50 năm Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN - Một chính phủ vì khát vọng hòa bình, bài 3:

Cam Lộ, địa linh…

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN tại hội nghị Paris, lúc thăm lại Khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời ở thị trấn Cam Lộ, đã xúc động:

“Năm tháng và cát bụi có thể làm mờ dấu chân của những người làm nên lịch sử, song những giá trị thiêng liêng của lịch sử nhân văn vì tự do độc lập của dân tộc sẽ trường tồn cùng nhân loại”.

GSTS Trình Quang Phú (Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông, nguyên chuyên viên Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN, nguyên Trợ lý Luật sư Nguyễn Hữu Thọ) nhớ lại, năm 2018, kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp định Paris, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, là một trong bốn người ký Hiệp định Paris, lúc đó là Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam đã chỉ đạo ông Phú (một cán bộ của Bộ Ngoại giao Cách mạng miền Nam ngày trước, khi đó là Phó Chủ tịch Quỹ Hòa bình và phát triển Việt Nam) cùng với tỉnh Quảng Trị tổ chức tại Thành cổ Quảng Trị đêm giao lưu nghệ thuật “Khát vọng Hòa Bình” và tổ chức tọa đàm ngày Hòa bình tại Quảng Trị. “Bà Bình cũng chỉ đạo chúng tôi phục dựng nhà của Bộ Ngoại giao trong Khu Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN ở Cam Lộ, nơi năm 1973 ở Paris về, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình đã ở và làm việc cùng Chủ tịch Luật sư Nguyễn Hữu Thọ tiếp khách quốc tế và tiếp nhận quốc thư của đại sứ các nước’, ông Phú nói.

Cam Lộ, địa linh… ảnh 1

Toàn cảnh Khu di tích Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN tại thị trấn Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị

Ông Phú bảo, những ngày ở Hội nghị Paris, có nhà báo phía bên kia hỏi bà Nguyễn Thị Bình: “Bà nói ba phần tư đất đai miền Nam là của Việt Cộng, vậy đâu là ranh giới đất của quý bà?”. Bà Bình đáp: “Nơi nào có bom Mỹ ném xuống, đó là đất của Chính phủ Cách mạng Lâm thời CHMNVN”. Có nhà báo lại hỏi: “Các ngài có Chính phủ, vậy Thủ đô là ở đâu?”. Phía đoàn Việt Nam trả lời: “Trong lúc chiến tranh ác liệt và cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc đang đương đầu với bom đạn thì Thủ đô, hơn đâu hết là ở trong trái tim mỗi người dân miền Nam”. Ông Phú nói, tôi nhắc lại điều này để thấy rằng, những năm tháng đó, Cách mạng miền Nam, Trụ sở của Chính phủ lúc ở Tây Ninh, trên đất miền Nam, có lúc trên đất Campuchia, luôn phải di chuyển để bảo đảm an toàn. Nhưng để biểu thị với thế giới sự ổn định và phát triển của Chính phủ cách mạng, dù rất khó khăn, ác liệt, chúng ta vẫn quyết định tiếp nhận Đại sứ Cuba bên cạnh Chính phủ. “Có thể nhắc lại rằng, sự có mặt của đồng chí Vendée Vivo - Đại sứ cộng hòa Cuba và 3 nhà báo quốc tế thường trú bên cạnh Chính phủ như chị Madeleine Riffaud (Pháp), chị Monica (Ba Lan) và nhà báo Úc Wilfred Burchett là điều rất đặc biệt, rất quý đối với Cách mạng miền Nam. Chính vì vậy, việc Cách mạng miền Nam có thủ phủ, có trụ sở đối ngoại là yêu cầu rất lớn, rất cấp bách’, ông Phú nói.

Cam Lộ, địa linh… ảnh 2

Chủ tịch Hội đồng cố vấn Nguyễn Hữu Thọ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN Nguyễn Thị Bình tiếp Đại sứ Liên Xô. ẢNH TƯ LIỆU

Ngày 1/5/1972, tỉnh Quảng Trị được giải phóng, ta đã dồn kẻ thù sang bên kia sông Mỹ Chánh. Ngày 6/6/1972, kỷ niệm 3 năm ngày thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN, Quảng Trị tổ chức mít tinh mừng chiến thắng. Trong dịp đó, Trung ương đã quyết định xây dựng Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN tại huyện Cam Lộ. Chọn Quảng Trị để đặt Trụ sở vì đây là dải đất nối liền miền Bắc, đã xóa được sự chia cắt đất nước bởi vĩ tuyến 17 và cầu Hiền Lương, thuận tiện đón khách Quốc tế, đón các Đại sứ thông qua sân bay Đồng Hới.

