Thiếu nhân viên y tế trầm trọng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nhân viên y tế tại Bình Dương và Đồng Nai đang nghỉ việc hàng hoạt khiến hai địa phương này rơi vào tình cảnh thiếu nhân lực trầm trọng, đặc biệt tại tuyến y tế cơ sở.

Làn sóng nghỉ việc

Bác sĩ H., có nhiều năm công tác tại BV đa khoa Đồng Nai và đã được UBND tỉnh Đồng Nai khen thưởng vì những đóng góp trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, mới đây Bác sĩ H. đã nộp đơn xin nghỉ việc với lý do áp lực công việc rất cao, thời gian cao điểm dịch COVID-19 phải trực cả tháng trong bệnh viện. Trong khi công việc ở bệnh viện không ổn định, thường xuyên bị phân công công việc không đúng với chuyên môn, sở trường khiến ông không phát triển được năng lực chuyên môn.

Thiếu nhân viên y tế trầm trọng ảnh 1

Ngành y tế Bình Dương đang thiếu nhân lực. Ảnh: H.C

Hàng loạt bác sĩ, điều dưỡng tại Đồng Nai cũng đã quyết định nghỉ việc trong thời gian qua. Bác sĩ Ngô Đức Tuấn, Giám đốc BV đa khoa Đồng Nai cho biết, trong năm 2021, BV đã có khoảng 100 nhân viên nghỉ việc. Trong đó, 29 bác sĩ và 30 điều dưỡng, còn lại là các kỹ thuật viên hay các vị trí khác. Nguyên nhân chủ yếu khiến nhiều bác sĩ, điều dưỡng nghỉ việc chuyển ra ngoài làm để hưởng mức thu nhập cao hơn.

Theo bác sĩ Tuấn, các bệnh viện nhà nước khi luôn phải làm nhiều công việc chăm lo sức khoẻ cho người dân nhưng còn phải đau đầu lo lắng về vấn đề nhân lực, đặc biệt là trước làn sóng hệ thống y tế tư nhân phát triển mạnh như hiện nay.

Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Trảng Bom Nguyễn Đức Phước cho hay, Trung tâm có 50 bác sĩ, nhưng từ đầu năm đến nay đã có 6 bác sĩ nghỉ việc và hiện nay tiếp tục có các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên hành chính xin nghỉ việc. Nguyên nhân chủ yếu là do áp lực công việc quá lớn mà thu nhập lại rất thấp. “Ở trung tâm y tế huyện thì không thực hiện được dịch vụ gì, nhân viên không có nguồn thu nhập tăng thêm, chỉ có lương vỏn vẹn vài triệu đồng/tháng. Trong khi đó, vật giá lại leo thang khiến nhiều y, bác sĩ chán nản, không còn động lực phấn đấu” - BS Phước bày tỏ.

Khó trở tay

Theo BS Phước, do thiếu bác sĩ nên Trung tâm khó, thậm chí không thể triển khai được một số chuyên khoa hay các dịch vụ, kỹ thuật cao, kỹ thuật mới khiến người dân không mặn mà đến khám, chữa bệnh. Từ đó dẫn đến Trung tâm không có nguồn thu, bác sĩ không có thu nhập tăng thêm nên chán nản và xin nghỉ việc. “Nếu không có giải pháp khẩn cấp cứu vãn tình thế này thì sẽ dẫn đến nguy cơ “vỡ trận””- BS Phước nói.

Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương Huỳnh Minh Chín cho biết, hiện toàn tỉnh có khoảng 300 nhân viên y tế tuyến cơ sở nghỉ việc. Lý do chủ yếu là thu nhập thấp, môi trường làm việc không phù hợp, không có cơ hội nâng cao tay nghề, công việc quá tải nhưng lương không đủ trang trải chi phí cuộc sống. Hiện tỉnh này còn thiếu 593 biên chế cho chức danh bác sĩ, điều dưỡng hộ sinh, trong đó chủ yếu ở tuyến cơ sở.

Ngoài ra, bệnh viện Đa khoa 1.500 giường ở Bình Dương sắp đưa vào hoạt động và đang loay hoay tìm nhân sự. “Nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của người dân ngày một tăng cao và đa dạng. Trong khi khả năng đáp ứng của hệ thống y tế ở cả 3 tuyến còn nhiều hạn chế do thiếu nhân lực. Việc đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, tuyển dụng còn gặp rất nhiều khó khăn. Hằng năm không tuyển đủ số lượng bác sĩ, cán bộ y tế theo yêu cầu”, ông Chín cho hay.

Giáo dục khó tuyển dụng, giao thông thiếu nhân sự

Trưởng phòng GD-ĐT huyện Định Quán (Đồng Nai) Ngô Đăng Thành cho hay, toàn huyện thiếu trên 100 giáo viên, chủ yếu là giáo viên mầm non và tiểu học. Nguyên nhân do lương giáo viên thấp, chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng đối với giáo viên mới vào nghề. Sau khi trừ các khoản phí Công đoàn, bảo hiểm… thì thực lãnh còn chưa đầy 4 triệu đồng. Giáo viên ở huyện vùng sâu, vùng xa thu nhập chính là lương, nên nhiều giáo viên sau khi tốt nghiệp sư phạm đã đi làm nghề khác.

Mạnh Thắng

MỚI - NÓNG