Người Việt và thói xấu mang tên.. rác

Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà (ban Văn hóa Văn nghệ báo Tiền Phong)
Nhà báo Nguyễn Mạnh Hà (ban Văn hóa Văn nghệ báo Tiền Phong)
TPO - Tôi tìm đường đến rạn Nam Ô (Đà Nẵng) với bao hình dung háo hức... Sự thật kể cũng không quá xa với tưởng tượng, trừ việc tôi phải băng qua hàng đống rác.

Trong khi lần mò theo lối mòn đầy lá mục ẩm để đến rạn đá, bỗng thấy con rắn lục trườn ngay trước mũi chân. Kể cũng đáng sợ đấy, nhưng ít ra nó còn sống và di chuyển. Còn lũ rác rưởi ngoài kia cứ lì ra đó, thi gan cùng tuế nguyệt. Hầu hết là tàn tích của những bữa ăn chơi, lửa trại. Lúc quay về, tôi tìm được đường ngắn hơn qua khu rừng. Hóa ra đó chính là lối ban đầu tôi định vào, nhưng thấy bãi “chất thải rắn” án ngữ nên thôi.

Vâng, đi vãn cảnh hãi nhất gặp "mìn". Không quên tinh mơ năm nào ra bãi biển Sầm Sơn định đón không khí trong lành, bỗng gặp ngay trên cát bãi "mìn tươi"... Dân ta có câu “Thứ nhất quận công, thứ nhì ị đồng”. Vị trí độc đắc hẳn dành cho “bãi biển”?! Dân ta cứ như sướng gì là phải làm ngay. Đơn cử chuyện khạc nhổ, phải giữa đường mới chịu. Có lần tôi đang ung dung đứng chờ đèn đỏ thì oác, một viên đờm từ đâu bay tới đáp ngay mũi giày. Kể từ đó mũi giày da nâu của tôi lưu một vết sẫm màu, đánh xi kiểu gì cũng không sạch.

Tình hình vệ sinh công cộng có vẻ đỡ nhiều. Không còn gặp những vệt vàng vàng bám trên thành xe khách liên tỉnh. Nghĩa là thời các nhà xe chưa có điều hòa và túi nôn, khách đến cơn chỉ việc thò cổ qua cửa kính, mặc “yêu dấu theo gió bay”. Rồi nền Nhà hát Lớn Hà Nội thuở nào dày đặc bã kẹo cao su “hóa thạch” thì từ khi thay thảm mới, chẳng mấy ai nỡ nhổ.

Đôi khi việc khạc nhổ nơi công cộng làm đi làm lại thành quen. Mà khi đã quen thì rất khó bỏ. Trước khi tới Myanmar đầu năm nay, tôi được biết chính quyền đã có nhiều biện pháp cấm cản việc nhổ nước cốt trầu bừa bãi của người dân. Những bãi nhổ không chỉ bốc mùi khó ngửi mà còn để lại khắp các chân tường, vỉa hè những vệt như máu khô nom rất kinh. Khi tôi đến Yangoon, cuộc cách mạng nước cốt trầu đã có những bước tiến rõ rệt. Nhưng vẫn cảm nhận được sự lợi hại của thứ nước danh bất hư truyền này, những khi đi taxi chẳng hạn. Xe nào càng cũ thì khả năng tài xế nghiện trầu càng cao. Tất nhiên xe không đời nào có máy lạnh, và dù tất cả các cửa kính đều mở thì mùi trầu ám vào xe vẫn làm tôi không dám thở mạnh. Còn khi vào chợ, chỉ cần ngang qua chỗ quy định để nhổ nước cốt trầu thì thôi rồi. Tự khắc cơ chế chạy trốn trong người bạn sẽ được bật tách một cái.

