50 năm Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN - Một chính phủ vì khát vọng hòa bình

Thủ phủ đối ngoại thời chiến

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đầu năm 1973, những chiếc tàu đầu tiên cập cảng Đông Hà mang theo vật liệu xây dựng gồm xi măng, khung sườn bằng sắt, tôn, ván, từ miền Bắc chuyển vào với quyết tâm cao nhất để công trình hoàn thành đúng dịp kỷ niệm lần thứ 4 ngày thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN (6/6/1969- 6/6/1973).

Theo ông Đỗ Văn Bình-Bí thư Huyện ủy Cam Lộ, ngày 6/5/1973, sau lễ khởi công xây dựng trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN tại thị trấn Cam Lộ, hơn 500 người của Công ty Xây dựng số 8 tỉnh Nghệ An, do 2 Thứ trưởng Bộ Xây dựng trực tiếp đôn đốc, thi công liên tục suốt ngày đêm. Về phía huyện Cam Lộ, Huyện ủy và UBND cách mạng huyện tổ chức, vận động nhân dân trong huyện đóng góp sức lực, nỗ lực cùng với các đơn vị thi công quyết tâm hoàn thành việc xây dựng trụ sở của Chính phủ đúng tiến độ đề ra. Được sự hỗ trợ của Ty Giao thông Quảng Trị, Phòng Giao thông huyện đã huy động lực lượng lao động tu sửa tỉnh lộ 71 và các đường liên xã, liên thôn, bắc lại cầu Lim Quật Xá, tổ chức các chuyến đò ngang, đò dọc phục vụ việc đi lại của nhân dân trên sông Hiếu, đồng thời vận chuyển được một khối lượng hàng hóa, vật liệu đáng kể phục vụ công trình… Sau 25 ngày thi công, từ ngày 6/5 đến 30/5/1973, với thời gian thần tốc, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng như kế hoạch dự kiến.

Thủ phủ đối ngoại thời chiến ảnh 1

Chủ tịch Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN Nguyễn Hữu Thọ tiếp các đoàn Đại sứ, năm 1973 (Ảnh tư liệu)

Khu trụ sở Chính phủ được xây dựng trên diện tích 17.300 m2, gồm: Khu A có nhà làm việc của Chính phủ, nhà làm việc của Bộ Ngoại giao, nhà ăn dành riêng cho khu A; khu B có 2 nhà khách làm nơi lưu trú của các đại sứ, 3 dãy nhà còn lại là nơi làm việc, ăn nghỉ của các thành viên đi theo đại sứ các nước, phóng viên báo chí, các nhân viên cán bộ của Chính phủ. Kết cấu của các khu nhà trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời theo kiểu nhà lắp ghép: hai xông, mái nhọn, vài kèo bằng sắt, lợp tôn, trần và vách bằng gỗ. Mặc dù được tiến hành xây dựng khẩn trương trong một thời gian rất ngắn, điều kiện thi công khó khăn nhưng khu trụ sở Chính phủ vẫn mang dáng vẻ bề thế, khang trang với đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt thiết yếu như: điện, máy nước, vườn hoa, cây cảnh... Đặc biệt khu nhà tiếp khách của Chính phủ rất trang nhã và lịch sự. Khu Chính phủ được phân bố hài hòa giữa các dãy nhà quy hoạch thoáng đẹp, trong khuôn viên trồng nhiều loại cây cổ thụ và cây cảnh, đặc biệt là hàng dừa trong khu trụ sở là biểu tượng sức sống quật cường của nhân dân và cách mạng miền Nam. Toàn bộ khu trụ sở Chính phủ quay mặt về hướng Đông qua 2 cửa A và B. Khu A nằm đối diện với cửa chính A. Khu B nằm đối diện với cửa chính B. Khu A gồm 3 dãy nhà nằm thành một cụm: Nhà làm việc của Chính phủ, nhà khách và nhà dinh dưỡng. Khu B có 5 dãy nhà nằm song song có kết cấu giống nhau nằm đối diện với cổng phụ B.

Ông Dương Tú Anh-nguyên Bí thư Huyện ủy Cam Lộ thời kỳ 1973 nhớ lại, dù là vùng giải phóng nhưng khu trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN nằm trong tầm pháo của địch. Cuộc chiến của nhân dân miền Nam diễn ra ác liệt. Với truyền thống cách mạng của nhân dân Quảng Trị nói chung và nhân dân Cam Lộ nói riêng, đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cam Lộ đã quyết tâm vượt qua những khó khăn, trở ngại để cùng những đơn vị khác bảo vệ các hoạt động Chính phủ một cách an toàn, đồng thời tham gia các hoạt động ngoại giao, mít tinh, quần chúng để ủng hộ Chính phủ Cách mạng lâm thời.

