Người chinh phục chín tầng địa ngục

Long Icon đang tìm đường đi ở hồ nước dưới đáy hang Địa Ngục, độ sâu 300m.
Long Icon đang tìm đường đi ở hồ nước dưới đáy hang Địa Ngục, độ sâu 300m.
TP - Nhiều người đặt chân lên đỉnh núi cao nhất Việt Nam, nhưng mấy ai đặt chân xuống những hang sâu nhất? Có một người rất thích xuống “vực sâu”, đó là Tạ Nam Long (biệt danh Long Icon).

Chi hàng nghìn đô tìm “cảm giác lạ”

Tạ Nam Long luôn khiến người khác bất ngờ. Trong khi nhiều người mơ ước đặt chân vào ngành Y thì Long lại từ bỏ tấm bằng đại học Y để mở công ty về công nghệ. Rồi đang yên đang lành, anh chàng sinh năm 1985 này lại bỏ “hàng đống” tiền đâm đầu vào thú chơi nguy hiểm: phượt hang sâu.

“Trước hôm đi, mẹ tặng tôi 1 tấm thiệp sinh nhật, tôi mang theo bên mình. Lúc ở đáy hang, tôi ngồi lấy ra đọc, mới nhận ra rằng, dù mình đã leo nhiều núi cao, xuống nhiều vực sâu, nhưng tất cả những thứ lớn lao đó đều không bằng tình cảm gia đình dành cho tôi”.

     Tạ Nam Long

 “Việt Nam có nhiều hang động nhưng hầu hết lại chỉ để người nước ngoài thám hiểm. Mình rất tò mò muốn được trải nghiệm cảm giác hít thở không khí, khám phá những bí ẩn dưới hang sâu như thế nào”. Long liên hệ với Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản Việt Nam xin thông tin, tài liệu. Thấy Long “máu me” một cách nghiêm túc, các chuyên gia còn cho anh gia nhập đoàn thám hiểm nước ngoài trong chuyến khám phá một số hang động ở miền Bắc. Sau chuyến đi cả tháng trời ấy, có thêm kinh nghiệm, Nam Long càng tự tin.


Ở Việt Nam, đây vẫn là trò lạ và nguy hiểm. Hang sâu bề ngang đã khó đi, hang sâu thẳng đứng càng là nỗi thách thức với bất cứ dân chơi mạo hiểm nào. Ở Việt Nam cũng chưa có hội nhóm thám hiểm hang động chuyên nghiệp. Trước mỗi chuyến đi, để “chắc ăn”, anh cũng luôn viết lại… mật khẩu tài khoản ngân hàng cho người nhà, phòng khi bất trắc không trở về.

Người chinh phục chín tầng địa ngục ảnh 1

Tạ Nam Long mò mẫm tìm đường dưới hồ nước đáy hang Địa Ngục.

Hang động là môi trường cực kỳ khắc nghiệt nên những đồ sử dụng để đi hang phải là đồ tốt, bền, chịu độ ẩm, chịu nước, chịu mài mòn, chịu va đập... Để phục vụ đam mê của mình, Nam Long chấp nhận chi gần 200 triệu mua các dụng cụ chuyên nghiệp gồm dây móc, đai leo núi chuyên dụng, đèn đeo trán, đèn siêu sáng chịu nước, thiết bị đo laser, máy ảnh và máy quay phim chịu nước, mũ bảo hộ, bộ đàm, găng tay… Tất cả thiết bị này đều được Long đặt mua từ nước ngoài theo tiêu chuẩn quốc tế.

Muốn chia sẻ và tìm thêm người cùng đam mê nên tháng 6/2014, Tạ Nam Long lập trang facebook Hội thám hiểm hang động Việt Nam. Đến nay có gần 2.000 thành viên tham gia, trong đó có cả nữ. Tuy nhiên, những người có khả năng đu dây hang sâu thì mới chỉ có 5 người và Long là trưởng nhóm.

Có kiến thức về y khoa nên trong các chuyến đi, Long Icon vừa là trưởng đoàn, vừa chịu trách nhiệm quay phim, chụp ảnh tư liệu hang động vừa kiêm luôn vai trò bác sỹ, chăm sóc sức khỏe và sơ cứu khi có người bị thương.

Người chinh phục chín tầng địa ngục ảnh 2

Long Icon trên một mỏm đá cheo leo, dưới là hồ nước - hang Tĩnh Gia, Thanh Hoá.

Thám hiểm hang động không phải là môn thể thao dành cho người nhút nhát, càng đòi hỏi người chơi phải có sức khỏe, sự dẻo dai. Đam mê và quyết tâm trở thành một trong những người thám hiểm hang động đầu tiên ở Việt Nam có kỹ năng và thiết bị hỗ trợ hiện đại không thua kém gì các chuyên gia nước ngoài, Nam Long nghiêm túc tập luyện hằng tuần. Đó là những chuyến bơi trên sông Hồng hàng chục km, đu dây xuống từ các cây cầu lớn và tòa nhà cao tầng… tất cả những buổi tập đó cho anh thêm tự tin để sẵn sàng tìm kiếm và chinh phục bất cứ hang sâu nào ở Việt Nam.


