Người lính trong một nhà báo

Người lính trong một nhà báo
TP - Mỗi ngày dài hơn một ngày(*), tên một tập sách, cũng là ẩn dụ về thời gian eo hẹp, luôn eo hẹp của một người trong cuộc sống. Một ngày chừng đó mà bao nhiêu sự việc, bao nhiêu cung bậc cảm xúc trước lo âu và hạnh phúc, bao nhiêu tình huống ngặt nghèo… đổ lên đầu một người… 

Mà chỉ có chừng ấy thời gian thôi… Cuối tập sách có phần VII - thay lời kết, người đọc đối thoại trực tuyến với tổng biên tập Hồ Anh Tài vào 15 giờ ngày 16/8/2007 với chủ đề Làm báo Quốc hội khó đến đâu? trên vietnamnet.vn. Phần kết là những câu hỏi lúc chân thành, khi riết róng, và Hồ Anh Tài đã bộc lộ những cảm xúc trước công việc mà anh đã làm: tổng biên tập tờ Đại biểu Nhân dân, tiếng nói của Quốc hội, từ năm 1999 đến năm 2015. Những cái khó. Rất nhiều. Nhưng niềm vui công việc này mang lại không ít. Vui nhất khi tờ báo được đón nhận trong nhiều tầng lớp độc giả, được phản hồi, được chú trọng và cái quan trọng nhất là nói được rất nhiều chuyện đang xảy ra trong xã hội, trên thế giới. Nói cụ thể, nhiều khi rất thật, không né tránh mà được chấp nhận, khơi dậy lòng tin ở người đọc trước sự thẳng thắn, trước những hứa hẹn. Tác giả đã hiện ra là một người sôi nổi, đầy kinh nghiệm trong nghề khi giữ một trọng trách trong thời gian dài. Và quan niệm của một nhà báo với nghề của anh, khi anh trả lời sinh viên báo chí ở bang Nebraska Hoa Kỳ là một quan niệm đúng. Trong khi nhiều lần chúng ta bối rối nói với nhau về tự do. Sinh viên hỏi: khi nào người làm báo tự do nhất? Hồ Anh Tài trả lời: khi họ phản ánh sự việc trung thực nhất, bản chất nhất và không định kiến. Có thể hiểu định nghĩa tự do của anh, đó là thứ mà anh và tôi phải tự tìm lấy và phải bằng cách nào đó để đi đến, hoặc gần đến cái mà ta muốn, để không thể cứ phụ thuộc, cứ sợ hãi những luật định, những trói buộc nhiều khi rất “cường quyền”, nhiều khi mơ hồ, nhiều khi đe dọa. Tự do là phải tự tìm, phải định đoạt, phải có sự đánh đổi với quyền lợi bản thân. Và rất đúng khi anh nói: phải không có định kiến. Phải rồi. Định kiến ngăn trở ta đến tự do!

Không nổi tiếng trên văn đàn như người em trai Hồ Anh Thái, nhưng tác giả đã làm một việc rất quan trọng phía sau công việc của tổng biên tập hằng ngày khi điều hành tờ báo. Hầu như số báo nào cũng cần một bài viết có tính chất khái quát cho những sự kiện xảy ra trong ngày. Chọn lấy một sự kiện nổi bật để viết một bài vài trăm chữ, gần giống như phát ngôn của tờ báo trong ngày cho mục xã luận. Và bao nhiêu năm độc giả đã quen với bút danh Thăng Long, Văn Bông, Chân Phương… Có thể tính cấp thời của các bài viết làm người ta ít nhớ tới mấy ngày sau vì sự náo nhiệt của thông tin ở nhiều kênh khác. Nhưng khi đã tập hợp, đã chọn lọc từ hàng ngàn bài báo để thành một tập sách, người đọc vô cùng thú vị khi đọc lại những điều xảy ra từ nhiều năm trước.