Khắp nơi trên đường phố Yangoon vẫn nhan nhản những tủ kính têm trầu để bán. Khách xếp hàng dài, toàn đàn ông. Nhiều anh còn trẻ mà hàm răng đã chiếc đậu chiếc bay. Chỉ vì nghiện trầu. Là du khách, tôi vẫn thấy việc ăn trầu có nhiều nét thú vị, nhất là ông bà tôi cũng từng ăn trầu. Dù sao nó cũng thuộc về văn hóa.

Vứt rác nơi công cộng đương nhiên vô văn hóa, không thể bào chữa. Gần đây, chính quyền thắt chặt kỷ cương, tăng phạt với những hành động gây mất vệ sinh chốn đông người. Đơn cử mức phạt cho hành vi đái bậy hiện là 3 triệu- tăng mười lần so với 2013.

Không biết việc gia tăng hình phạt có bắt nguồn từ vụ việc gây ngỡ ngàng dư luận vào tháng 2/2016, khi ảnh chụp người đàn ông mặc vest đái vào giải phân cách tại một ngã tư đường phố Hà Nội được đăng lên mạng. Lưu ý giải phân cách rất thấp, nên có thể nói anh kia chả còn tí thẹn thùng nào. Khi công an hỏi, anh bảo lúc đó đang say rượu. Năm 2015, một nam hành khách cũng khai bị thận nên phải tiểu vào túi nôn dù máy bay vừa tiếp đất. Cùng thời điểm, ca sĩ Lệ Quyên cũng cho con tè vào túi nôn lên cả báo nước ngoài. Có thể những hoàn cảnh đó có chút đặc thù. Chẳng hạn, ca sĩ thì hành động không thể giống người thường. Nhưng mới đây, hình ảnh cả đám nam thanh niên Việt Nam tè thẳng xuống hồ Nhật Nguyệt khi đang du lịch Đài Loan bị bạn đưa lên báo, khiến tôi phải nghĩ lại về những tiến bộ vệ sinh công cộng Việt Nam đã đạt được. Đó mới chỉ là những gì thuộc về bề ngoài. Còn từ bên trong...

Phổ biến một kiểu tư duy kỳ quái: cảnh đẹp cũng chính là bãi rác. Như một hội thảo mới đây nhận định nhiều khu du lịch sinh thái ở Việt Nam có nguy cơ xóa sổ chỉ vì bẩn quá! Báo cáo năng lực cạnh tranh trong ngành du lịch 2017 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp Việt Nam ở vị trí 129/137 nước về Mức độ môi trường bền vững; mục Quy định lỏng lẻo về môi trường- thứ 115… Trong khi đó về Tài nguyên thiên nhiên, ta đứng thứ 34. Vài con số cho thấy Việt Nam được thiên nhiên ưu đãi, nhưng người dân chưa thực sự trân trọng điều đó.

Đập vào mắt du khách vừa tới đảo Coron- Phillipines là mấy pa-nô cấm mang xoài từ vùng khác đến, để tránh lây nhiễm sâu bệnh. Sân bay có mấy thùng các-tông đựng đầy san hô, vỏ sò ốc du khách bỏ lại. Vì họ không được mang chúng ra khỏi đảo, mua ở quầy hàng lưu niệm thì được. Những bãi biển trên đảo nói lên tất cả- chúng không hề vắng khách nhưng vẫn sạch tinh như chưa hề in dấu chân người.

Giờ bay khỏi đảo bị hoãn, khách được phát cơm hộp. Khi vứt hộp, tôi đứng trước một dãy 4 thùng rác phân loại riêng vô cơ, hữu cơ, nhựa, pin…

Ở Việt Nam, chính quyền chưa kỹ càng và quan tâm đúng mức đến tái chế rác bảo vệ môi trường đến thế. Nên người dân tha hồ vứt rác lẫn lộn thoải mái, miễn ra khỏi nhà mình. Tôi cứ nghĩ mãi, phải chăng chính quyền lơ là nên dân mới hay bừa bãi.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.