Thủ phủ đối ngoại thời chiến ảnh 2

Đoàn đại biểu Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Cuba và Tỉnh Đoàn Quảng Trị chụp ảnh lưu niệm tại Khu di tích trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN ở Cam Lộ

Ngay ngày đầu có trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời, người dân Cam Lộ lúc đã rời khỏi hầm hào, bước lên mặt đất để tham gia bảo vệ xóm làng, khôi phục sản xuất với một không khí náo nức trước cuộc sống mới. Trước hôm lễ mít tinh diễn ra, dòng người khắp nơi, từ vùng Cùa ra, từ Cam Giang, Cam Thanh, Cam Thủy lên, từ Ba Thung, Quật Xá, Đâu Bình… về. Mọi người dậy từ sớm, nấu bánh chưng, đồ xôi, nắm cơm mới, phần thì ăn, phần dành mang theo bởi đi bộ, đường xa, đến với buổi mít tinh cho kịp. Ngày 6/6/1973, một cuộc mít tinh lớn đã được tổ chức gần khu trụ sở Chính phủ nhân dịp kỷ niệm 4 năm ngày thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN và khánh thành trụ sở làm việc mới tại Cam Lộ. Những cụ già râu tóc bạc phơ, trang trọng trong lễ phục khăn đóng, áo dài đen; các chị phụ nữ rạng rỡ trong những tà áo dài truyền thống, các em thiếu niên, nhi đồng khăn quàng đỏ thắm trên vai… nô nức tham dự lễ kỷ niệm và nghe Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN Huỳnh Tấn Phát nói về mục đích, ý nghĩa của ngày kỷ niệm lịch sử, tình hình và nhiệm vụ mới.

Qua lời kể của ông Nguyễn Công Đoàn, nguyên Chủ tịch Mặt trận dân tộc giải phóng huyện Cam Lộ thời kỳ 1973, thực hiện lời kêu gọi của Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN, phong trào thi đua yêu nước trên các lĩnh vực sản xuất, sẵn sàng chiến đấu ở Cam Lộ dấy lên mạnh mẽ. Tất cả đều náo nức, tươi mới như chưa hề có đạn bom, gian khổ chất chồng đã đi qua trên mảnh đất này. Toàn Đảng bộ, toàn quân và nhân dân Cam Lộ ra sức thi đua sản xuất, chiến đấu, nỗ lực trên nhiều phương diện để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho mọi hoạt động của Chính phủ Cách mạng lâm thời, đồng thời góp phần cung cấp các nhu cầu thiết yếu khác để phục vụ theo yêu cầu của Chính phủ và tiếp tế cho tiền tuyến.

GS.TS Trình Quang Phú (Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông; nguyên chuyên viên Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN; nguyên Trợ lý luật sư Nguyễn Hữu Thọ) gọi Quảng Trị là thủ phủ đối ngoại của Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN, bởi đây là nơi duy nhất của cách mạng miền Nam có trụ sở Chính phủ Cách mạng miền Nam đã tiếp nguyên thủ quốc gia Cuba Fidel Castro và tiếp nhận quốc thư của Đại sứ 43 nước của 5 châu lục. “Đó chính là dấu ấn độc nhất vô nhị của Quảng Trị. Sau đợt I Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Đại hội đại biểu Quốc dân miền Nam Việt Nam từ ngày 6 đến 8/6/1969 tại Tân Biên, vùng căn cứ Tây Ninh, đã long trọng tuyên bố thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN. Chính phủ có nhiệm vụ đoàn kết nhân dân miền Nam chiến đấu đánh bại đế quốc Mỹ, lật đổ ngụy quyền tay sai phản động, đưa miền Nam Việt Nam phát triển theo con đường độc lập, hòa bình, dân chủ trung lập, phồn vinh tiến tới thống nhất đất nước”, ông Phú nói.

Cam Lộ vinh dự là mảnh đất hai lần được lịch sử lựa chọn đặt “kinh đô kháng chiến”. Đó là Thành Tân Sở năm 1885, nơi Vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương hiệu triệu đồng bào cả nước đứng lên phò vua đánh đuổi giặc Pháp, cứu giống nòi. Đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, năm 1973, Cam Lộ lại được chọn làm nơi đặt trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời CHMNVN - hội tụ phong trào yêu nước của nhân dân miền Nam dưới ngọn cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng đấu tranh trực diện với quân thù, tiến đến giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.