Nhựa trong ta

TPO - Đi dự các cuộc họp, trên bàn bao giờ cũng để sẵn mỗi người một chai nước (phải các cuộc thật sang mới có nước trong ly thủy tinh). Vãn cuộc, hầu hết các chai đều ở lại trong tình trạng lỡ dở.

Nhiều người cứ đến phòng tập thể dục là mua chai nước uống, rồi chả biết đổ bao nhiêu mồ hôi mà chai vứt lại vẫn còn khối nước. Ở giảng đường, thay vì mời giáo viên cốc nước ở hàng chè chén, giờ là chai nước. Máy bán nước tự động đặt ngay cửa lớp. Chỉ nhận tiền polymer, cứ 10.000Đ được 2 chai. Đâm ra trong lớp nhiều hôm cứ la liệt chai nhựa, có chai chỉ mới bật nắp chưa uống…

Dăm năm trước tôi đã đưa lời kêu gọi “Hãy uống hết nước trong chai!” lên blog Yahoo rồi Facebook, nhận được khá nhiều lượt chia sẻ. Trong bài có câu: “Bạn có nên suy nghĩ một chút trước khi mở nắp một chai nước tinh khiết? Nếu đã mở nắp rồi, việc tối thiểu bạn có thể làm là uống hết nước trong chai đó?” Tất nhiên chẳng phải tôi tha thiết mong bạn uống hết nước cho đẹp da, thải độc gì, mà đó chỉ như một động tác tối thiểu thể hiện sự tôn trọng tài nguyên thiên nhiên và trách nhiệm với môi trường.(*) Có thể bạn vẫn được cung cấp đầy đủ nước uống, nước sinh hoạt nhưng nhìn ra toàn cầu, nước sạch đang khan hiếm. Mặc cho băng tan nhanh, nhiều nơi vẫn đang chết khát. Chẳng đâu xa, ngay đồng bằng sông Cửu Long vẫn phải chống chọi với hạn hán và ngập mặn ngày càng nghiêm trọng do các nước thượng nguồn sông Mekong đắp quá nhiều đập.

Chai nhựa rất tiện để mang đi, nhưng nhiều khi người ta lười đến độ vẫn mở chai nhựa uống nước dù đang ở nơi tiện nghi, cốc chén đầy đủ. Với thu nhập của đại đa số hôm nay, một chai nước vài nghìn không đáng gì. Nhưng nó là quá đắt so với thứ đựng bên trong, quá đắt so với tiền và công sức bỏ ra để thu gom tái chế vỏ ngoài. Tái chế là giải pháp ưu việt nhất vẫn không tránh khỏi thải ra nhiều chất độc.

Rob Greenfield tự cho mình là một công dân Mỹ bình thường. Một hôm anh quyết định không vứt rác nữa mà gắn tất cả những gì mình thải ra, chủ yếu là chai nhựa và vỏ đồ hộp (trừ giấy vệ sinh) lên người. Sau 30 ngày, trông anh chẳng khác gì quái vật transformer. Anh dùng ngoại hình cồng kềnh đầy vẻ ô nhiễm đó làm ví dụ trực quan để thấy lượng rác mà một người thải ra lớn đến mức nào. Khi anh vác bãi rác của mình đến trường tiểu học, các bé học sinh đã tự đưa ra quyết định không dùng cũng như về nói mẹ không mua chai nhựa, túi nhựa nữa, cả ống hút nhựa.

Chán nhất là dùng ống hút nhựa khi bạn có thể uống trực tiếp từ cốc, chai với cái miệng lành lặn. Hy vọng tư duy của bạn cũng lành lặn đủ để thấy rằng cuộc sống tiện dụng đến mức không cần thiết của con người đang trở thành gánh ngày càng nặng với môi trường và sự sống. Hạn chế dùng đồ nhựa là dễ nhất ai cũng làm được trong số các giải pháp chống biến đổi khí hậu.

