50 năm Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN: Một chính phủ vì khát vọng hòa bình

Người phụ nữ mang tên Nguyễn Thị Bình

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với tư cách là Phó Trưởng đoàn Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam khi tham dự Hội nghị Paris về Việt Nam ngày 25/1/1969, sau đó là Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN từ ngày 6/6/1969, bà Nguyễn Thị Bình (nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) đã góp sức mình vào thắng lợi chung của cách mạng Việt Nam, hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước, thực hiện thành công mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và đồng bào, chiến sĩ cả nước.
Người phụ nữ mang tên Nguyễn Thị Bình ảnh 1
Bà Nguyễn Thị Bình vẫy chào đoàn người biểu tình phản đối chiến tranh Việt Nam tại quảng trường Traqarr ở Luân Đôn (Anh)

Xuất thân từ một gia đình trí thức có truyền thống đấu tranh vì nền độc lập, tự do và thịnh vượng của Việt Nam, bằng tài năng và trí tuệ của mình, bà Nguyễn Thị Bình đã có những đóng góp xuất sắc trong những ngày đàm phán căng thẳng, quyết liệt tại Hội nghị Paris từ năm 1969 đến năm 1973. Theo PGS.TS Đào Tuấn Thành (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội), Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam khai mạc ngày 13/5/1968 tại Thủ đô Paris của nước Pháp. Phía Mỹ muốn chấm dứt chiến tranh, rút khỏi Việt Nam trong danh dự nhưng lại đòi miền Bắc và Mỹ cùng rút quân, đòi duy trì khu phi quân sự và duy trì Chính quyền Sài Gòn. Do những đòi hỏi của Mỹ, các cuộc đàm phán diễn ra kéo dài, căng thẳng. Chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong trận “Điện Biên Phủ trên không” 12 ngày đêm cuối năm 1972 đã phá tan mọi âm mưu thâm độc của Nixon và bộ máy chiến tranh Mỹ, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973.

Phiên họp 111, ngày 29/4/1971 là một trong những ví dụ nổi bật về đóng góp của bà Nguyễn Thị Bình trong những ngày đàm phán khó khăn tại Paris, lúc bà đưa ra những lập luận sắc bén, có tính thuyết phục để tấn công kẻ thù trên mặt trận ngoại giao, trong bối cảnh đàm phán đi vào bế tắc. Trên chiến trường những năm 1971-1972 rất căng thẳng, song trên bàn hội nghị thì vẫn là cuộc đối đáp “giữa những người điếc”...

Sự ra đời của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGPMNVN) ngày 20/12/1960 thực sự đã tạo ra bước ngoặt quan trọng, đặt nền móng cho những thắng lợi sau này của cách mạng miền Nam. Sau khi Mặt trận ra đời, “cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam bùng lên mạnh mẽ”. “Từ giữa năm 1961, bà Nguyễn Thị Bình về công tác tại Ban Thống nhất, làm Vụ phó, rồi Vụ trưởng Vụ 1A phụ trách công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận. Từ bí danh Yến Sa, thời kháng chiến chống Pháp, bí danh mới - Nguyễn Thị Bình đã được sử dụng kể từ khi bà về công tác tại Ban Thống nhất. Tên Bình được lựa chọn với hàm ý “Bình là hòa bình, đi quốc tế dễ tranh thủ cảm tình và tên cũng dễ đọc”, PGS.TS Đào Tuấn Thành cho biết.

Bắt đầu từ năm 1962, bà Bình thường xuyên tham gia các hoạt động quốc tế, thực hiện các cuộc viếng thăm hữu nghị, rồi đoàn thăm chính thức. Việc sử dụng thành thạo tiếng Pháp và tiếng Anh đã thực sự đem lại cho bà rất nhiều lợi thế trong hoạt động ngoại giao, là hình ảnh đại diện cụ thể của MTDTGPMNVN trong con mắt của bạn bè quốc tế. Một trong những đóng góp quan trọng của Nguyễn Thị Bình, với tư cách là Trưởng đoàn miền Nam, trong lĩnh vực đối ngoại của Mặt trận, đó chính là sự kiện tháng 3/1963. Tại Đại hội Đoàn kết Á - Phi (Afro - Asian People’s Solidatity Organization - AAPSO) lần thứ ba họp tại Tanzania, nhờ tài năng của bà Bình, tại Đại hội này, MTDTGPMNVN đã trở thành Ủy viên Đoàn Thư ký của Tổ chức AAPSO. Đây “là một thắng lợi lớn và đầu tiên của đối ngoại nhân dân miền Nam. Đi đến đâu, Nguyễn Thị Bình đều nêu bật tính chính nghĩa của MTDTGPMNVN, thuyết giảng để những người yêu chuộng hòa bình trên thế giới, nhất là phụ nữ, hiểu đúng và ủng hộ cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược của nhân dân Việt Nam. Từ năm 1963-1968, bà Bình tham gia nhiều hội nghị phụ nữ quốc tế lớn ở Mátxcơva (Liên Xô), Sofia (Bulgary), Nimes (Pháp)...