Chinh phục 9 tầng địa ngục

Hơn 1 năm gắn bó với thú chơi thám hiểm hang động, Nam Long đã chinh phục được hơn 20 hang ở miền Bắc, trong đó có hai hang sâu thuộc Top 10 của Việt Nam.

Chinh phục 9 tầng hang Địa Ngục là thành tích lớn nhất của Long và những người bạn của mình. Đúng như tên gọi, hang Địa Ngục là nỗi ám ảnh khủng khiếp của người dân vùng núi Đồng Văn (Hà Giang), cả về độ sâu thăm thẳm 300m hiểm hóc lẫn sự linh thiêng và tang tóc. Vào mùa mưa, hang là họng nước khổng lồ, sẵn sàng cuốn theo tất cả những ai mon men ở ngoài cửa hang xuống đáy hang sâu thẳm. Người dân địa phương chỉ dám canh tác và dựng nhà cách xa miệng hang vì sợ hãi, chưa có ai từng mạo hiểm vào hang.

Người chinh phục chín tầng địa ngục ảnh 3

Hành trang cá nhân của Long cho chuyến thám hiểm hang Cống Nước - hang sâu nhất Việt Nam.

Tháng 4/2015, Long lên kế hoạch xuống hang. Sau 2 lần thất bại vì không mang đủ dụng cụ, đến lần thứ 3, Long rủ thêm 4 người bạn của mình sắm đủ 100kg đồ nghề quyết chinh phục bằng được 9 tầng của Địa Ngục.

“Thú thật là ban đầu tôi cũng hơi run vì nhìn hang sâu quá, cả đời chưa từng thấy cái hang nào sâu như thế. Ném thử mấy hòn đá xuống thì thấy đá rơi, đập mãi, đập mãi vào thành hang, không xác định được điểm dừng”- Long kể lại.

Sợ nhưng cả nhóm vẫn quyết đi. Ẩn sâu dưới lòng đất là một thế giới xa lạ đầy bí ẩn, tối tăm. Các động vật trong hang động như rắn, rết, bọ cạp... thường ít khi tấn công con người, nhưng nếu vô tình quấy nhiễu chúng, chúng có thể tấn cống để tự vệ. Bởi vậy, Long luôn dặn đồng đội di chuyển nhẹ nhàng, tránh làm kinh động đến thế giới trong lòng hang.

Địa thế trong hang rất phức tạp, có những chỗ khô ráo nhưng có chỗ thì ẩm ướt và dốc đứng, có chỗ lại cheo leo bên mép vực, nhiều khe nứt mà nếu lọt chân xuống có thể bị gãy chân. Càng xuống những tầng sâu, ánh sáng càng yếu dần và nhiệt độ càng giảm. Nhiều mỏm đá ẩm ướt trơn trượt khiến không ít lần các thành viên trong nhóm thót tim.

Mỗi lần nghỉ chân, cả nhóm lại đốt lửa sưởi ấm nhưng vẫn rét run. Vừa lạnh, vừa đói vừa thiếu nước. Không có sóng điện thoại, thiếu ánh sáng, hang lại nhiều ngõ ngách nên mọi người bám sát nhau và bao giờ Nam Long cũng là người leo cuối cùng để kiểm tra dây cáp cho đồng đội.

Sau khi vượt qua 8 tầng hang Địa Ngục, tầng sâu nhất còn lại là hố nước sâu thẳm. Anh em kiệt sức đành ngồi lại trên bờ, đội trưởng Nam Long mặc áo phao lặn xuống hồ nước lạnh thấu xương để tìm đường. Hồ nước không có lối ra. Xác định đây đã là điểm cuối cuộc hành trình, 5 “người nhện” mới thở phào khui sâm panh ăn mừng.

Đu xuống đã vất vả, đu lên càng mệt gấp nhiều lần. Vừa phải bám dây, vừa phải kéo theo ba lô đồ và dây thừng nặng gần 20 kg, dây lại bị ngấm nước nên càng nặng. Leo được 1 mét, nhóm lại phải dừng nghỉ. Trong hang tối, chỉ có tiếng thở của 5 chàng trai và thi thoảng tiếng gió rít qua khe đá như tiếng khóc ai oán.

Cuối cùng, sau 36 tiếng ở dưới hang, chỉ ăn 1 bữa và hầu như không ngủ, Long và đồng đội đã chinh phục được 9 tầng Địa Ngục. Đứng cheo leo giữa vách đá dựng đứng, dưới chân là vực sâu thăm thẳm, có lẽ, bản thân Long cũng không ngờ cách đây hơn 1 năm, mình là người rất sợ độ cao.