Lượng CO2 loài người thải ra hằng năm hiện cao hơn 3 lần so với thập niên 1990. Và kể cả loài người dừng ngay là luôn việc thải khí, nhiệt độ trái đất vẫn tiếp tục tăng trong 500 năm nữa. Vì các đại dương bị ấm lên không thể hạ nhiệt ngay. Ba năm gần đây được ghi nhận là những năm nóng nhất trong lịch sử loài người. Với đà này thế kỷ XXI có thể tặng thêm cho trái đất 6oC! Các nhà khoa học còn khẳng định trong 3 năm tới nếu không có biện pháp cắt giảm khí thải triệt để, biến đổi khí hậu sẽ chạm ngưỡng không thể phục hồi. Tức là con người sẽ dần bị nướng chín bởi khí thải của chính mình.

Tạp chí Sciencetific America đưa 10 giải pháp giảm thiểu tốc độ sản sinh CO2. Trong đó có: Làm việc gần nhà để tiết kiệm xăng; Tăng cường ăn rau quả, vì ngành chăn nuôi là thủ phạm gây hiệu ứng nhà kính lớn nhất; Mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có một con- các nhà nghiên cứu ước tính mỗi đứa trẻ sinh ra sẽ làm tăng lượng khí thải của bố mẹ gần 6 lần… Một giải pháp cũng được đăng báo hẳn hoi: Hãy đi tiểu trong lúc tắm để tiết kiệm nước. Tùy tinh thần sáng tạo và sức chịu đựng, bạn có thể cân nhắc những biến thể sau: Đi tiểu 2-3 lần hoặc rủ cả nhà cùng tiểu rồi xả nước một thể. Theo tôi, thậm chí tè nơi gốc cây còn văn minh hơn tốn cả lít nước sạch để cuốn trôi nước tiểu(!)

Không cần biết bạn uống hay không, chỉ cần mở một chai nước, biết đâu bạn đã tăng quy mô cho lục địa thứ 6 của hành tinh. Lục… nhựa thì đúng hơn vì phần lớn chai nhựa sẽ trôi ra biển, theo các dòng hải lưu dúi vào một chỗ và cứ thế dập dềnh ở đó. Quần đảo hình thành từ hàng trăm triệu tấn rác nhựa ở phía Bắc Thái Bình Dương có tên hẳn hoi: Eastern Garbage Patch. Nó chỉ nhỉnh hơn 1/3 diện tích nước Mỹ chứ mấy. Đáng lo ngại hơn khối lượng rác nhựa nổi trên mặt nước chỉ bằng khoảng 1/10 những gì chìm xuống trong quá trình phân hủy. Chuyên gia cảnh báo, nếu công nghiệp nhựa cứ làm nên ăn ra như hiện nay, tới 2050, nhựa trong đại dương sẽ nhiều hơn cá.

Trong nước biển, nhựa tan rã thành dạng hạt, sợi mắt người không nhìn thấy và chìm xuống biển gọi là vi nhựa (microplastic). Loại hạt tương tự dễ thường có sẵn trong phòng tắm của mỗi nhà khi nó là thành phần của sữa rửa mặt hay kem đánh răng. Và chúng cũng theo đường cống ra sông ngòi. Hạt nhựa này nhanh chóng chui vào bụng cá và vì không phân hủy được, mắc kẹt trong đó, thậm chí đột nhập hệ tuần hoàn. Con người ăn hải sản kèm nhựa mà không hay. Các hạt nhựa cũng đủ nhỏ để khuếch tán vào không khí và mũi người cũng không có sự chọn lựa nào khác… Tóm lại, bạn đang dần dần trở thành thứ mà bạn vứt đi. Thế đấy, nhựa chẳng cung phụng không công cho bạn đâu!

Bạn lưu ý không nên uống nước trong chai nhựa kém chất lượng hoặc tái sử dụng chai nhựa dùng một lần. Thành phần nhựa xuống cấp thẩm thấu vào nước uống có thể gây các bệnh về nội tiết và cả ung thư.

MỚI - NÓNG