Thú vị nhất là tính xâu chuỗi các sự kiện. Từ việc xảy ra trong nghị trường đến việc xảy ra ở các cơ quan, ở cá nhân mỗi người nắm trọng trách các ngành. Từ việc ông nào đó năm mươi chín tuổi còn đi du học bằng kinh phí nhà nước, từ việc làm mới chùa Trăm Gian, việc ngôi nhà ba mươi mốt tầng ở số 91 Nguyễn Chí Thanh không có phép mà cứ xây, việc em Bùi Minh Trí ở Vĩnh Long bị bắt vì giúp nhiều người rồi bị người ta thờ ơ khi em gặp nạn… Rồi việc ông Phạm Chuyên nói về lương ngân sách, cách người ta bày ra đủ thứ để ăn lương khi đã nghỉ hưu. Vụ New Century bị dẹp làm người ta nhớ cái sự kiện ngày đó. Một số bài rất gây hấn với các bộ ngành vì người ta muốn lấp đi mà nhà báo cứ nhắc như một nhà xuất bản lãi khổng lồ khi sửa sách giáo khoa hằng năm. Việc người ta thanh tra để “tra” cái phong bì. Giọng lo âu hài hước của tác giả trong các vấn đề tưởng như nhỏ nhặt: văn hóa WTO. Sưu tầm chuyện Bọ. Chuyện an toàn thực phẩm và đề xuất có bộ Tình trạng khẩn cấp trước sức khỏe người dân. Chuyện người ta định kinh doanh nhà hàng tụ điểm trên sông Tô Lịch… Rồi chuyện lỗi chính tả, chuyện ngôn ngữ vùng miền… có tất cả trong một tập sách đã chọn lọc nghiêm ngặt. Tác giả đã trả lời trong phỏng vấn là ít khi đi vào những việc cụ thể, mà thường đi vào những vấn đề lớn, liên quan đến hoạch định chính sách. Điều đó là đã rõ trong các bài báo của anh. Có vẻ như nhỏ thôi, nhưng thực ra là những vấn đề cần phải quan tâm của thời gian dài. Nó khiến nhiều người phải nghĩ phải bức xúc. Cái khó là tác giả đã rất cô đọng súc tích khi viết về những vấn đề lớn trong vài trăm chữ để tính khái quát của nó lay động người đọc.

Nhà báo Hồ Anh Tài chỉ có ý định in một tập sách kỷ niệm một thời gian làm báo, trong khoảng 2006 đến 2015. Nhưng tập sách thú vị, có sức nặng khi ta đọc hết nó. Một tập hợp giúp ta thống kê những sự kiện nổi bật của một khoảng thời gian, được viết trên tinh thần nhà báo đã từng có thời làm chiến sĩ giải phóng quân. Cũng ở sự kiện cầm súng này tác giả từng viết: mười tám tuổi tôi ra chiến trường. Đạn địch không chờ tôi đủ tuổi, học đủ từng ấy lớp mới bắn! Anh viết để cãi cho cái vụ người ta cứ chuẩn hóa để một trăm tuổi mới đi hết ngạch lương nhà nước vạch ra. Anh viết: chuẩn hóa sao để người tài đôi ba mươi tuổi có thể làm được vụ trưởng bộ trưởng! Đừng xét nét quá… n

______________________

(*) Mỗi ngày dài hơn một ngày, tập bình luận sự kiện, 

Hồ Anh Tài, NXB Trẻ 2015.

- Khi nào người làm báo tự do nhất?

- Khi báo chí phản ánh sự kiện một cách bản chất nhất, trung thực nhất và không định kiến, thì báo chí có tự do.

(Nhà báo Hồ Anh Tài đối thoại với sinh viên báo chí 

Đại học Nebraska, Hoa Kỳ)

MỚI - NÓNG
Tắm rừng được nhiều người làm nghệ thuật lựa chọn vì nó có khả năng kích thích các ý tưởng sáng tạo
Du lịch ôm cây để chữa lành
TP - Thoạt nghe nhiều người sẽ cho rằng đây lại là một trò “điên” gì khác của giới trẻ, song trên thực tế, việc ôm cây trong nghi thức tắm rừng đang trở thành một liều thuốc ngon, bổ, rẻ cho những tâm hồn cần sắp xếp, làm mới lại mình. Xu hướng này bắt đầu từ Nhật Bản và hiện đang lan tỏa mạnh mẽ ở Việt Nam.