Tôi đã từng là sinh viên khoa Mỏ chuyên ngành khai thác, cách đây gần 20 năm. Chúng tôi được các thầy và sau này là thực tế chỉ ra rằng, muốn khai thác được 1 tấn than phải trải qua nhiều bước: Thăm dò và xác định trữ lượng; Thiết kế khai thác mỏ; Xây dựng các công trình trên và dưới lòng đất để phục vụ khai thác; Đầu tư trang thiết bị phù hợp để khai thác hiệu quả và an toàn; Tuyển chọn, đào tạo nhân lực để phục vụ khai thác hay là việc "đào" như cách mọi người nói; Chỉ huy vận hành một cách hiệu quả.
Những bước chuẩn bị này phải hết sức thận trọng, kỹ càng, bởi dưới lòng đất mọi điều kiện đều không bình thường, chưa nói đến khí độc, khí nổ, nước, bùn, cát. Tai hoạ có thể cướp đi sinh mạng con người bất kể lúc nào.
Mới chỉ nói lý thuyết như vậy đã thấy cái việc "đào" không dễ chút nào. Còn khi vào đến thực tế thì còn cay nghiệt hơn. Cũng chính vì thế mà các nhà sản xuất thiết bị lớn trên thế giới như Caterpillar, Cummins, FLSmithd, Volvo... và rất nhiều các hãng khác đã rất chú tâm phát triển công nghệ cho ngành công nghiệp than.
Tôi không may mắn vì khi tốt nghiệp ĐH Mỏ thì không phục vụ trong ngành than. Tôi đi buôn. Nhưng cũng vì đi buôn nên tôi hiểu được qui luật của thị trường. Tôi mới hiểu tại sao các nước châu Âu đóng cửa phần lớn các mỏ than của họ. Mọi người thường nói lý do là vì môi trường, đúng vậy. Nhưng còn lý do kinh tế, và tôi tin đây là lý do chính. Khi than ở quá sâu trong lòng đất, việc khai thác cần được đầu tư rất nhiều. Đầu tư về thăm dò, đầu tư về xây dựng, đầu tư về thiết bị, đầu tư về con người...Và khi họ nhìn thấy giá than không thể bù cho các khoản đầu tư đấy, họ phải đóng cửa. Không ai chịu lỗ mãi được cả!
"Đào lên bán thôi mà vẫn lỗ" là vì thế!
Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV) có dám đóng cửa mỏ không? Than xấu có dám không khai thác nữa không? Câu trả lời là: Không thể!
Ở Trung Quốc, nơi công nghệ khai thác than đang tiến bộ hơn Việt Nam rất nhiều, họ vẫn chấp nhận tổn thất sinh mạng con người lên đến hai con số cho một triệu tấn than. Có nghĩa là để khai thác một triệu tấn than, số thợ mỏ phải hy sinh là con số hàng chục. Và đây là điều họ đã và đang chấp nhận.
Việt Nam thì sao? Nhân văn và thấp hơn nhiều. Nếu tính từ sản lượng của TKV hiện nay mà qui đổi theo cách của Trung Quốc, thì một năm cũng mất đến đơn vị nghìn người. Ở Việt Nam, chưa bao giờ xảy ra điều này và chắc chắn không thể được xảy ra điều này. Chưa cần nói đến các cơ quan quản lý nhà nước hay cộng đồng xã hội, người ngành than không bao giờ cho phép mình đánh đổi như thế! Dù rằng, đến bây giờ vẫn có những thợ mỏ phải hy sinh. Chính vì thế, cho dù thế nào tôi vẫn luôn kính trọng thợ mỏ.
Họ đi làm nhưng chưa chắc đã được trở về!
"Đào lên mà bán thôi" nhưng đổi bằng mạng đấy!
Để cho đủ than cấp cho cuộc sống, ngành than không chỉ có "đào" mà còn phải làm rất nhiều thứ. Điều họ cần phải làm nhiều hơn đấy chính là tuyên truyền một cách đầy đủ và đúng mức cho cộng đồng xã hội.
Để có hòn than, họ phải đổi bằng tiền, bằng tri thức, bằng tâm huyết và cả bằng máu!
Đừng hỏi công nhân mỏ hay cán bộ ngành than. Chỉ cần hỏi sinh viên ĐH Mỏ thôi. Họ sẽ trả lời bạn câu hỏi "Đào lên mà bán có dễ không?"
-----
* Tác giả Đoàn Hiếu Minh hiện là Chủ tịch Regal & Rolls-Royce Motor Cars Hanoi