50 năm Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN: Một Chính phủ vì khát vọng hòa bình

0:00 / 0:00
0:00
TP - 50 năm trước, ngày 6/6/1973, tại thị trấn Cam Lộ của Quảng Trị đã diễn ra buổi mít tinh ra mắt Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CHMNVN) với sự góp mặt bạn bè quốc tế năm châu nơi vùng đất vẫn còn vương mùi đạn pháo...

Bài 1: Ký ức người trong cuộc

Ngày 6/6/1969, tại khu căn cứ địa cách mạng tỉnh Tây Ninh, Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN được thành lập, do Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch. Bộ máy tổ chức của Chính phủ gồm 8 bộ trưởng và 12 thứ trưởng. Để tham mưu giúp việc cho Chính phủ có Hội đồng cố vấn do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch và 11 ủy viên trong hội đồng cố vấn.

50 năm Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN: Một Chính phủ vì khát vọng hòa bình ảnh 1

Ông Dương Tú Anh và ông Nguyễn Công Đoàn (người đeo huân, huy chương trên áo) tại Khu di tích quốc gia Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN tại số 2 Nguyễn Hữu Thọ, thị trấn Cam Lộ

Với thắng lợi của Chiến dịch năm 1972, ngày 1/5/1972, tỉnh lỵ và đại bộ phận tỉnh Quảng Trị được giải phóng, tình hình cách mạng miền Nam có nhiều chuyển biến thuận lợi. Ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết (27/1/1973), Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN quyết định chọn vùng đất Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị để xây dựng Trụ sở, nhằm tạo vị thế cho Ủy ban cố vấn và Chính phủ thực hiện thuận lợi các hoạt động ngoại giao, tiếp tục lãnh đạo cuộc đấu tranh của quân và dân miền Nam đi đến thắng lợi hoàn toàn. Đó là niềm tự hào của nhân dân Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung.

“Để di tích xứng đáng với vai trò tầm vóc lịch sử, trong thời gian tới chúng tôi sẽ hoàn thiện hồ sơ khoa học, pháp lý để các cấp công nhận di tích Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN là di tích cấp Quốc gia đặc biệt”.

Bí thư Huyện ủy Cam Lộ ĐỖ VĂN BÌNH

...Một sáng hạ tuần tháng 5 này, tình cờ tôi gặp hai bậc cao niên đang thả bộ trong Khu di tích quốc gia Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN ở số 2 Nguyễn Hữu Thọ, thị trấn Cam Lộ. Hai vị cao niên ấy là ông Dương Tú Anh, nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lộ và ông Nguyễn Công Đoàn, nguyên Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng huyện Cam Lộ thời kỳ 1973. Ở tuổi 87, cụ Dương Tú Anh cứ vanh vách kí ức của 50 năm trước mà cứ ngỡ như mới hôm qua: Dân vùng Cam Lộ, Quảng Trị này quen gọi Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN là Trụ sở Chính phủ. Trụ sở khởi công xây dựng ngày 6/5/1973, với tinh thần quyết liệt, đúng 25 ngày sau thì hoàn thành. Trụ sở xây dựng trên nền đất xưa kia là thành Vĩnh Ninh của đạo Cam Lộ, nằm trên dãy đồi thuộc địa bàn thôn Tân Hòa, thị trấn Cam Lộ, với diện tích chừng 5 ha. Xung quanh có trồng nhiều cây xanh, giữa sân là cột cờ lớn, có lá cờ Mặt trận 5 cánh sao vàng trên nền nửa đỏ nửa xanh tung bay. Toàn bộ thiết kế, cấu kiện kiến trúc, nguyên vật liệu, thợ lắp ráp công trình đều được đưa từ Hà Nội vào. Mặc dù thi công trong điều kiện hết sức gấp gáp về mặt thời gian, nhân lực cùng với những khó khăn về mặt hậu cần lúc bấy giờ, nhưng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã dành cho Chính phủ Cách mạng lâm thời những ưu tiên đặc biệt trong trang trí nội thất, tạo nên sự trang nghiêm, chu đáo của tất cả các dãy nhà. Trong khuôn viên trồng nhiều loại cây cảnh, cây tạo cảnh quan bóng mát, đồng thời đầu tư trồng các hàng dừa là biểu tượng sức sống quật khởi của nhân dân miền Nam. “Ngày 6/6, Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN tại Cam Lộ làm lễ ra mắt, buổi lễ mít tinh được tổ chức long trọng trước sự chào mừng của hàng vạn đồng bào và chiến sĩ Quảng Trị, cùng đại biểu 19 nước và đông đảo phóng viên báo chí quốc tế”, cụ Anh cho biết.

Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN được xây dựng tại Cam Lộ trở thành biểu tượng cho tình cảm, khát vọng và quyết tâm giành độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của toàn thể nhân dân Việt Nam. Từ khi thành lập, Chính phủ đã tập hợp được các lực lượng dân chủ để tiến hành cuộc cách mạng đòi dân chủ và độc lập ở miền Nam. Lần đầu tiên trong vùng giải phóng, Chính phủ Cách mạng lâm thời đã có trụ sở chính thức để làm việc, đặt quan hệ ngoại giao với tất cả các nước trên thế giới, đại diện cho nhân dân miền Nam nói lên tiếng nói của mình.

Cụ Nguyễn Công Đoàn, 89 tuổi, tiếp mạch chuyện... Tham gia cuộc mít tinh, ngoài đoàn đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Xiển dẫn đầu, đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Phó Thủ tướng Nguyễn Côn dẫn đầu, nhân dân Quảng Trị còn vui mừng đón tiếp nhiều vị khách quốc tế thân thiết như đồng chí Xinh-ca-pô, Ủy viên Trung ương Mặt trận Lào yêu nước, Trưởng đoàn đại biểu Mặt trận Lào yêu nước; Trưởng đoàn đại biểu Mặt trận thống nhất dân tộc và Chính phủ đoàn kết dân tộc Campuchia; các vị đại sứ Liên Xô (cũ), Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Cuba, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, Cộng hòa Angieri dân chủ, Cộng hòa Hồi giáo Môritani, các vị đại sứ của Cộng hòa Dân chủ Đức, Ba Lan, Hunggari.… “Các vị lãnh đạo cấp cao của các nước anh em đã đến thăm và cổ vũ nhiệt tình cuộc đấu tranh, hy sinh gian khổ của nhân dân miền Nam. Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN cũng đã cử nhiều đoàn đại biểu đi thăm, đặt quan hệ ngoại giao với một số nước trên thế giới để tranh thủ sự đồng tình ủng hộ về mọi mặt của bạn bè quốc tế cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Nam Việt Nam”, cụ Đoàn nói.

50 năm Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN: Một Chính phủ vì khát vọng hòa bình ảnh 2

Ông Đào Công Tường, nguyên cán bộ văn phòng của Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN kể chuyện với các bạn trẻ đoàn viên tại Khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN tại Cam Lộ

Ông Đào Công Tường, 72 tuổi ở phường 1, TP Đông Hà nhớ lại. Tháng 11/1973, tức chỉ sau vài tháng Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời được thành lập, ông được lệnh điều vào phụ trách công việc kế toán ở đây. Tại đơn vị K32-Nhà khách Chính phủ Cách mạng lâm thời, mỗi ngày ông cùng nhóm khoảng 30-40 cán bộ được phân công thường trực làm đúng công việc của một nhà khách Chính phủ là đón đoàn ngoại giao, nhà báo các nước đến thăm và làm việc tại Quảng Trị. “Hàng tháng đón đoàn ngoại giao các nước tới trình quốc thư. Từ năm 1973 cho đến 1975, tại trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN đã có nhiều hoạt động đón tiếp các đại sứ đến đặt quan hệ ngoại giao, với hơn 49 đoàn khách quốc tế. Tại đây đã đón tiếp nhiều vị lãnh tụ của các nước mà đặc biệt có lãnh tụ Cuba Fidel Castro vào tháng 9/1973. Dấu ấn về hoạt động này khẳng định sự ủng hộ của bạn bè quốc tế với Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN vào thời điểm lịch sử đó”, ông Tường kể.

Theo cụ Dương Tú Anh, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, việc thống nhất đất nước được đặt ra cấp thiết, nhằm đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân cả nước và phù hợp với thực tế lịch sử dân tộc. Ngày 25/1/1976, cuộc hiệp thương Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung cho cả nước tổ chức thành công. Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN chấm dứt sứ mệnh lịch sử vẻ vang của mình. Tuy chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng sự hiện diện của Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN là một bài học về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân và phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
CLB Bóng đá Hà Nội, hoa hậu Đỗ Mỹ Linh cùng Tiền Phong thăm viếng gia đình nạn nhân tử vong tại cầu Phong Châu, Phú Thọ
TPO - Chiều 19/9, đoàn thiện nguyện báo Tiền Phong cùng Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh, BLĐ CLB Bóng đá Hà Nội, các cầu thủ đã trao số tiền ủng hộ 55 triệu đồng, hỗ trợ bà con bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 tại tỉnh Phú Thọ. Đoàn cũng đã đến thăm, chia sẻ với gia đình có 2 nạn nhân tử vong trong vụ sập cầu Phong Châu vừa qua.