Nguy cơ 'sóng ngầm' sau cú sốc tăng lãi suất

“Sự kiện” Techcombank không gây xáo trộn lớn đối với thị trường tiền tệ
“Sự kiện” Techcombank không gây xáo trộn lớn đối với thị trường tiền tệ
TP - Một ngày sau cú tăng lãi suất gây sốc của Techcombank, thị trường tiền tệ như dịu hơn khi mức lãi suất công khai đồng loạt được ấn định cao nhất 14%/năm. Nhưng liệu có tiềm ẩn sóng ngầm?

 >> 'Tuýt còi' ngân hàng tăng lãi suất gây sốc

“Sự kiện” Techcombank không gây xáo trộn lớn đối với thị trường tiền tệ
“Sự kiện” Techcombank không gây xáo trộn lớn đối với thị trường tiền tệ . Ảnh: dantri.com.vn

Ngày 9- 12, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có công văn yêu cầu Techcombank rút kinh nghiệm trong việc điều chỉnh lãi suất huy động vốn VND với mức 17%/năm. Đồng thời, khẳng định Techcombank phải áp dụng lãi suất huy động phù hợp với nội dung đồng thuận giữa các thành viên của Hiệp hội Ngân hàng không vì lợi ích riêng, gây xáo trộn thị trường tiền tệ và ảnh hưởng xấu đến hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng.

SeABank, ngân hàng có biểu lãi 18%/năm cũng đã rút lãi suất huy động VND dành cho khách hàng cá nhân tại tất cả các điểm giao dịch trên toàn quốc xuống mức cao nhất 14%/năm. Tuy nhiên, dư âm của cơn sóng thị trường lãi suất ngày 8-12 vẫn thu hút sự quan tâm không chỉ của giới ngân hàng mà còn cả người dân, doanh nghiệp.

Đáng lưu ý, dù các ngân hàng đã công khai “rút” về mức lãi suất cao nhất 14%/năm nhưng vẫn có dấu hiệu âm thầm thỏa thuận. Chị Minh (Hà Nội), cho biết: Do cuốn sổ tiết kiệm 1,5 tỷ VND của chị đáo hạn đúng ngày 8-12, nên từ lúc 10 giờ, nhân viên của ngân hàng đã chủ động gọi hỏi ý kiến và đề nghị sẵn sàng thỏa thuận lên 17,5%/năm, kỳ hạn 1 tháng.

“Thấy nhiều người khuyên có thể thỏa thuận lãi suất cao hơn nên tôi cứ chần chừ. Vì chưa kịp gửi nên nghe tin lãi suất hạ tôi rất buồn. Tuy nhiên, sáng 9-12 cậu nhân viên này đã gọi lại và cam kết mức lãi trên chỉ hạ tí chút, không đáng kể”- chị nói. Hôm qua, tìm hiểu tại một số quầy giao dịch, PV ghi nhận, mức lãi suất chào mời ở nhiều nơi vẫn có thể lên tới 15-16%/năm.

Cú sốc lãi suất của Techcombank đã hích thị trường lên một mặt bằng mới? “Chắc chắn là vậy bởi ngày 9-12, lãi suất huy động của ngân hàng tôi đã nhích trên 14%/năm rồi”, lãnh đạo một ngân hàng cổ phần lớn không trong số bị tuýt còi hôm qua chia sẻ.

“Giải mã” thị trường lãi suất, ông chỉ đưa đẩy: “lãi suất qua đêm tăng mạnh. Phải có cửa ra thì mới có chuyện ngân hàng đặt mức vào cao đến vậy”. Chia sẻ với Tiền phong, Chủ tịch HĐQT Agribank Nguyễn Thế Bình cũng nhận định: sàn lãi suất sẽ mệt mỏi nếu một vài ngân hàng chơi không lành mạnh.

Cơn sốt lãi suất huy động dù mới bị châm ngòi này có khác so với năm 2008? (Còn nhớ thời điểm đó, lãi suất huy động đã được đẩy lên đỉnh 19,7%/năm với những lời đồn đại về tính thanh khoản của các ngân hàng-PV). PGS- TS Trần Hoàng Ngân, thành viên Hội đồng tư vấn tiền tệ Quốc gia cho rằng tại thời điểm này, tình hình không như năm 2008.

“Rõ ràng các ngân hàng đã chủ động được hoàn toàn về nguồn vốn, chỉ có một vài ngân hàng do yếu về khả năng quản lý mới cần sự hỗ trợ của ngân hàng Trung ương”- Ông nhấn mạnh.

TS Cao Sỹ Kiêm , một thành viên khác của Hội đồng cũng cho rằng hiện thanh khoản của các ngân hàng khá tốt, các chỉ số tăng trưởng đã chạm mức tín dụng 25% theo chỉ tiêu của năm, nên không có gì phải căng thẳng.

Kết quả giao dịch trên thị trường liên ngân hàng theo cập nhật của NHNN cho thấy, lãi suất giao dịch bình quân qua đêm bằng VND từ cuối tuần trước đến đầu tuần này đã lần lượt vượt mốc 10%, 11% và 12%. Đến ngày 7-12, mức lãi suất bình quân qua đêm bằng VND ghi nhận ở mức 12,37%/năm. Như vậy, lãi suất bình quân qua đêm bằng VND đã tăng mạnh trở lại.

Trước những biến động của thị trường tiền tệ, NHNN chủ trương điều hành lượng tiền cung ứng thông qua nghiệp vụ thị trường mở, tái cấp vốn, kết hợp với điều chỉnh linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ khác để hỗ trợ thanh khoản cho các TCTD, kiểm soát tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán, tín dụng và lãi suất thị trường tiền tệ ở mức hợp lý.

Đầu vào ngoại tệ dồi dào nhờ kiều hối

Theo NHNN, thị trường ngoại hối đang chuyển biến tích cực với sự gia tăng nguồn cung ngoại tệ từ các luồng vốn vào. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 11-2010, nguồn thu ngoại tệ từ kiều hối đã đạt mức 7,6 tỷ USD.

Trong tháng 12-2010, ước tính lượng kiều hối sẽ đạt khoảng 770 triệu USD, nâng tổng nguồn thu từ kiều hối của cả năm 2010 lên mức 8 tỷ USD, tăng khoảng 25,6% so với tổng lượng kiều hối của cả năm 2009.

Dự báo trong tháng 1-2011, do đúng dịp Tết Nguyên đán nên nguồn kiều hối còn tiếp tục gia tăng.

Bên cạnh, luồng vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam từ đầu năm tới nay thặng dư khoảng 800 triệu USD, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài trong 11 tháng của năm 2010 đã tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, các ngân hàng nước ngoài đang chuyển vốn ngoại tệ vào Việt Nam và giải ngân để thực hiện quy định của NHNN về việc tăng vốn điều lệ lên mức 3.000 tỷ đồng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG