Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang. |
Đến giờ, sau gần 20 năm trở thành phóng viên mảng giáo dục tôi vẫn nhớ những lời chia sẻ gan ruột đó của thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội. Suốt khoảng thời gian đồng hành cùng lĩnh vực giáo dục, sự tử tế của một người thầy đã truyền cảm hứng, niềm tin cho tôi gắn bó với nghề.
Thầy Khang, cố PGS Văn Như Cương, GS.TS Hoàng Xuân Sính là những người đầu tiên khai sinh ra mô hình trường học ngoài công lập tại khu vực phía Bắc. Trước khi xuất hiện mô hình này, người dân biết đến hệ bán công trong các trường công lập. Chính vì vậy, khi nó ra đời, nhiều người đã quan niệm “bỏ tiền ra mua dịch vụ giáo dục”. Nên những soi xét, “điều tiếng” với những người đứng đầu ngôi trường này nhiều hơn. Nhưng cũng giống như nuôi một đứa con từ lọt lòng đến khi trưởng thành, bậc làm cha mẹ phải dày công chăm sóc, đào tạo, nuôi dưỡng ít nhất 18 năm, thầy Khang đã bền bỉ, kiên định với hành trình nuôi dưỡng, chăm lo để “người con’’ ấy trở thành ngôi trường hạnh phúc cho hàng trăm nghìn học sinh qua các thế hệ.
Hình ảnh thường thấy khi đến Trường Marie Curie là học sinh ríu rít gọi thầy là “ông nội” và vây quanh để nghe ông kể chuyện hay cùng tham gia trò chơi. Với thầy Khang, học trò là những người truyền cảm hứng. Cũng vì học trò nên trong một chuyến công tác đầu năm 2022, trước khó khăn thiếu giáo viên tiếng Anh của huyện Mèo Vạc, Hà Giang, thầy đã không ngần ngại quyết định hỗ trợ dạy trực tuyến 3 tiết/tuần từ điểm cầu Hà Nội, 1 tiết còn lại do các thầy cô ở Mèo Vạc phụ trách. Tổng kinh phí để giúp dạy tiếng Anh cho học sinh lớp 3 của Mèo Vạc khoảng gần 1,5 tỷ đồng cho riêng năm học 2022 - 2023. Không dừng lại ở 1 năm, thầy Khang còn ngỏ lời đề nghị lãnh đạo huyện Mèo Vạc có thể tạo điều kiện cho Trường Marie Curie tiếp tục dạy lứa học sinh này ít nhất 1 năm nữa.
Chuyến công tác cuối năm 2022 của tôi đến Mèo Vạc cùng các thầy cô giáo dạy tiếng Anh cho các trường tiểu học nơi đây lần đầu tiên được gặp trực tiếp học trò của mình với bao rưng rưng xúc động. Giáo dục vùng cao với bộn bề khó khăn, không chỉ cần những giáo viên tha thiết yêu nghề, yêu học trò mà cần lắm những tấm lòng hỗ trợ để họ có điểm tựa, có niềm tin giảng dạy, nuôi dưỡng học trò. Rất nhiều cô giáo tiếng Anh lần đầu tiên trải nghiệm cái khó khăn của miền biên viễn đã khóc vì quá thương những đứa trẻ nơi đây điều kiện thiếu thốn nhưng vẫn mong muốn được học ngoại ngữ.
Đêm lửa trại bập bùng trong trời đông vùng núi giữa thầy cô ở thủ đô và giáo viên Mèo Vạc đã xóa tan cái lạnh đến thấu xương. Thầy Khang không dự trực tiếp nhưng ánh lửa ấy khiến tôi nhớ đến những đêm không ngủ của thầy ở trường Marie Curie cùng học trò.
Trải qua nhiều sự kiện dẫu vui, dẫu buồn của ngành giáo dục sau gần 20 năm cầm bút, tôi nhận chân ra một điều, giáo dục trong hoàn cảnh nào, hay tình huống nào, cũng đều rất cần sự tử tế. Và sự tử tế ấy ở người mang trọng trách làm Thầy đã truyền cảm hứng cho chính những người mang sứ mệnh lan tỏa thông tin đến bạn đọc như tôi và đồng nghiệp của mình.