Vậy là đúng lúc báo chí nói nhiều đến những phản tác dụng của loa phường, thì loa phường tôi kích hoạt lại. Chắc sợ bị quên lãng, bị khiển trách hoặc rút ngân sách?! Bây giờ thì nó đàng hoàng được phát ngày hai lần, mỗi lần 15’. Vì theo quy định mới của thành phố, chỉ miễn loa 4 quận nội thành. Quận tôi mới đây còn là huyện.
Vậy là cứ 7h sáng rồi 5h chiều, tôi được nghe cô Thanh Hoa réo rắt: “Bên lúa em bên lúa…” Có người bảo rằng đó là “quận ca” của Tây Hồ, chả hiểu sao làng tôi lại vơ vào. Nhưng xin kiếu, kể cả bài hát có sáng tác đích danh về xóm tôi, tôi cũng tuyệt nhiên không có nhu cầu nghe nó hằng ngày. Nói chung không biết nhạc sĩ Ngọc Khuê thêm được mấy đồng tác quyền, chứ tôi thì phát ngấy với Làng lúa làng hoa của ông rồi. Nhà tôi xa đủ để chỉ nghe thấy bài hát, còn phần nói đằng sau thành những tiếng tạp nhạp.
Nhưng loa phường đôi khi vẫn chịu thua ông hàng xóm trong việc đánh thức cả nhà tôi dậy. Ông lớn tuổi, bị lòa, đi đâu cũng phải mò mẫm bằng gậy. Cứ độ 5h sáng, ông lên sân thượng tập theo tiếng nhạc và tiếng hô của Đài. Dạo này ông còn nghe cả chương trình ca nhạc Đài phát sau đó. Toàn bài hoài cổ đúng gu ông. Nói khí không phải, ông không chỉ kém mắt mà còn ngễnh ngãnh hay sao nên bật đài oang oang. Làm ồn có tính thời vụ là các hàng xóm khác. Nhà thì cứ ngày rằm mùng một lại tụng kinh gõ mõ hộ cả xóm. Nhà lại bật nhạc sôi động cho cả xóm giải trí cuối tuần. Gần đây, dân trí gia tăng nên có cô bé thường chơi piano bên cửa sổ mở khi chiều xuống.
Tiếng đàn em làm tôi nhớ đến câu chuyện báo đưa vài năm trước. Chuyện rằng nghệ sĩ dương cầm Laia Martin Hernandez ở Tây Ba Nha bị phạt 16 tháng tù giam do phạm luật cố tình gây ô nhiễm môi trường bằng... tiếng ồn. Mãn hạn tù, cô vẫn bị cấm tiếp xúc với nhạc cụ trong nửa năm. Cô bị bà hàng xóm sống cùng chung cư thưa kiện, đòi đền bù những “chấn thương tinh thần” do phải nghe cô đàn suốt 5 năm theo học Cao đẳng Âm nhạc Barcelona. Bà còn bắt bố mẹ Laia bồi thường tới 10.000E về tội tòng phạm, không chịu lắp thiết bị cách âm. Tiếng đàn của Laia từng mang về cho cô vài giải thưởng cấp quốc gia và cấp EU. Nhưng khi nó phát ra vào thời điểm không thích hợp thì cũng chỉ là tiếng ồn gây khó chịu, thậm chí thù ghét.
Tức là ở nước ngoài, ta hoàn toàn có thể thưa kiện hàng xóm vì gây ồn. Còn ở Việt Nam thì… ngay như loa phường, đâu của riêng ai. Hẳn là ngưỡng chịu đựng của tai người Việt lớn hơn mấy nước kia nhiều. Vì không chỉ được rèn luyện để thích nghi với loa phường hàng chục năm, mà còn được thuần hóa bởi loa trường từ thuở mẫu giáo.
Nhất là dạo này các trường có đồng ra đồng vào, sắm những bộ loa thừa công suất. Đâm ra diễn biến lễ chào cờ ra sao, cô nhận xét lớp nào ngoan cháu nào giỏi… đều được các hộ dân sống quanh trường tỏ tường. Đời sống khấm khá hơn, các thầy cô yêu đời hơn nên cũng thường xuyên hơn trong việc đàn hát qua loa bắt cả phố nghe. Tất nhiên cũng do quỹ đất vàng của Hà Nội không thể cung cấp cho các trường khuôn viên đủ rộng, hoặc có đường ngăn trường với nhà dân.
Khi thực hiện bài báo Dừng loa phường - còn loa trường, loa chợ?, tôi mới biết có khá nhiều bức xúc quanh loa trường. Bình luận của độc giả: “Loa trường đúng là tra tấn những người hàng xóm. Ông ổng nhạc từ 7h30 đến 8h sáng hàng ngày với công suất cực đại. Đảm bảo các cháu mẫu giáo cũng bị ảnh hưởng thính lực. Đề nghị các ban ngành vào cuộc nhằm giảm bớt ô nhiễm âm thanh cho cư dân xung quanh. Tôi tha thiết!" Một tâm sự khác: "Cơ quan tôi gần trường mẫu giáo. Ngày nào cũng vậy, cứ từ 7h sáng đến 9h, loa trường bắt đầu phát đủ các bài hát về trẻ thơ bật hết công suất, chiều từ 3h30 đến 5h lại bật hết công suất các bài hát. Ồn ào không thể chịu được khiến chúng tôi làm việc không có hiệu quả, căng thẳng đầu óc…"
Loa trường phải chăng nhân danh giáo dục để làm phiền cộng đồng?! Để hun đúc cho các công dân từ tấm bé hiểu rằng ô nhiễm âm thanh là lẽ đương nhiên phải chấp nhận trong suốt cuộc đời?! Phân tích của nhà âm nhạc học Bùi Trọng Hiền: Môi trường giáo dục trẻ em ồn ào như thế sẽ đào tạo ra những thế hệ tiếp theo vô tư làm ồn, vô tư làm phiền cộng đồng mà không cảm thấy xấu hổ hay tội lỗi chút nào.
Những điểm ăn nhậu bao giờ cũng ồn hơn chợ vỡ. Vì người ta đến đấy không chỉ để ăn uống mà còn thi xem ai hét to hơn. Nơi quán xá xả hơi thôi chấp nhận. Nhưng làm ồn nơi rạp hát, rạp phim chính xác là vô văn hóa. Nhưng đáng tiếc hiện không ít khán giả vào đó với phương châm dù sướng hay không sướng cũng phải hét lên (có cuốn sách tên là Hễ sướng phải hét lên). Mà chủ yếu rơi vào khán giả vị thành niên, mới thấy đúng giáo dục tiếng ồn của nhà trường công hiệu thật. Vừa đi xem phim “bom tấn” Việt, thấy mấy cô cậu học quãng độ cấp hai cứ đến chỗ nào tâm đắc lại kêu vãi nọ vãi kia... Rồi phải hôm rạp giảm giá đồng loạt, thấy một đoàn học sinh cấp ba kéo nhau vào phòng chiếu muộn, ngồi chê bai phim một hồi, rồi lại kéo nhau ra. Hẳn là đi tìm một phòng chiếu khác để phá rối tiếp.
Báo mới đăng, nhiều khu du lịch nước ta có nguy cơ xóa sổ chỉ vì rác rưởi lưu cữu quá nhiều. Rác hữu hình hủy hoại môi trường quá rõ. Nhưng nguy hiểm không kém là loại rác âm thanh, tưởng theo gió bay nhưng để lại những tổn hại về nhân cách, về văn hóa ứng xử suốt nhiều thế hệ.