Trung tâm GDNN-GDTX Cao Lộc:

Con chim đầu đàn đào tạo nghề nông thôn ở Lạng Sơn

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với đặc thù là môi trường giáo dục văn hóa song song với học nghề, lại ở huyện miền núi biên giới, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Cao Lộc đã nỗ lực cố gắng, tìm tòi để đa dạng hóa loại hình đào tạo nghề, thu hút đông đảo học sinh tham gia và trở thành đơn vị điển hình trong khối GDNN-GDTX của tỉnh Lạng Sơn.

Năm học 2021-2022, Trung tâm GDNN-GDTX Cao Lộc có 24 lớp học văn hóa với hơn 800 học sinh và 25 lớp học trung cấp nghề. Thực hiện nhiệm vụ dạy văn hoá, trung tâm tổ chức học tập, duy trì nền nếp, lồng ghép giáo dục đạo đức, pháp luật, kỹ năng sống trong giờ học chính khóa và các hoạt động tập thể, trải nghiệm; tổ chức bồi dưỡng học sinh yếu kém, học sinh giỏi, đảm bảo về số lượng, khá tốt về chất lượng; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Con chim đầu đàn đào tạo nghề nông thôn ở Lạng Sơn ảnh 1

Học sinh Trung tâm GDNN-GDTX huyện Cao Lộc hào hứng học nghề nấu ăn. Ảnh: Duy Chiến

Để thu hút học sinh tham gia học nghề, nhà trường xác định cần đa dạng ngành nghề cho các em lựa chọn phù hợp đáp ứng nguyện vọng của mình, phù hợp với điều kiện của đơn vị và địa phương. Theo đó, trung tâm tập trung làm tốt công tác tuyên truyền tư vấn học nghề tới học sinh, phụ huynh và nhân dân trên địa bàn về mục đích, ý nghĩa của việc học nghề trong giai đoạn hiện nay.

Cô giáo Nguyễn Thúy Phương, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Cao Lộc cho biết, toàn huyện hiện có 73.000 nhân khẩu, trong đó có trên 50.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm trên 65% dân số. Đa phần là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, chủ yếu là nghề nông nên cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn. Năm 2022, căn cứ Quyết định số 1719/QĐ-Ttg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng CP về việc phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, huyện Cao Lộc đã được cấp kinh phí hơn 7,8 tỷ đồng và nguồn kinh phí này đã được lãnh đạo huyện tin tưởng, chuyển giao cho Trung tâm GDNN-GDTX Cao Lộc thực hiện. Theo cô Phương, mặc dù kinh phí thực hiện chương trình được cấp chậm (tháng 8/2022) nhưng đơn vị vẫn khắc phục khó khăn, triển khai hiệu quả. Trung tâm tổ chức các buổi họp bàn, lên kế hoạch và phối hợp với các đơn vị liên quan phối hợp, lồng ghép tổ chức hội nghị quán triệt, tuyên truyền, phổ biến các văn bản liên quan công tác dạy nghề tới cơ sở, người tham gia học nghề. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác dạy nghề, tổ chức vận động, tuyển sinh các lớp học tập cho các đối tượng trong độ tuổi lao động nhằm nâng cao nhận thức cho người lao động về chính sách và ý nghĩa quan trọng của công tác dạy nghề trong giai đoạn hiện nay.

Thành công bằng ý chí, nghị lực, tâm huyết

Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX Cao Lộc Nguyễn Thuý Phương chia sẻ, từ việc phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương rà soát lại nhu cầu học nghề, tư vấn tuyển sinh, đơn vị nghiên cứu, biên soạn các tài liệu, giáo trình dạy nghề đầy đủ, phù hợp với nhu cầu các nghề mà người lao động đăng ký học; phối hợp, liên kết để đảm bảo đủ cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giảng viên cho tổ chức dạy và học nghề trên địa bàn huyện. Trung tâm đã phối hợp với UBND các xã, sử dụng nhà văn hoá các thôn bản để tổ chức các lớp nghề tại cơ sở, qua đó tạo thuận lợi cho học viên. Kết quả, năm 2022, nhà trường đã tổ chức được 64 lớp đào tạo nghề cho 2206 học viên. Trong đó, có 35 lớp nông nghiệp, 29 lớp phi nông nghiệp. Nội dung các lớp học nghề đa dạng như: kỹ thuật chăn nuôi gà, chăn nuôi lợn, chăn nuôi trâu, bò; kỹ thuật trồng và nhân giống cây hồng; kỹ thuật trồng nấm, hồi; kỹ thuật may, thêu thời trang dân tộc; chế biến món ăn; sửa chữa máy nông nghiệp…Những lớp nghề được mở đều xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của người dân nên mọi người đều hứng khởi học tập, tiếp thu nhanh.

“Trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia năm 2022, Trung tâm GDNN-GDTX Cao Lộc vừa khai giảng, vừa tuyên truyền, vừa động viên khích lệ bà con nên số lượng học viên học nghề lao động nông thôn ngày càng tăng. Ví như chưa đến 2 tháng cuối năm 2022, chúng tôi tuyển sinh được trên 2.000 người. Thực sự đáp ứng nhu cầu, mong mỏi của bà con !”, cô Nguyễn Thúy Phương nói.

Bà Hoàng Thị Thu Hiền, thôn Tồng Han, xã Tân Thành, huyện Cao Lộc cho biết: Tham gia lớp nghề kỹ thuật chăn nuôi lợn vào tháng 9/2022, bà được giáo viên hướng dẫn kỹ thuật rất cụ thể, tỉ mỉ. Bà con vừa được học lý thuyết, vừa được thực hành tại địa điểm chăn nuôi nên đã có thêm nhiều kinh nghiệm và kỹ năng cơ bản trong chăm sóc cũng như phát hiện điều trị kịp thời các bệnh thường gặp đối với loại vật nuôi. Sau lớp học, người dân an tâm, tự tin áp dụng các kỹ thuật vào chăn nuôi, nâng cao hiệu quả kinh tế, ổn định cuộc sống.

Ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Lộc cho biết: Năm 2022 đã có 100% xã, thị trấn trên địa bàn phối hợp tổ chức mở các lớp đào tạo nghề nông thôn, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện từ 61,2% năm 2021 lên 63,7% năm 2022. Nỗ lực của địa phương, trong đó tiên phong là Trung tâm GDNN-GDTX Cao Lộc đã được Sở LĐTB&XH ghi nhận, đánh giá là một trong những đơn vị dẫn đầu công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở tỉnh Lạng Sơn.

MỚI - NÓNG
Vang mãi khúc quân hành
Vang mãi khúc quân hành
TPO - Ngày 14/12, Học viện Kỹ thuật Quân sự tổ chức Ngày hội văn hóa và chương trình nghệ thuật “Vang mãi khúc quân hành” thiết thực hướng tới chào mừng kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
Cảnh tượng chưa từng có ở Hưng Yên
TPO - Concert Anh trai vượt ngàn chông gai tại Hưng Yên tối 14/12 hút hàng chục nghìn khán giả. Nhiều người cố săn vé ngay sát giờ diễn, bất chấp giá cao. Trong thời gian chờ đợi các nghệ sĩ xuất hiện, hàng chục nghìn khán giả hát vang Quốc ca.