Nguy cơ 'lú lẫn' trong giới trẻ

TP - Không dừng lại ở những người trung niên, bệnh suy giảm trí nhớ đã tấn công sang cả người trẻ. “Chưa già đã lú” là cách mà các chuyên gia thần kinh học ví von cho khoảng 20% bệnh nhân dưới 35 tuổi gặp các vấn đề về căn bệnh liên quan đến thần kinh này.

Nguy cơ 'lú lẫn' trong giới trẻ ảnh 1 Người trẻ cần giảm áp lực học hành, thư giãn, ngủ đủ giấc...để ngăn chặn lại bệnh. Ảnh: L.N

Nói trước quên sau

Hai năm trở lại đây phòng khám nội thần kinh của Bệnh viện Nhân dân 115 luôn tấp nập người trẻ đến khám. Có ngày, trong 150 người đến khám có đến 50% những bệnh nhân đến khám chứng suy giảm trí nhớ khi họ mới 18-35 tuổi. “Mấy năm trước chúng tôi chỉ khám cho những người trung niên với hội chứng đãng trí nhưng hai năm trở lại đây, khách hàng của phòng khám xuất hiện nhiều người trẻ. Có người mới ở tuổi 20 đã mắc chứng nói trước quên sau” BS Võ Đôn- Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Nhân dân 115, nói. 

Từ đầu năm học đến nay, anh Nguyễn Văn Long, 20 tuổi, sinh viên trường Đại học Kinh tế TPHCM cứ như một ông già, luôn bị đãng trí. Quá lo lắng, sáng 7/11, anh Long đến khoa Nội thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 thăm khám. Tại đây, các bác sĩ cho biết, anh Long đang gặp bệnh đãng trí- một dạng về suy giảm trí nhớ. 

“Áp lực học hành và cuộc sống trong xã hội phát triển dẫn đến stress làm cho các bệnh lý thoái hóa thần kinh tăng lên”- BS Đôn nói. Chị Hồ Thị Thy Thy, thư ký cho Tổng giám đốc Công ty dược M. ở quận 10, TPHCM tưởng mình “miễn nhiễm” với chứng đãng trí khi tuổi 29. Nhưng một tháng nay chị Thy cho biết “đầu óc có vấn đề”.

Theo chị Thy, nhiều lúc ngồi vào máy tính định gửi email truyền đạt công việc nhưng khi bật máy lên lại loay hoay không nhớ mình phải làm việc gì. “Có lần em định vào bếp nấu món canh nhưng khi lấy nguyên liệu lại không nhớ ý định mình thực hiện mà đi nấu cơm”- chị Thy nói.

PGS - BS Nguyễn Thi Hùng- Phó Chủ tịch Hội Thần kinh học TPHCM cho rằng, chưa có khảo sát chính thức về tình trạng suy giảm trí nhớ ở người trẻ nhưng những thống kê sơ bộ từ Hội Thần kinh học TPHCM cho thấy, cứ 100 người trẻ đến khám bệnh ở các bệnh viện công tại TPHCM thì có đến 20 người gặp trục trặc về suy giảm trí nhớ. 

Vì sao bệnh xuất hiện nhiều ở người trẻ?

“Có đến 91% bệnh nhân suy giảm trí nhớ chưa được điều trị và có khoảng 50% số người suy giảm trí nhớ sẽ chuyển thành sa sút trí tuệ 3 năm sau đó. Tuy nhiên, người bệnh và gia đình xem đó là biểu hiện của tuổi tác hoặc do tính đãng trí thông thường” 

PGS Vũ Anh Nhị

“Khoảng 20% bệnh nhân dưới 35 tuổi của các phòng khám thần kinh gặp vấn đề về suy giảm trí nhớ. Xu hướng trẻ hóa người bệnh đáng báo động”- BS Thi Hùng nói. BS Hùng giải thích, căng thẳng tâm lý là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy giảm trí nhớ cùng với chế độ ăn công nghiệp, thói quen uống rượu bia và chất kích thích, tình trạng béo phì, ô nhiễm môi trường...

