Nguy cơ lây lan virus từ ca tái nhiễm COVID-19 đầu tiên ở Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
Xét nghiệm giúp khẳng định một người tái nhiễm hay tái dương tính với SARS-CoV-2 Ảnh: Long Phạm
Xét nghiệm giúp khẳng định một người tái nhiễm hay tái dương tính với SARS-CoV-2 Ảnh: Long Phạm
TP - Ngày 7/9, Hà Nội công bố ca mắc mới là một người đàn ông tên N.T.P. (53 tuổi, phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy) có tiền sử nhiễm SARS-CoV-2 ngày 8/11/2020 tại Nga. Đây có thể là trường hợp đầu tiên tại Việt Nam tái nhiễm COVID-19.

Ngày 3/9, ông P. đi tiêm vắc-xin tại số 21 Trung Liệt. Ngày 6/9, ông đưa người nhà đi khám tại Phòng khám đa khoa Medlatec Tây Hồ, được lấy mẫu xét nghiệm, kết quả dương tính. Hiện tại, ông không có triệu chứng. Trước đó, trưa 31/8 tại ngõ 102 Nguyễn Đình Hoàn nơi ông này sinh sống, đã ghi nhận trường hợp mắc COVID-19.

Theo kết quả xét nghiệm, tải lượng virus của người đàn ông này thời điểm phát hiện dương tính là rất thấp. Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết, với tải lượng virus thấp như khi phát hiện dương tính thì nguy cơ lây lan virus của trường hợp này rất thấp.

Tuy nhiên, chưa dám chắc trong thời gian trước đó, có thời điểm nào tải lượng virus của ca bệnh này cao hay không. Do đó, ông Cấp cho rằng, cơ quan chức năng vẫn phải truy vết và xét nghiệm những người tiếp xúc F0 này trong 10-14 ngày trước đó.

“Rất hy vọng với trường hợp này dù có tái nhiễm nhưng do có sẵn “tế bào nhớ” trong cơ thể, khả năng đáp ứng của họ trước virus mạnh nên tải lượng virus họ thấp, không có triệu chứng bệnh và ít có khả năng lây lan bệnh”, bác sĩ Cấp nói.

“Trên thế giới, số ca tái nhiễm ghi nhận rất ít nhưng vẫn có. Có những trường hợp tái nhiễm vài tháng sau khi khỏi bệnh”, bác sĩ Cấp thông tin. Gần đây, truyền thông đưa tin ca bệnh “số 0” tại Ấn Độ (nữ sinh trở về từ Vũ Hán - người đầu tiên mắc COVID-19 ở nước này) vào tháng 1/2020, đã tái nhiễm SARS-CoV-2 sau 17 tháng.

Theo bác sĩ Cấp, tái nhiễm là trạng thái một bệnh nhân đã khỏi hẳn bệnh, sau đó một thời gian nhiễm lại bệnh đó lần thứ 2. Còn tái dương tính là trạng thái một bệnh nhân đang trong quá trình tiến triển của bệnh, đã có những giai đoạn xét nghiệm âm tính, sau đó lại xuất hiện những lần xét nghiệm dương tính.

Tại Việt Nam, có một số trường hợp bệnh nhân COVID-19 tái dương tính sau khi được ra viện, những ca này hầu như không lây nhiễm virus cho người khác.

Trong những trường hợp bệnh nhân có xét nghiệm RT-PCR dương tính với SARS-CoV-2 sau khi đã âm tính nhiều lần, thầy thuốc phải chỉ định làm nhiều lần xét nghiệm, phối hợp các xét nghiệm khác như: xét nghiệm kháng nguyên, kháng thể, nuôi cấy virus… tổng hợp cùng các yếu tố lâm sàng và dịch tễ khác để khẳng định bệnh nhân chưa khỏi hoặc xác nhận bệnh nhân đã khỏi bệnh, tái dương tính hay tái nhiễm.

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp chia sẻ kết quả của nghiên cứu “Đánh giá khả năng miễn dịch và tái nhiễm SARS-CoV-2 - SIREN” tại Anh. Theo đó, người từng nhiễm COVID-19 thì nguy cơ nhiễm lại virus giảm hơn 83% so với người chưa từng nhiễm trong thời gian ít nhất là 5 tháng. Một nghiên cứu khác tại Đại học Y Missouri (Mỹ) cũng cho thấy tỷ lệ tái nhiễm ở những người từng mắc COVID-19 là 0,7% với thời gian tái nhiễm trung bình là 116 ngày. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều lần mức lây nhiễm ở những người chưa từng bị nhiễm, và có thể so sánh với những người đã được tiêm đầy đủ vắc-xin.

“Cơ sở chắc chắn nhất để khẳng định một bệnh nhân tái nhiễm virus SARS-CoV-2 là khi bệnh nhân đó từng nhiễm COVID-19 đã đủ tiêu chuẩn xác định khỏi bệnh, một thời gian dài sạch virus. Sau đó, bị nhiễm bệnh lại và nuôi cấy virus có mọc lại (virus hoạt động). Tức là lần nhiễm sau bệnh nhân đó mang virus sống chứ không phải mảnh xác virus tồn lưu từ lần nhiễm trước.

Tuy nhiên, có một số trường hợp có thời gian mang virus rất dài tới 174 ngày, nên cơ sở thứ 2 để khẳng định một người có tái nhiễm hay không vẫn phải căn cứ vào nuôi cấy virus, giải trình tự gien, nếu hai lần nhiễm mà mắc hai chủng khác hẳn nhau thì chắc chắn đó là tái nhiễm.

Thực tế, nếu một trường hợp nhiễm lần 2 sau khi khỏi bệnh lần đầu trên 9 tháng thì mặc nhiên coi đó là tái nhiễm”, bác sĩ Cấp phân tích.

Tái nhiễm diễn biến nặng như nhiễm lần đầu

Bác sĩ Cấp cho biết, một số nghiên cứu khác cho thấy diễn biến bệnh và tỷ lệ diễn biến nặng ở những người tái nhiễm cũng không khác biệt so với người nhiễm lần đầu.

“Cơ thể thường sinh ra kháng thể với virus sau khi khỏi bệnh. Nhưng cơ thể có giữ được mức độ kháng thể giúp bảo vệ cơ thể lâu dài hay không lại tùy theo từng loại virus và từng cá thể người bệnh. Có những loại virus tạo được kháng thể suốt đời như sởi, đậu mùa, quai bị…

Tuy nhiên, cũng có loại virus chỉ tạo được kháng thể trong thời gian ngắn hơn, hoặc thậm chí rất ngắn như cúm hoặc có kháng thể nhưng không diệt sạch được virus như viêm gan C, HIV… Khả năng tạo kháng thể mạnh hay yếu cũng tùy vào đặc tính riêng của từng người. Với virus SARS-CoV-2, thậm chí kháng thể này còn giảm nhanh hơn”, ông nói.

MỚI - NÓNG