Người Pháp phác họa kịch bản chiến tranh với IS

Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu trước Quốc hội họp tại điện Versailles ngày 16/11. (Ảnh: Jean-Claude Coutausse )
Tổng thống Pháp Francois Hollande phát biểu trước Quốc hội họp tại điện Versailles ngày 16/11. (Ảnh: Jean-Claude Coutausse )
Hiếm khi nào tình hình Syria lại chiếm nhiều trang báo Pháp đến như vậy và các nhật báo đều dành từ 16 tới 20 trang viết về tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Các báo Pháp cũng phác họa kịch bản chiến tranh, bao gồm cả những tình huống xấu nhất như Pháp oanh kích IS sẽ dẫn tới khả năng bị trả đũa leo thang, nghĩa là khủng bố có thể tái diễn trên đất Pháp và người dân Pháp từ nay phải ý thức rõ về điều đó.

Tình thế sẽ tiến triển như thế nào? Liệu tình trạng khẩn cấp trong ba tháng có phải kéo dài thêm không? Các nước Âu - Mỹ bao gồm cả Pháp có buộc phải liên minh với Nga, lập một mặt trận chung chống lại IS không?... Rất nhiều câu hỏi được đặt ra, nhưng hiện vẫn còn quá sớm để có được câu trả lời.

Riêng về câu hỏi có nên gửi bộ binh sang Syria hay không, các báo trích dẫn phân tích của nhiều chuyên gia cho thấy những quan điểm bất đồng, có lúc trái ngược hẳn nhau.

Theo nhà phân tích Renaud Girard của báo Le Figaro, nước Pháp có thể can thiệp quân sự vào Syria nhưng với một số điều kiện. Còn các đợt oanh kích đơn thuần, đánh từ trên không xuống hiện tỏ rõ là ít hiệu quả trong một cuộc chiến ‘‘bất đối xứng’’.

Trong trường hợp Pháp tham chiến trên bộ theo kiểu đơn thương độc mã, đây sẽ là một quyết định điên rồ. Nếu Pháp muốn gửi quân sang Syria thì phải có sự đồng thuận và liên minh của tất cả các tác nhân trong vùng và hơn bao giờ hết, Pháp cần có sự hợp tác của Mỹ.

Gửi quân sang Syria tham chiến trên bộ là một kịch bản bấp bênh, đầy rủi ro mà chưa chắc hiệu quả - ông Jean Claude Allard, chuyên gia Viện nghiên cứu Quan hệ Chiến lược quốc tế (IRIS) nhấn mạnh trên báo Libération.

Cũng theo ông Allard, IS tuy gọi là tổ chức Nhà nước Hồi giáo, nhưng không có quân đội ‘‘chính thống’’ và ngành ngoại giao của một quốc gia. Các phần tử tham gia thánh chiến thường trà trộn, ẩn nấp trong dân. Ngành tình báo Âu - Mỹ lại không có nhân viên liên lạc tại chỗ để cung cấp thông tin về các mục tiêu cần phải tiêu diệt.

Ông Hicham al-Hachemi, chuyên gia người Iraq về IS, khuyến cáo không nên rơi vào bẫy của IS bởi IS đang không ngừng “chọc tức” phương Tây với hy vọng các nước Âu - Mỹ sẽ can thiệp quân sự. Trong trường hợp liên minh quốc tế gửi quân sang Syria, IS sẽ dùng cớ đó để biện minh cho các hành động của chúng.

Nhà nghiên cứu Gilles Kepel (tác giả cuốn sách ‘‘Nỗi kinh hoàng trên đất Pháp’’ - Terreur sur l’Hexagone - nói về nguyên nhân khiến cho không ít thanh niên sống ở Pháp cũng gia nhập hàng ngũ IS) cho rằng nếu đánh thì phải đánh triệt để. Muốn vậy không những phải có phương tiện mà còn cần chú trọng đến việc thu phục nhân tâm cũng như sự ủng hộ của dư luận.

Đặc biệt theo ông, nếu tất cả các nước lớn chịu gạt qua một bên tất cả những bất đồng, để cùng hợp sức nhằm vào cùng một mục tiêu, lúc đó mới hy vọng đánh bại IS.

Giáo sư Jean-Pierre Filiu thuộc trường Sciences Po, nêu ý tưởng về một giải pháp thứ ba. Theo ông, vào năm 2003 các tổ chức hồi giáo cực đoan dùng chiến dịch tuyên truyền đã biến được việc Mỹ gửi quân sang Iraq thành một ‘‘cuộc xâm lăng’’ của thế lực ngoại bang, qua đó tuyển dụng thêm quân cho lực lượng thánh chiến.

Dĩ nhiên là thực tế hiện nay phức tạp hơn rất nhiều, nhưng IS vẫn có kế hoạch khiến cho liên minh phương Tây sa lầy tại Syria trong trường hợp có can thiệp trên bộ. Nếu phương Tây buộc phải hợp tác với Tổng thống Syria Bachar al-Assad, thì điều này cũng sẽ có lợi cho IS nhiều hơn là cho các nước Âu-Mỹ. Bằng chứng là kể từ khi Nga ủng hộ chế độ Damascus và gửi cố vấn sang Syria, IS đã gia tăng gấp bội số quân tuyển dụng thêm cho lực lượng thánh chiến.

Hướng đi thứ ba nhưng cũng là giải pháp khó thực hiện nhất, đó là chống lại cùng một lúc hai đối thủ: một bên là IS và bên kia là ông al-Assad. Muốn vậy, Pháp sẽ phải thuyết phục các “đồng minh”, thậm chí cả các tác nhân trong khu vực để cùng đánh IS.

Thay vì gửi quân tham chiến trên bộ, các nước Tây phương có thể dùng hoả lực không quân và thông tin tình báo để yểm trợ cho một sứ mệnh trên bộ được giao cho Liên minh các nước Ả rập, Giáo sư Jean-Pierre Filiu kết luận.

Theo Theo Dân trí
MỚI - NÓNG