Trong nhà có một tủ sách

Tác giả Lê Đông A Hải.
Tác giả Lê Đông A Hải.
TPO - Tủ sách là cái tủ chủ yếu để bày sách, thừa chỗ có thể bày thêm tượng, kiếm, mô hình hay siêu nhân. Một dạo báo nào không nhớ, bàn chuyện tủ sách và tủ rượu, đại khái ở xứ văn minh nhà người tây sang luôn có tủ sách chứ đâu như nước ta nhà ông chủ tịch, ông giám đốc phần tinh hoa trong nhà hỡi ôi chỉ là cái tủ rượu.

Bàn thế không sai, nhà tôi cũng có một tủ sách thưa các chị. Nhưng tôi chợt nghĩ cuộc thảo luận rất đúng đắn tủ sách-tủ rượu vài năm trước, chỉ độ 20 năm nữa thôi, thế hệ con cháu tôi chúng nó sẽ không hiểu. Vì nhà chúng nó sẽ không có cả tủ sách lẫn tủ rượu - những loại tủ mà một bộ phận không nhỏ trong số chúng nó, không còn khái niệm.

Thời buổi dịch vụ hiện đại hàng hóa ê chề, trước buổi nhậu tại gia cứ mở thiết bị thông minh vào quán online chọn loại rượu thật ưng, kích chuột một nhát nhẹ nhàng, vài phút sau robot ship hàng đến tận cổng. Cần gì phải tích rượu trong nhà, cần gì cái tủ rượu cho vướng mắt những người ghét chè chén say sưa.

Còn sách thì đông tây kim cổ có trên mạng hết, download (có trả tiền, đương nhiên) bản điện tử về dùng, những thiết bị chứa dữ liệu càng ngày càng gọn nhẹ, một cái USB đời mới của thế hệ chúng nó chứa được nhiều sách hơn cả Thư viện Quốc gia. Thế thì cần gì phải tích sách giấy trong nhà, cần gì cái tủ sách cho vướng mắt những người vốn coi sách vở là giả dối.

Tôi biết nhiều chị sẽ bảo lật trang sách giấy trên tay vừa đọc vừa ngửi mùi giấy mực thơm tho khoái thú hơn nhiều so với nhìn vào màn hình điện tử. (20 năm trước các chị cũng bảo đọc thư tay ngắm nghía nét chữ lả lướt run rẩy của người biên thư, các chị tiếp nhận được nhiều thông điệp tình cảm hơn đọc e-mail phông chữ vni-times  nhạt nhẽo vô hồn). Tôi rất đồng tình với các chị vì tôi cũng thuộc thế hệ các chị, đọc sách giấy đã là thói quen mấy chục năm nay rồi đâu phải bảo bỏ là bỏ được. Tôi có hai ông sếp, ông sếp trẻ thường sửa trực tiếp văn bản tôi soạn trên máy tính rồi bảo tôi mở track changes xem ông ấy sửa gì có tâm phục khẩu phục hay không, ông sếp già thì cứ phải in ra giấy mang vào phòng hút thuốc vừa đọc vừa hút, thỉnh thoảng lia lia cây bút bi chữa lỗi.

Nói chung thế hệ tôi và các chị, tùy tính cách rồi vị trí công tác từng người, tùy mức độ đổi mới tư duy mà mức độ lệ thuộc vào thói quen đọc văn bản từ giấy nặng nhẹ khác nhau. Nhưng thế hệ con chúng ta, chúng nó không phải từ bỏ thói quen ấy vì đơn giản là, chúng nó chưa từng có thói quen ấy.

Nên thế hệ chúng nó sẽ bye bye tủ sách, buy buy Kindle và các thể loại thiết bị đọc sách điện tử.

Không có tủ sách và tủ rượu-điều đó có lẽ cũng chỉ đúng với hội trung lưu làng nhàng thế hệ con tôi, còn những phần tử rất quái trong thế hệ ấy, chúng nó vẫn sẽ có tủ sách và tủ rượu.

Ví dụ tủ rượu. Đúng là các loại rượu cơ bản siêu thị online có đủ, nhưng những chai cực kỳ quý hiếm có nguồn gốc từ hầm rượu nhà ông Trump ông Putin (lúc đó chết sạch cả rồi) thì phải có cơ duyên mới có, mà có thứ quý hiếm thế thì phải khoe bày. Tất nhiên chỉ những đối tượng rất đặc biệt trong xã hội mới có cơ hội sắm được những chai rượu quái chiêu ấy để bày vào tủ!

Tủ sách là để bày biện những cuốn sách mà giá trị của sách giấy-nhờ những thứ ngoài chữ-vượt trội hơn bản điện tử. Tôi hình dung ra vài loại:

1. Sách đẹp. Những cuốn mỹ thuật in ấn đẹp mắt công phu. Hay những cuốn cổ bọc da dê, gáy in chữ mạ vàng, có để bày trong nhà cũng sang hẳn một góc phòng.

2. Sách hiếm (hiểm). Cuốn sách của nhà văn T năm ấy bị thu hồi tiêu hủy ngay khi phát hành, lọt lưới trên toàn lãnh thổ độ vài chục bản. Mấy chục năm sau sách ấy được tái bản ê hề thì bản tái không nhiều giá trị nhưng cái bản thoát kiếp bột giấy năm xửa năm xưa vẫn là thứ quý hiếm với người chơi sách. Hoặc ngày xưa có hai ông A ông B nổi tiếng ghét nhau như đào đất đổ đi. Hồi chưa bất hòa A tặng sách cho B đề tặng rất ấm ấp chân tình. Cuốn sách có lời đề tặng đó mà vào tay người chơi sách thì thôi rồi quý!

3. Sách gắn với kỷ niệm. Ví dụ (tưởng tượng) thế này. Chị nhà báo D nổi tiếng sắc sảo 20 năm nữa nghỉ hưu in cuốn sách kể chuyện các celebs chị từng cộng tác, gửi tặng tôi một bản với lời đề tặng: “Tặng Hải, mở to mắt mà đọc cho kỹ, các sao không long lanh như chú tưởng!”. Một cuốn sách có lời đề tặng chân tình như vậy thì e-book nào thay thế được. Tất nhiên phải mở ngoặc chú thích là Hải tôi không thuộc giới viết lách, rất hiếm khi được tặng sách nên sách được tác giả tặng là quý lắm, chứ chị D nọ tháng nào cũng được tặng sách hàng chồng, thuộc diện gặp nhà thơ thì than: “Gặp nhau tay bắt mặt mừng/ Tán thì cứ tán chứ đừng tặng thơ”, chắc đối với chị, sách có lời đề tặng của tác giả ý nghĩa không lớn mấy.

Ba loại sách cần giữ bản hard copy vừa kể, không phải ai trong thế hệ con tôi cũng có điều kiện có được và không phải ai cũng có ý thích trưng bày (đọc-như đã nói-là đọc sách điện tử), nên tủ sách, với thế hệ chúng nó, không phải là thứ bắt buộc phải có ở trong nhà.

Chưa thuộc về thế hệ chúng nó, trong nhà tôi vẫn có một tủ sách-để đọc là chính ngoài dăm cuốn để bày. Nhưng thằng đọc sách lại nghèo, nghèo nên nhà chật, nhà chật nên tủ sách không to, lâu lâu để lấy chỗ cho sách mới lại phải loại bớt sách cũ đi-những cuốn đã đọc xong.

MỚI - NÓNG