Người dân miền Trung chỉ 'bí kíp' dọn nhà sau lũ, đuổi hết bùn non

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nước lũ vẫn còn bủa vây nhiều nơi tại miền Bắc, chở theo bùn đất. Nếu không chủ động và biết cách dọn dẹp sau lũ, mỗi nhà sẽ biến thành một "ruộng bùn".

Với người dân miền Trung, việc dọn nhà sau lũ đã thành “kỹ năng” khi năm nào cũng phải áp dụng một vài lần. Ngập ở đô thị hay vùng ven, đồi núi, khi nước tràn vào nhà đều không tránh khỏi cảnh bùn đất, thậm chí rác.

Người dân miền Trung chỉ 'bí kíp' dọn nhà sau lũ, đuổi hết bùn non ảnh 1

Tranh thủ đẩy bùn ra khỏi nhà khi nước đang rút để tránh bùn khô, đóng lớp.

Theo người dân miền Trung, muốn đẩy bùn non ra khỏi nhà phải canh đúng lúc nước rút. Khi nước còn hơn một gang tay dưới sàn thì dùng chổi cứng khuấy thật mạnh để bùn sục lên, không bám dưới sàn.

“Bùn non bám rất lì nên phải quậy thật mạnh, nhất là trong các ngóc ngách. Nước rút xuống đến đâu thì dùng chổi đẩy nước liên tục ra khỏi nhà theo đến đấy. Lúc này bùn sẽ ra theo nước. Còn cứ để im không làm gì, đợi nước rút khô rang mới dọn thì bùn đã đặc lại, phải dùng cào, cuốc may ra mới cạy được bùn, dọn rất cực”, ông Bùi Tấn Sỹ (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) chia sẻ.

Bùn đã theo nước lũ ra hết khỏi nhà, chỉ cần dùng nước sạch xịt rửa lại một vài lượt là nhà sạch sẽ. Các vật dụng ngâm nước như bàn, ghế, giường, tủ…cũng nên áp dụng cách này, tranh thủ lau quét bùn khi còn nước, tránh để bùn khô.

Nhà ngâm nước dù dọn dẹp đến mấy cũng không thể thơm tho như khi còn khô ráo, cộng thêm mùi bùn, ẩm mốc nữa rất khó chịu. Để căn nhà bớt hôi, bà con đã dùng các loại vỏ cam, bồ kết, trầm hương, sả, chanh, vỏ bưởi… để xông trên bếp than hoặc xông tinh dầu.

Người dân miền Trung chỉ 'bí kíp' dọn nhà sau lũ, đuổi hết bùn non ảnh 2

"Lũ rút đến đâu dọn đến đấy".

Sau lũ, nhà nào cũng chịu mất mát của cải vật chất và tốn nhiều tiền của, công sức để khắc phục. Riêng việc dọn dẹp đã mất cả tuần. Vì vậy, người dân chấp nhận loại trừ. Chẳng hạn như chăn màn, sách vở… đã ngấm nước rệu rã thì không cố vớt lại để giặt giũ, phơi phóng.

“Tiếc mấy tấm chăn nên tôi gom lại, cả nhà hì hụi ngâm, giặt, xả nguyên buổi sáng mới hết bùn rồi vắt đến trẹo tay. Nhưng trời không nắng, mọi người lại thay nhau canh phơi suốt mấy ngày. Đến lúc khô vẫn nghe mùi tanh của bùn không thể nào dùng được. Thành thử những đợt lũ sau đồ đạc nếu bị nước ngâm, khó xử lý quá là tôi dứt khoát bỏ, để thời gian lo việc khác”, chị Nguyễn Thị Trinh (quận Hải Châu, Đà Nẵng) cho biết.

MỚI - NÓNG