“Những năm tháng ấy, hình ảnh của bà Bình có mặt ở hầu khắp các nước, hình ảnh của một Việt Nam đang chiến đấu khốc liệt lại được đại diện không phải bằng một chiến binh mà là một người phụ nữ nhỏ nhắn, khiêm nhường mà uyên bác, gần gũi mà sang trọng, sự kiên định không gì lay chuyển nổi lại được thể hiện chính bằng một vẻ thong dong đầy tự tin…”.

PGS.TS Đào Tuấn Thành

Tháng 10/1968, bà Bình rời Hà Nội lên đường sang Pháp, để thực hiện một “nhiệm vụ khó khăn, nặng nề và quan trọng: Cuộc đàm phán lịch sử ở Paris nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Bà Bình nhớ lại cuộc gặp mặt báo chí trên truyền hình trực tiếp vào giữa năm 1971 thế này, truyền hình Pháp có sáng kiến tổ chức một cuộc họp báo ở hai đầu Paris và Washington. Có 20 nhà báo tham gia, 10 người phần lớn là người Mỹ, coi như bảo vệ lập trường của Mỹ, 10 người khác phần lớn là người Pháp coi như trung lập, khách quan. “Khi được mời, tôi có phần ngần ngại, nghĩ mình chỉ có một mình giữa bao nhà báo sừng sỏ không quen biết, lại phải tranh luận bằng tiếng Pháp”, bà Bình hồi tưởng. Gần hai tiếng đồng hồ căng thẳng dưới ánh đèn sáng chói của trường quay, với phong thái đĩnh đạc, tự tin, bà đã đáp trả những câu hỏi hóc búa của các nhà báo phương Tây, bảo vệ tính chính nghĩa của MTDTGPMNVN, tố cáo âm mưu và thủ đoạn của đế quốc Mỹ, nêu rõ nguyện vọng được sống trong một đất nước thống nhất, hòa bình của toàn thể nhân dân Việt Nam.

Người phụ nữ mang tên Nguyễn Thị Bình ảnh 2
Chủ tịch Hội đồng cố vấn Nguyễn Hữu Thọ, và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN Nguyễn Thị Bình tiếp Đại sứ Ma Li. ẢNH TƯ LIỆU

Sự tham gia của phái đoàn Chính phủ CMLTCHMNVN, do Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình dẫn đầu tại Hội nghị Paris, đặc biệt là sự phối hợp nhịp nhàng với phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa những năm tháng đàm phán tại Paris là minh chứng cụ thể việc các nhà lãnh đạo cách mạng hai miền Bắc, Nam đã thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, về việc đàm phán giữa Việt Nam và Mỹ, nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trong bức thư ngày 9/4/1968 gửi Bộ Chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Vài ý ngỏ về việc gặp gỡ Việt-Mỹ: Ở miền Nam ta phải tuyên truyền giải thích thế nào để tránh khỏi địch dò đoán được chiến lược chiến thuật ngoại giao của ta; đồng thời tránh được việc đồng bào, chiến sĩ và cán bộ hiểu lầm, tưởng rằng miền Bắc lại bỏ rơi miền Nam” .

Hiệp định Paris được ký kết ngày 27/1/1973 có công lao đóng góp quan trọng của Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình và các thành viên của phái đoàn Chính phủ Cách mạng lâm thời. Trong cuốn Hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước” viết về phong cách ngoại giao và tài năng của một trong những người phụ nữ tiêu biểu của Việt Nam trong Thời đại Hồ Chí Minh: “Những người ít nhiều biết bà Nguyễn Thị Bình thường ngạc nhiên về hai điểm: sức hấp dẫn, tính thuyết phục lớn và sâu của bà, không chỉ ở trong nước mà còn đối với đông đảo những người ngoài nước, kể cả những nhân vật lớn và “khó”… “Suốt những năm tháng ác liệt, khó khăn nhất của chiến tranh chống ngoại xâm, ở bất cứ nơi nào bà đến trên hầu khắp thế giới cũng vậy, người ta bảo: “Bình nói thì tôi tin”…

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG