Người đi qua 'địa ngục' kể về chuyến hành trình đánh đổi tính mạng đến trời Âu

TPO - Không ít người đã chấp nhận đánh đổi tính mạng của mình để đến trời Âu lao động bằng con đường bất hợp pháp. Nay trở về, họ rùng mình, bàng hoàng kể lại chuỗi ngày tháng gian khổ.

Đánh đổi bằng tính mạng

Sau vụ cảnh sát Anh phát hiện 39 thi thể trên Container ở đất nước này. Nhiều thông tin cho rằng, nạn nhân ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Để hiểu rõ hơn, chúng tôi tìm gặp một người đàn ông từng đi bằng con đường bất hợp pháp để đến trời Âu, nghe anh kể lại chuyến hành trình giông bão  của mình.

Người đi qua 'địa ngục' kể về chuyến hành trình đánh đổi tính mạng đến trời Âu ảnh 1 Hiện trường vụ 39 thi thể trên Container ở Anh (ảnh Sky News)

Theo anh Nguyễn Viết Hưng – trú tại Thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh (tên nhân vật đã được thay đổi), năm 2003, anh quyết định vay mượn tiền để xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang Đức. Sau khi thỏa thuận với công ty XKLĐ, anh Hưng phải đi Nga bằng hộ chiếu du lịch rồi tiếp tục vượt biên qua nhiều nước. Trên mỗi chuyến đi đều được người “môi giới” chỉ đường. Bởi họ có kinh nghiệm trốn tránh cơ quan chức năng. Nhiều mối hiểm nguy có thể phải đánh đổi bằng tính mạng.

 “Từ Việt Nam sang Nga, chúng tôi “tập kết” về 1 nhà kho chứa hàng trăm người đi Đức lao động bất hợp pháp, đủ các quốc tịch, lứa tuổi, giới tính khác nhau. Vấn đề ăn uống, sinh hoạt đều diễn ra trong nhà kho, cách ly hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Hộ chiếu, giấy tờ tùy thân bị thu giữ và tiêu hủy. Sau khi nhận định có thể qua mặt cơ quan chức năng sở tại, “môi giới” sẽ đưa chúng tôi qua Đức bằng nhiều hướng khác nhau. Mọi việc đều định sẵn, không ai được có ý kiến gì khác”, Anh Hưng cho biết.

Riêng cá nhân anh Hưng được “môi giới” đưa đi bằng đường rừng từ Nga sang Ukraina rồi đến Ba Lan. Để bảo mật, “môi giới” tiếp tục chia người lao động thành nhiều nhóm nhỏ 5-7 người và di chuyển vào buổi tối, lịch trình thay đổi liên tục. Nhiều lúc “môi giới” thuê người bản địa đi ngựa phía trước dẫn đường và có người phía sau kiểm soát. Người nào sức khỏe yếu, làm lỡ chuyến đi thì bị đánh đập dã man. Đi hết một chặng lại vào nhà kho rồi di chuyển khi được thông báo.

Không chỉ băng rừng, những người lao động còn phải vượt qua một con sông rộng và sâu. Nhằm tránh sự tuần tra gắt gao của cảnh sát, anh Hưng được bỏ vào trong 1 túi ni-lon rồi thợ lặn mang bình oxy lặn dưới đáy kéo sang sông. Tuy nhiên, vừa vào bờ, cảnh sát đã phát hiện và bắt giữ. “Tôi còn may mắn hơn nhiều người khác vì bị cảnh sát phát hiện khi đã vào bờ còn những người bị phát hiện giữa sông thì thợ lặn kia bỏ túi ni-lon để trốn, như thế thì chết thôi”, anh Hưng vẫn chưa hết bàng hoàng kể lại.

Sau khi mãn hạn 9 tháng tù giam, anh Hưng bị trục xuất trở lại Ukraina, “môi giới” tiếp tục đưa đi bằng con đường từ Nga sang Tiệp rồi mới đến Đức. Ngoài băng rừng, vượt suối, người lao động còn bị nhồi nhét vào trần xe ô tô đã được chế thành 2 lớp. “Khổ cực đến nỗi đi vệ sinh cũng khó khăn. Nhiều người bỏ mạng dọc đường, hoặc vì sợ quá bỏ cuộc và quay lại”, anh Hưng nói. Cuối cùng thì anh cũng đến được Đức. Sau nhiều năm làm việc ở Đức, đến năm 2006, anh Hưng lại quyết định mạo hiểm tới Anh.

Người đi qua 'địa ngục' kể về chuyến hành trình đánh đổi tính mạng đến trời Âu ảnh 2 Anh Hưng kể lại chuyến hành trình "địa ngục".

Đường đến xứ sở Sương mù

Gian nguy đánh đổi bằng tính mạng khiến anh Hưng thêm quyết tâm đi đến Anh. Từ Đức, anh cùng một người bạn thuê 2 người bản địa dẫn đường đến cảng để vượt sang Anh. Tuy nhiên, sau một đoạn đường rừng, anh phát hiện 2 người này là cướp nên ra dấu hiệu với bạn. Chờ lúc bọn chúng không chú ý, Hưng hét lên rồi bỏ chạy nhưng bị bắt lại.

“Chúng dí súng vào đầu tôi và đòi bóp cò. Tôi quỳ xuống cầu xin và đưa tiền, điện thoại và tài sản trên người cho chúng, chỉ giấu lại được một ít tiền. Bị đánh đập dã man, tôi giả ngất, bọn chúng mới bỏ đi”, anh Hưng kể.

Cách tốt nhất là thuê người dẫn đi khi đến bến cảng, họ sẽ tìm hàng hóa trong container nào đi Anh rồi đợi đêm đến sẽ mở container cho mình chui vào. Cách còn lại là tự mình chạy theo các xe container phủ bạt, nhảy lên xe rồi chui vào bên trong nhưng rất nguy hiểm và rất dễ nhầm xe có hàng đi sang nước khác.

“Tôi chọn cách thuê người dẫn đi, chi phí là 8.000 euro. Ban đêm, người dẫn đường đưa tôi lên xe container chở hàng điện tử đi London. Sau khi sang sông, vào đến nước Anh, tôi lấy con dao thủ sẵn từ trước rạch bạt xin tài xế chạy chậm để nhảy xuống. Nhưng không ngờ tài xế lại cho xe chạy nhanh hơn, đến trạm kiểm soát lại bị cảnh sát bắt giữ. Nếu cho trở lại để đi con đường đó tôi không bao giờ dám đánh đổi tính mạng mình như thế nữa”, anh Hưng lắc đầu buồn bã.

Anh Hưng nhận định, những người tử vong trên xe container ở Anh là do tránh máy quét thân nhiệt. Số người trong xe container nhiều nên tài xế phải hạ nhiệt độ thấp nên bị lạnh và chết ngạt.

Theo lãnh đạo UBND huyện Can Lộc, (Hà Tĩnh) cho biết, hiện tại ở địa phương có 8 người đi Anh thời gian gần đây bị mất liên lạc. Trong đó, 5 trường hợp ở xã Thiên Lộc, 1 ở xã Thanh Lộc, 1 ở xã Vĩnh Lộc và 1 ở thị trấn Nghèn. Tất cả 8 gia gia đình đã có đơn trình báo chính quyền địa phương về việc người thân nghi bị mất tích.

MỚI - NÓNG
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
Lộ mức lương cao nhất Cần Thơ
TPO - Năm nay, tiền lương bình quân của người lao động tại Cần Thơ đạt hơn 8,3 triệu đồng/người/tháng. Người được trả lương cao nhất tại Cần Thơ là hơn 151 triệu đồng/tháng ở khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).