Ông Phú kể, lúc đầu có đề xuất Trụ sở đặt ở Đông Hà, để tăng sự ngoạn mục và đô hội, song rồi các đồng chí bên Quốc phòng, bên An ninh, thấy không an toàn bởi quá gần với Thạch Hãn lại trong tầm pháo… Cuối cùng quyết định ở Cam Lộ vì một bên là sông Hiếu, một bên là đường 9, phía Nam có dãy núi che chắn. Kín đáo, an toàn, thuận lợi giao thông và cũng rất hữu tình.

Sau khi Bộ Xây dựng lập thiết kế và được Trung ương phê duyệt thì vật tư được Bộ Quốc phòng lập tức tập kết vào Cam Lộ. Đúng vào dịp kỷ niệm một năm ngày giải phóng Quảng Trị và sau hơn 100 ngày Hiệp định Paris được ký kết, chúng ta khởi công xây dựng Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN. Với tinh thần thần tốc của công ty xây dựng và đơn vị công binh Bộ Quốc phòng, chỉ 25 ngày đêm khẩn trương xây dựng, ngày 6/6/1973, kỷ niệm 4 năm ngày thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN, Trụ sở Chính phủ Cách mạng được chính thức khai trương và đi vào hoạt động tại mảnh đất Cam Lộ anh hùng, gồm cả nhà làm việc của Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời; nhà Bộ Ngoại giao; khu nhà lưu trú của các Đại sứ, nhà ở, nhà ăn của cán bộ ta…

Trụ sở của Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN tại Quảng Trị đã chứng kiến nhiều sự kiện lịch sử. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNCN; Luật sư Trịnh Đình Thảo, Phó Chủ tịch Hội đồng cố vấn; các ông: Nguyễn Đóa, Nguyễn Văn Kiết, Phó Chủ tịch Chính phủ; Bộ trưởng Ngoại giao, Trưởng đoàn đàm phán tại Hội nghị Paris Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trần Nam Trung, cùng nhiều vị thành viên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN và nhiều anh hùng lực lượng vũ trang quân giải phóng đã có mặt ở đây. Đặc biệt là chuyến thăm của Fidel Castro, Thủ tướng Chính phủ Cách mạng Cuba cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng vào thăm Quảng Trị. Tại trụ sở lịch sử này, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN đã cùng Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thị Bình chủ trì lễ nhận quốc thư của 43 nước từ năm châu lục, đã tiếp nhiều đoàn đại biểu của các tổ chức quốc tế đến thăm.

Trụ sở Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở Cam Lộ đã tạo nên bước ngoặt lịch sử, đưa vị thế của cách mạng miền Nam lên tầm cao mới trên trường quốc tế. Nhờ vị thế đó, chúng ta đã thu phục, mở rộng mặt trận thế giới ủng hộ Việt Nam trên khắp địa cầu, góp sức cho cuộc chiến đấu của dân tộc ta. Cũng từ đây, từ mảnh đất Quảng Trị này, ngày 19/3/1975, ngày truyền thống toàn quốc chống Mỹ, quân dân ta đã từ bờ sông Thạch Hãn xông lên, tiến vào giải phóng Huế, rồi Đà Nẵng, để ngày 30/4/1975, cùng các cánh quân anh hùng tiến vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam.

Quảng Trị, những ngày đó vừa kiên gan chống trả sự tái lấn của quân đội Sài Gòn bên kia sông Thạch Hãn, vừa lo bảo đảm an toàn mạch máu giao thông với miền Bắc và phục vụ hậu cần chu đáo đầy đủ cho khách quốc tế. Nhân dân Quảng Trị đã thay mặt miền Nam thể hiện tình cảm chân thành, thân thiện với khách quốc tế, giúp các Đại sứ hiểu rõ về mảnh đất Quảng Trị kiên trung, bất khuất.

(còn nữa)

MỚI - NÓNG