Trịnh Thị Vinh (Hà Nội)
Bệnh ung thư ảnh hưởng nhiều đến tình trạng dinh dưỡng. Ngay trong giai đoạn điều trị đa không ít bệnh nhân phải ngưng hoặc bỏ điều trị vì cơ thể quá kiệt sức hoặc không thể tiếp tục chịu đựng những tác dụng phụ của các biện pháp điều trị gây ra. Khi suy dinh dưỡng quá nặng sẽ giảm sức đề kháng, thể lực, chức năng tâm thần… Những bệnh nhân này ít đáp ứng tốt với hiệu quả điều trị, tuổi thọ ngắn hơn những bệnh nhân lạc quan và có chế độ dinh dưỡng tốt.
Sự thật là kể cả khi cơ thể bị suy dinh dưỡng thì các tế bào ung thư vẫn tiếp tục tăng sinh và phát triển. Đồng thời điều đó còn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh và là nguyên nhân chính gây tử vong ở bệnh nhân ung thư. Ngược lại, dinh dưỡng phù hợp không chỉ cung cấp đầy đủ năng lượng và các chất cần thiết như protein, glucose, lipid, các axít amin và chất khoáng… để duy trì và cải thiện tình trạng dinh dưỡng mà còn nâng đỡ chức năng miễn dịch của cơ thể và cải thiện chất lượng sống cho bệnh nhân. Họ nên có chế độ ăn đa dạng, ăn thành nhiều bữa trong ngày. Chọn thức ăn giàu năng lượng như: sữa, thịt nạc, cá biển, trứng, duy trì bữa ăn giàu vitamin và khoáng chất có trong rau xanh và trái cây. Uống đủ 2 lít nước/ngày. Chăm chỉ vận động (đi bộ), tránh nằm ủ rũ, mệt mỏi, chán nản để tránh stress và teo cơ. Người bệnh ung thư không nên ăn nhiều thức ăn chiên, xào; không sử dụng các chất kích thích, các thức ăn sinh hơi như bắp cải, dưa hấu, mít, những đồ uống có gas; tránh đồ ăn nhiều gia vị chua cay.
Theo B.S Lê Ngọc Quang