> Cận cảnh thú tiêu tiền, hưởng thụ xa xỉ ở... Triều Tiên
> Ông Kim Jong-un cô lập mẹ kế vì sợ lộ bí mật
Ông Alejandro Cao de Benos nhận một giải thưởng văn học Triều Tiên. |
Trong suốt 11 năm, ông từng là một nhân vật đặc biệt của Bộ Ngoại giao Triều Tiên. Đây là vị trí vinh dự, không được trả lương nhưng được cấp một căn hộ ở Thủ đô Bình Nhưỡng, nơi ông hay đón Giáng Sinh.
Đam mê Triều Tiên từ bé
Cao de Benos trước đây là một nhà tư vấn công nghệ khá thành công, ông làm việc ở Palo Alto đầu những năm 2000, ông cống hiến hết mình cho ý thức hệ của Triều Tiên khi còn là một thiếu niên ở Tây Ban Nha.
Ông cũng là người thành lập Hiệp hội Hữu nghị Triều Tiên gồm 12.000 thành viên và đã tổ chức nhiều chuyến thăm Triều Tiên cho những người quan tâm tới đất nước này. Ông gắn bó với Triều Tiên đến mức tên tiếng Hàn của ông là Cho Il Son có nghĩa là “Triều Tiên là một”.
“Chúng tôi không sống trong một thiên đường ở Triều Tiên. Tôi đã chứng kiến đói nghèo. Mọi người đều sống một cuộc sống khiêm tốn nhưng đầy lòng tự trọng”, ông Cao de Benos nói trong một cuộc phỏng vấn kéo dài hai giờ đồng hồ trên sân thượng của một khách sạn bên bờ biển tại Tarrogona.
“Thiên đường xã hội là mục tiêu của chúng tôi. Tôi tin rằng hệ thống nhà nước Triều Tiên nếu phát triển mạnh sẽ mang lại công bằng cho người dân lớn hơn là chủ nghĩa tư bản”, ông nói thêm.
Là một hậu duệ của nam tước ở vùng núi Pyrenees, ông có tên đầy đủ là Alejandro Cao de Benos de Les y Perez và là một quý tộc. Nhưng khi còn là thanh niên, gia đình ông phải rời bỏ Catalonia và chuyển đến Andalusia, nam Tây Ban Nha, nơi cha của ông tìm được việc làm. Ông nội của Cao de Benos làm ăn thua lỗ và tài sản của gia đình cũng vì thế mà tiêu tán. Người đàn ông trẻ chứng kiến cha mình từ một nhà quý tộc trở thành một người lao động.
“Đó là một cú sốc lớn. Tôi đã phải bắt đầu cuộc sống mới ở Granada”, Cao de Benos nhớ lại. Ông đã giấu nguồn gốc quý tộc của mình và gia nhập vào Đảng Cộng sản Tây Ban Nha ở tuổi 15. Từ đó ông bắt đầu đọc Karl Marx, tìm hiểu về chủ nghĩa xã hội và thấy yêu thích Triều Tiên.
Hoang mang nhưng cũng muốn giúp con trai thỏa trí tò mò của mình, mẹ của Cao de Benos, bà Elvira Perez đã đưa ông đến gặp một nhóm các nhà ngoại giao Triều Tiên tại một sự kiện của Liên Hợp Quốc tổ chức tại Madrid. Sau cuộc gặp định mệnh này, cậu bé Cao de Benos trở về nhà và tuyên bố dành cả cuộc đời phục vụ Triều Tiên.
“Tất cả bạn bè và hàng xóm của chúng tôi thực sự ngạc nhiên. Tôi cho rằng điều đó xảy ra khi một ai đó làm điều gì khác biệt hoặc đi theo một con đường hoàn toàn khác, người ta sẽ cho đó là lạ. Nhưng chúng tôi luôn ủng hộ hai con trai. Và đói với Alejandro, đó là niềm đam mê”, bà Perez, 60 tuổi, nói.
Giúp đỡ Triều Tiên bằng tiền túi
Hiện Cao de Benos chỉ sống khoảng nửa năm ở Bình Nhưỡng để tháp tùng các đoàn ngoại giao nước ngoài, doanh nhân hay nhà báo được phép vào Triều Tiên. Nửa năm còn lại, ông sống ở quê hương Tây Ban Nha và một số nước phương Tây, nơi ông tổ chức các hội nghị tại các trường đại học về ý thức hệ của Triều Tiên và cố gắng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào quốc gia này.
Đây là một công việc khó khăn do Mỹ và các nước đồng minh áp nhiều lệnh trừng phạt lên Triều Tiên vì phát triển tên lửa tầm xa và vũ khí hạt nhân.
“Tôi đã từng kêu gọi được một nhóm doanh nhân Canada đến Triều Tiên và họ sẵn sàng để đầu tư 2-3 triệu Euro. Nhưng làm thế nào chúng tôi có thể chuyển hàng triệu Euro từ Canada đến Bình Nhưỡng trong khi Mỹ chặn, thậm chí chỉ là chuyển 100 USD. Chúng tôi thậm chí không thể sử dụng thẻ tín dụng. Mỹ kiểm soát mọi thứ. Khi tôi đưa du khách tới Triều Tiên, tất cả họ phải mang tiền mặt”, ông Cao de Benos thốt lên.
Các nhà báo thi thoảng cũng nằm trong số khách du lịch Triều Tiên do Cao de Benos làm hướng dẫn. Năm 2004, ông nổi tiếng trên các mặt báo vì cư xử hà khắc với cựu phóng viên tờ ABC News là Andrew Morse. Vì bất đồng về cách nhìn nhận nạn đói của Triều Tiên, phòng khách sạn của phóng viên Morse bị lục soát và cuốn băng ghi hình 32 tiếng bị tịch thu. Morse buộc phải xin lỗi và bị trục xuất khỏi Triều Tiên.
Ông cảm thấy hối tiếc khi phóng viên đặt ông vào tình huống khó xử mà theo ông, phóng viên này đã vi phạm pháp luật Triều Tiên . Cả hai vẫn liên lạc công việc với nhau.
Cao de Benos cho biết thêm, ông mới chỉ gặp lãnh đạo Kim Jong Un một lần ngắn ngủi và ông rất trân trọng những món quà của cố chủ tịch Kim Jong Il và cố lãnh tụ Kim Nhật Thành trao cho ông.
Tuy nhiên, mức độ tiếp xúc thực sự của ông với các quan chức hàng đầu của Bình Nhưỡng vẫn là một bí ẩn, theo Los Angles Times. Không có xác nhận chính thức nào về chức vụ của ông trong chính phủ Triều Tiên mặc dù ông là gương mặt quen thuộc của các chuyên gia Triều Tiên và các nhà báo. Trang Facebook của ông ngập tràn với hình ảnh của ông trong trang phục mang phong cách Triều Tiên trong các buổi lễ ở Bình Nhưỡng.
Ông thừa nhận rằng cống hiến tận tụy của ông thậm chí còn khiến chính người Triều Tiên thấy khó hiểu. Ông đã dành 12 năm tuyên truyền cho Bình Nhưỡng bằng chính tiền túi của mình trước khi ông được trao một danh hiệu chính thức trong chính phủ.
“Thậm chí ngày nay, nhiều người nghĩ rằng tôi là một điệp viên hai mang. Nhưng hãy cứ để họ nghĩ giống với phim Hollywood. Tôi không quan tâm. Bạn bè và gia đình hiểu tôi từ khi tôi còn là thiếu niên”, ông nói.
Phan Yến
Theo Los Angles Times