Ngày càng thiếu điều dưỡng
Ngày 27/10, trao đổi với phóng viên về vấn đề trên, ông Phan Văn Báu, Giám đốc Bệnh viện Nhân Dân 115 TPHCM cho biết, lực lượng điều dưỡng giỏi kinh nghiệm nghỉ việc ngày càng nhiều, trong đó một số chuyển sang bệnh viện tư nhân và nhiều người đã về quê, chuyển sang công việc khác. “Bệnh viện chúng tôi đang tuyển thêm điều dưỡng nhưng rất khó khăn vì lực lượng nhân sự này trên thị trường đang bị thiếu hụt”, ông Báu nói.
Ngoài chăm sóc bệnh nhân, lực lượng điều dưỡng còn phải làm nhiều công việc “không tên”. Ảnh: Vân Sơn |
Trong khi đó, ông Báu cho hay, Thông tư Liên tịch (số 26/2015) của Bộ Y tế và Bộ Nội vụ quy định đến ngày 1/1/2025, số viên chức đã được tuyển dụng trong ngành y tế có trình độ trung cấp phải chuẩn hóa để đạt trình độ cao đẳng trở lên. Việc đòi hỏi này là một bất cập. Để chuẩn hóa trình độ điều dưỡng theo quy định phải từ cao đẳng trở lên, bệnh viện đang phối hợp với Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch tổ chức đào tạo nâng trình độ cho điều dưỡng hệ trung cấp. Tuy nhiên, anh chị em phải vừa học vừa làm nên rất vất vả, áp lực.
Theo ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, hiện nay điều dưỡng đã nghỉ việc nhiều, một bộ phận nhân sự đang làm việc có trình độ trung cấp. “Bệnh viện hiện đã rơi vào tình thế thiếu người nếu bắt nhân lực có trình độ trung cấp đi học để nâng lên cao đẳng hoặc đại học thì sẽ không còn người làm việc. Nếu bị ép đi học, điều dưỡng trung cấp có thể sẽ tiếp tục nghỉ việc tạo thành vòng luẩn quẩn không có lối ra”, ông Thượng nói.
Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị UBND TPHCM đề xuất với Bộ Y tế, Bộ Nội vụ gia hạn cho các bệnh viện, thay vì đến hết năm 2025 không còn điều dưỡng trung cấp thì sẽ kéo dài đến năm 2030. Bên cạnh đó, Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị bổ sung thêm loại hình trợ lý điều dưỡng do chính bệnh viện đào tạo trong thời gian từ 3 đến 6 tháng. Đây sẽ là lực lượng chính chăm sóc, vệ sinh cho người bệnh dưới sự hướng dẫn, giám sát của điều dưỡng. Mặt khác, Sở Y tế TPHCM cũng kiến nghị Bộ Y tế, Bộ LĐTB&XH cho phép các trường thuộc khối ngành sức khỏe tiếp tục đào tạo khối ngành điều dưỡng hệ trung cấp để có nguồn tuyển dụng.
Tiến thoái lưỡng nan
Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, trung bình mỗi năm các trường thuộc khối ngành sức khỏe trên địa bàn TPHCM tuyển hơn 2.000 sinh viên theo học hệ điều dưỡng từ trung cấp đến đại học. Tuy nhiên, trong năm học 2022-2023, sinh viên đăng ký theo học đã giảm mạnh, các trường chỉ tuyển được khoảng 600 người theo học ngành điều dưỡng chủ yếu là hệ cao đẳng, đại học.
Cho rằng việc “đóng khung” trình độ của điều dưỡng là bất cập, ông Hoàng Quốc Long, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, TPHCM nói: “Cơ cấu việc làm có nhiều vị trí từ cấp thấp đến cấp cao, mỗi công việc đáp ứng một tiêu chí, tiêu chuẩn phù hợp. Với vị trí hộ lý, điều dưỡng chăm sóc người bệnh thì chỉ cần trình độ trung cấp là được, do đó việc đòi hỏi phải có trình độ cao đẳng trở lên là bất hợp lý và đang gây khó khăn không chỉ cho các trường trung cấp mà cả bệnh viện lẫn người học”.
Những năm gần đây, ở các trường trung cấp, số lượng sinh viên ngành điều dưỡng sụt giảm nghiêm trọng. Tại Trường Trung cấp Nguyễn Tất Thành, trước đây mỗi năm tuyển hơn 100 sinh viên, nay chỉ tuyển được 20 đến 30 sinh viên. Lý do, theo ông Long, sinh viên lo sợ học trung cấp xong ra trường không có việc làm hoặc phải liên thông tiếp lên bậc cao đẳng, trong khi nhu cầu của nhiều người chỉ muốn học trung cấp để đi làm ngay thì không đáp ứng được. Ông Long đề nghị Bộ Y tế nên có chính sách để các cơ sở y tế tuyển dụng trở lại bậc trung cấp. Nếu không xử lý nhanh, những năm tới, TPHCM sẽ thiếu nhân lực y tế trầm trọng.
Đồng quan điểm trên, ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng Trường trung cấp Bách khoa TPHCM cho biết, quy định về trình độ điều dưỡng đang gây khó khăn cho các trường trung cấp lẫn bệnh viện. Tại Trường Trung cấp Bách khoa TPHCM, trước đây mỗi năm tuyển vài trăm sinh viên các ngành điều dưỡng, hộ lý nhưng từ khi quy định điều dưỡng phải có trình độ cao đẳng trở lên thì trường chỉ tuyển được vài chục sinh viên.
Theo ông Sáng, nhu cầu điều dưỡng không chỉ ở các bệnh viện công lập mà hệ thống y tế tư nhân cũng rất lớn. Ngoài nhiệm vụ cụ thể của từng vị trí làm việc không đòi hỏi phải cần đến trình độ cao thì hệ thống các bệnh viện cũng có nhiều cấp như bệnh viện tuyến trung ương, tuyến địa phương. Mỗi địa phương lại có yêu cầu khác nhau tùy thuộc vào tình hình kinh tế, xã hội. Đối với bệnh viện tuyến trung ương đòi hỏi tuyển nhân sự trình độ cao là phù hợp nhưng với các địa phương, việc đòi hỏi nhân lực y tế trình độ cao là rất khó cả về thu nhập lẫn môi trường làm việc. “Bộ Y tế cần sớm bỏ Thông tư 2627 và Thông tư 03 về quy định bệnh viện công lập chỉ tuyển hộ lý, điều dưỡng bậc cao đẳng trở lên, đồng thời nên giao quyền tự chủ tuyển dụng lao động cho các bệnh viện”, ông Sáng kiến nghị.
Liên quan đến hoạt động đào tạo điều dưỡng, Sở Y tế TPHCM đã kiến nghị lãnh đạo thành phố này nghiên cứu cơ chế hỗ trợ học phí, hoặc miễn phí cho những người đăng ký theo học ngành điều dưỡng. Đây được xem là giải pháp để kích thích và thu hút sinh viên điều dưỡng, tránh nguy cơ thiếu hụt ngày càng nhiều nguồn nhân lực này trong tương lai gần. Sở Y tế TPHCM cũng kiến nghị thành phố cho lực lượng điều dưỡng được hưởng thu nhập tăng thêm (theo Nghị quyết 03).