Người chinh phục chín tầng địa ngục ảnh 4

Long Icon tập đu dây trên đỉnh đèo Mã Pì Lèng, Hà Giang.

Người chinh phục chín tầng địa ngục ảnh 5

Long Icon trong chuyến thám hiểm hang nước tuyệt đẹp ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa.

Chuyến thám hiểm hang lần này đúng vào thời điểm sinh nhật Long. Ngày sinh nhật không ở nhà thổi nến mà lại ngồi thu lu dưới đáy hang sâu khiến anh chàng không khỏi chạnh lòng. “Trước hôm đi, mẹ tặng tôi 1 tấm thiệp sinh nhật, tôi mang theo bên mình. Lúc ở đáy hang, tôi ngồi lấy ra đọc, mới nhận ra rằng, dù mình đã leo nhiều núi cao, xuống nhiều vực sâu, nhưng tất cả những thứ lớn lao đó đều không bằng tình cảm gia đình dành cho tôi”- Long xúc động chia sẻ.

Trở về từ cõi chết

“Hang thiêng thì khi thám hiểm ta sẽ phải bỏ lại một cái gì đó nhưng rất may là mình không bỏ mạng. Hè này, mình sẽ bắt đầu vận động trở lại bằng một số hang nước, cũng là vực lại tinh thần “chiến đấu” cho anh em trong Hội hang động, sau đó sẽ chinh phục tiếp những hang sâu và sâu nhất”- Nam Long cười chia sẻ.

Nếu như hang Sơn Đoòng ở Quảng Bình sâu theo chiều ngang thì hang Cống Nước ở Lai Châu là hang sâu nhất Việt Nam theo chiều thẳng đứng. Hang sâu hơn 600m, tối tăm và lạnh lẽo. Năm 2002, có 2 nhà khoa học nước ngoài đã phát hiện và chinh phục hang sâu này. Cho đến bây giờ, chưa có người Việt nào đặt chân được xuống đáy hang. Dựa vào bản đồ của 2 nhà thám hiểm để lại, đầu tháng 1/2016, Long quyết tâm lên đường chinh phục Cống Nước.

Nhóm đi lần này chỉ có 4 người với 200kg dụng cụ, đồ đạc mang theo xuống hang. Để chuẩn bị cho chuyến đi đầy thử thách này, cả nhóm đã luyện tập chăm chỉ suốt 6 tháng trời.

Cửa hang Cống Nước rất bé, chỉ một người chui lọt, nhưng càng đi vào sâu thì càng rộng. Cũng có lúc phải băng qua miệng hố 35 m rất nguy hiểm, chỉ cần sẩy chân là có thể rơi bất cứ lúc nào. Sau khi vượt qua dễ dàng những chặng đầu tiên, đến bước đu dây chinh phục một hố sâu 50m thì Long gặp sự cố. Một phần vì đồng đội đi trước quên đóng neo, phần vì mệt mỏi sau một ngày dài chạy ngược xuôi lo giấy phép vào hang nên Long bị tuột tay rơi bịch xuống từ độ cao 40m. 

Phải nằm một lúc Long mới tỉnh dần. Có kiến thức về y khoa nên Long tự đánh giá sơ bộ mình đã bị chấn thương cột sống, gãy kín xương đùi, nứt 2 gót chân, rách đầu chảy máu và trầy xước hai bàn tay do dây và đá. Đồng đội lấy băng, cầm máu, và cho Long uống thuốc giảm đau. Mệt mỏi, đau đớn, Long gần như bất tỉnh suốt 1 ngày dưới lòng hang, chờ đợi công an và cảnh sát PCCC tỉnh Lai Châu đến cứu hộ. Sau 2 ngày được buộc vào cáng kéo nhích từng bước, Long mới lên đến cửa hang.

Giữa cái lúc ranh giới sống chết mong manh, đội cứu hộ yêu cầu bỏ hết đồ đạc ở lại, chỉ cứu người lên, Long vẫn bình tĩnh đề nghị cứu đồ trước rồi cứu người vì còn… đi chuyến sau. Thấy Long quá tỉnh táo, mọi người càng nghĩ Long sắp “đi”.

Đến nay, đã hơn 3 tháng trở về sau vụ tai nạn, Nam Long đã bình phục sức khỏe và bắt đầu đi lại được. Người ta thấy anh rục rịch sắm thêm đồ đi hang. “Hang thiêng thì khi thám hiểm ta sẽ phải bỏ lại một cái gì đó nhưng rất may là mình không bỏ mạng. Hè này, mình sẽ bắt đầu vận động trở lại bằng một số hang nước, cũng là vực lại tinh thần “chiến đấu” cho anh em trong Hội hang động, sau đó sẽ chinh phục tiếp những hang sâu và sâu nhất”- Nam Long cười chia sẻ. Và tôi biết, chàng trai lỳ lợm này sẽ không từ bỏ ý định quay lại chinh phục hang Cống Nước một lần nữa.

MỚI - NÓNG