Người cũ và tư duy mới

Những người được ông Biden đề cử vào nội các (từ trái qua phải): Antony Blinken, Alejandro Mayorkas, Linda Thomas-Greenfield (hàng trên), John Kerry, Avril Haines, Jake Sullivan Ảnh: CNN
Những người được ông Biden đề cử vào nội các (từ trái qua phải): Antony Blinken, Alejandro Mayorkas, Linda Thomas-Greenfield (hàng trên), John Kerry, Avril Haines, Jake Sullivan Ảnh: CNN
TP - Tổng thống đắc cử của Mỹ - ông Joe Biden đã chính thức đề cử nhóm phụ trách an ninh quốc gia nhằm đảo ngược chủ nghĩa dân tộc biệt lập mà Tổng thống Donald Trump theo đuổi. Nhiệm vụ của đội ngũ này là phải vượt lên khỏi cách làm của thời Barack Obama và có “tư duy mới”.

Lựa chọn của ông Biden để thực hiện chính sách di trú là một người Mỹ gốc Cuba có bố mẹ là dân tị nạn. Và ứng viên cho vị trí giám đốc tình báo đã cảnh báo ông Biden rằng bà sẽ mang lại cho ông những tin tức “khó hoặc bất tiện” về chính trị. Nhóm của họ còn có một viên chức ngoại giao kỳ cựu, người sẽ trở thành đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc, và ông John Kerry, người từng tranh cử tổng thống cách đây 16 năm nhưng không thành công và sau đó trở thành ngoại trưởng dưới thời Tổng thống Barack Obama. Ông Biden đưa ông Kerry vào vị trí mới trong Hội đồng an ninh quốc gia để “đưa biến đổi khí hậu vào chương trình hành động của Phòng tình huống”, sau 4 năm chính quyền Trump quay lưng với vấn đề này.

Ông Biden hầu như không tạo ra đội ngũ cạnh tranh và đối lập. Hầu hết những người được ông đề cử đều đã làm việc cùng nhau và là cấp phó trong chính quyền Obama, có thể trong Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Cục Tình báo trung ương (CIA). Ngoài ra còn có Bộ An ninh nội địa, nơi ông Alejandro N. Mayorkas từng là thứ trưởng trước khi được ông Biden đề cử làm người đứng đầu cơ quan này. Nhiều người trong số họ là bạn thân, là những người cùng chỉ trích cách ông Trump bác bỏ vai trò truyền thống của Mỹ trong các quan hệ liên minh ở cả Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Sự kiện thông báo các đề cử hôm 24/11 tại trụ sở của ông Biden ở Wilmington được mô tả như một cuộc họp lớp.

Hoài nghi “nhiệm kỳ 3”

Trong lúc phát biểu, ông Biden có vẻ thừa nhận rằng những mối đe doạ mà nhóm của ông phải xử lý có thể rất khác so với thời Obama. “Dù nhóm này đã có kinh nghiệm và thành tích khó sánh kịp, nhưng họ cũng cho thấy chúng tôi không thể xử lý các thách thức bằng tư duy cũ và những thói quen không thay đổi”, ông Biden nói. Ông nói về việc cần phải có “tư duy mới”. Nhưng có được sự cân bằng đó sẽ là thách thức lớn nhất đối với nhà lãnh đạo tiếp theo của Mỹ, các trợ lý và chuyên gia bên ngoài nhận định.

“Nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ của ông Biden là cơ hội cuối cùng và tốt nhất để chứng tỏ rằng chủ nghĩa quốc tế tự do ưu việt hơn chủ nghĩa dân tộc dân tuý”, Thomas Wright, một học giả tại Viện Brookings, viết trên tạp chí The Atlantic gần đây.

Điều đó có nghĩa là giải quyết cuộc tranh luận trong đảng Dân chủ mà ông Biden chưa chọn phe, rằng liệu ông có nên theo đuổi chính sách đối ngoại kiểu như “nhiệm kỳ 3” của ông Obama, nghĩa là thận trọng, sửa chữa quan hệ với các đồng minh và tránh nói về chiến tranh lạnh mới, hay theo đuổi con đường mới đối kháng hơn để thừa nhận một thực tế là cạnh tranh toàn cầu đã thay đổi trong 4 năm qua, bắt đầu từ Trung Quốc.

Ông Biden luôn cố gắng gạt bỏ ý tưởng rằng ông sẽ khôi phục các chính sách của ông Obama. “Đây không phải nhiệm kỳ 3 của Obama. Vì chúng ta đối mặt với một thế giới hoàn toàn khác so với thời của chính quyền Obama-Biden. Tổng thống Trump đã thay đổi bối cảnh. Đó là Mỹ trên hết, Mỹ một mình”, ông Biden nói trong chương trình NBC News hôm 24/11.

Ông Jake Sullivan, 43 tuổi, lựa chọn của ông Biden cho vị trí cố vấn an ninh quốc gia, trở thành hiện thân của tư duy mới mà tổng thống đắc cử nói đến. “Ông ấy là trí thức của thế hệ, có kinh nghiệm và khí chất để xử lý một trong những công việc khó nhất thế giới”, ông Biden nói. Ông nhấn mạnh rằng khi ở độ tuổi 30, ông Sullivan đã tiến hành các cuộc đàm phán để dẫn đến thoả thuận ngừng bắn ở Gaza năm 2012 và bắt đầu đàm phán bí mật với Iran để dẫn đến thoả thuận hạt nhân năm 2015.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.