân khấu giữa cánh đồng thành hình trước đó chỉ 2 ngày. Để nhanh chóng giải tỏa mặt bằng, chính người vợ đầu của nhà thơ đã tài trợ kinh phí. Có thể nói, sự đồng lòng của gia đình là điều kiện cần làm nên công trình này. Trong buổi tiệc và giao lưu tối 12/6, đại gia đình của nhà thơ gồm 2 bà vợ và các con đều có mặt chào quan khách.

Nguyễn Thu Hương là con gái cả của Nguyễn Trọng Tạo có cảm giác trong việc tổ chức chuỗi sự kiện tại quê hương đều có ba cô chỉ dẫn từng bước. Và mọi cá nhân tổ chức đều hết lòng giúp đỡ để làm sao sự kiện diễn ra tốt nhất với chi phí rẻ nhất. Ca sĩ Anh Thơ nhắn từ trước rằng gia đình có chương trình gì nhớ gọi nên đương nhiên có mặt trên cánh đồng vừng. Trọng Tấn chỉ mới được mời vào tham dự lễ khánh thành khu tưởng niệm đã tự đề đạt được hát chúc mừng… Hương cho hay, khi viết ca khúc Trống hội cổng làng, Nguyễn Trọng Tạo có nói bài này dành cho Tùng Dương. Nhưng rất tiếc ca sĩ không sắp xếp được lịch để về. Tuy nhiên, bố của Tùng Dương vẫn có mặt tham dự từ đầu tới cuối.

Chương trình khánh thành khu tưởng niệm và tổ chức ca nhạc này là để kỷ niệm 5 năm ngày mất Nguyễn Trọng Tạo. Và con gái nhà thơ dự định cứ 5 năm một lần lại làm một sự kiện tương tự.