“Chưa kể, người trẻ dễ bị kích động, cáu gắt, mất tập trung và gặp nhiều áp lực học hành, việc làm hay kiếm tiền khiến đầu óc họ luôn căng lên làm sản sinh ra gốc tự do dẫn đến chức năng não bị rối loạn, hệ thống mạch máu bị suy yếu làm não kém tập trung và giảm khả năng ghi nhớ”- BS Hùng giải thích.

Tại phòng khám Trí nhớ của Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, nhiều bệnh nhân lứa tuổi học sinh, sinh viên nói đang tính làm việc gì đó nhưng quay qua quay lại thì đã quên mất. “Có khi đi ra khỏi phòng quên khóa cửa. Đa số đều nói rằng họ bị căng thẳng trong cuộc sống”- BS Trần Công Thắng- chuyên khoa Thần kinh bệnh viện này nói. Theo ông, người trẻ cứ duy trì thói quen bia rượu, ngủ không đủ giấc khiến cơ thể sản sinh gốc tự do nhiều lên sẽ gây hại cho não. Thường xuyên duy trì thói quen xấu ấy sẽ dẫn đến suy giảm trí nhớ, về lâu dài mắc chứng bệnh sa sút trí tuệ. 

PGS-TS Vũ Anh Nhị- Chủ tịch Hội Thần kinh TPHCM cho rằng thanh thiếu niên chịu nhiều áp lực học tập, nhất là gần đến kỳ thi dễ gặp tình trạng suy giảm trí nhớ.

“Áp lực bài vở và căng thẳng bởi áp lực thành tích thường gây nên bệnh hay quên, đi kèm mất tập trung ở lứa tuổi học sinh -sinh viên tăng lên”- BS Nhị giải thích và cảnh báo nếu không giải bỏ áp lực sẽ khiến giới trẻ dễ bị lú lẫn sớm, tư duy chậm và học trước quên sau.

Chặn sớm bệnh “chưa già đã lú”

Thông thường sau tuổi 30, mỗi ngày có tới 3.000 tế bào não chết đi mà không sản sinh thêm. Trong khi đó, mỗi tế bào ở lại phải hứng chịu sự tấn công của 10.000 gốc tự do làm hủy hoại các tế bào thần kinh khiến chức năng não rối loạn. 

Nguy cơ 'lú lẫn' trong giới trẻ ảnh 2

Kỹ thuật viên phòng khám Trí nhớ trị liệu giảm căng thẳng cho bệnh nhân

Kỹ thuật viên phòng khám Trí nhớ trị liệu giảm căng thẳng cho bệnh nhânĐể chặn đứng chứng bệnh “chưa già đã lú”, BS Thi Hùng tư vấn cần đổi lối sống, dẹp bỏ áp lực, quên đi phiền muộn, tạo điều kiện nghỉ ngơi và ngủ đủ giấc, tránh stress, giảm cân nếu béo phì, hạn chế rượu bia và các loại thực phẩm chứa nhiều gốc tự do...

Về điều trị y khoa, các chuyên gia thần kinh của Mỹ đã tạo bước đột phá khi vừa tìm ra dưỡng chất sinh học anthocyanin có trong trái Blueberry. Nó có khả năng vượt qua hàng rào máu não để chống gốc tự do bảo vệ tế bào thần kinh não.

“Khi dung nạp chất chống oxy hóa này vào máu, nó chạy lên não và vượt qua hàng rào mạch máu não đến vùng tế bào thần kinh chống lại gốc tự do”- BS Thi Hùng cho biết.

Trong khi đó, BS Võ Đôn khuyến cáo giới trẻ cần thường xuyên rèn luyện trí nhớ bằng cách đọc sách, năng giao tiếp xã hội, sắp xếp cuộc sống gọn gàng... Tập thể dục thường xuyên cũng là một cách tốt, để thúc đẩy tuần hoàn, hô hấp, giúp tăng cường ôxy và dinh dưỡng cho não. Ngoài ra nên có chế độ dinh dưỡng, thực phẩm hợp lý bằng cách ăn các loại thực phẩm giàu chất sắt, đạm và nguyên tố vi lượng để ngăn chặn sự thoái hóa của tế bào não.

MỚI - NÓNG