Ngư lôi Kaiten, biệt đội Thần phong dưới nước của phát xít Nhật

Lính Nhật đứng trên các quả ngư lôi Kaiten. Ảnh: Histoire.
Lính Nhật đứng trên các quả ngư lôi Kaiten. Ảnh: Histoire.
Ngoài biệt đội máy bay cảm tử Thần phong, quân đội phát xít Nhật còn sử dụng ngư lôi có người lái đánh chìm các tàu chiến của Mỹ và đồng minh.

Trong giai đoạn cuối Thế chiến 2, khi các hạm đội Mỹ đã khống chế Thái Bình Dương, những cuộc đụng độ giữa hải quân Mỹ và phát xít Nhật liên tục diễn ra với thắng lợi thuộc về người Mỹ đang chiếm ưu thế áp đảo về lực lượng.

Những thất bại liên tiếp đã buộc các lãnh đạo phát xít Nhật phải nghĩ đến những phương sách đối phó khác, trong đó có những cuộc tấn công tự sát để tái lập thế cân bằng, theo Air Defense.

Bên cạnh các phi đội máy bay thuộc biệt đội Thần phong (Kamikaze) nổi tiếng, quân đội Nhật còn đưa vào hoạt động một loại ngư lôi có người lái có tên Kaiten, nhằm bất ngờ tiếp cận và tấn công các tàu sân bay và tàu khu trục cỡ lớn của Mỹ ở khoảng cách gần.

Dự án sản xuất ngư lôi Kaiten được thông qua vào tháng 2/1944 và chiếc đầu tiên chính thức tham chiến vào ngày 20/11/1944. Kaiten được phát triển dựa trên mẫu ngư lôi uy lực Type-93, hay còn gọi là ngư lôi Trường thương từng gieo ác mộng cho các tàu chiến Mỹ thời điểm đầu Thế chiến 2.

Ngư lôi Kaiten được thiết kế giống tàu ngầm mini với một người điều khiển bên trong và được lắp đặt dưới bụng các "tàu ngầm mẹ" cỡ lớn. Kaiten có độ choán nước 3-20 tấn, phạm vi tấn công mục tiêu 3-80 km, khả năng lặn sâu 20-100 m.

Ngư lôi Kaiten, biệt đội Thần phong dưới nước của phát xít Nhật ảnh 1

Một quả ngư lôi có người lái Kaiten của phát xít Nhật. Ảnh: Navalwarfare.

Khi tác chiến, mỗi "tàu ngầm mẹ" của Nhật mang theo 2-6 ngư lôi Taiken sẽ tiếp cận mục tiêu ở khoảng cách gần nhất có thể. Đến thời điểm phù hợp, những ngư lôi này bất ngờ tách khỏi tàu mẹ để tấn công đối phương từ nhiều hướng.

Chiến thuật này đã tỏ ra rất hiệu quả vì hệ thống cảnh báo của các tàu chiến Mỹ và đồng minh không thể nhận biết chính xác số lượng các ngư lôi Kaiten tham gia tác chiến khi chúng chưa rời tàu mẹ, nên tỏ ra lúng túng trong triển khai tác chiến chống ngầm.

Hơn nữa, bị bất ngờ tấn công từ khoảng cách gần, các tàu chiến cỡ lớn gặp rất nhiều khó khăn để đối phó với đối phương sẵn sàng tự sát để lao ngư lôi vào mục tiêu theo kiểu các phi công của biệt đội Thần phong.

Theo các tài liệu của hải quân Mỹ, các binh sĩ Nhật lái ngư lôi Kaiten đại đa số đều là thanh niên có tuổi đời 18-20, luôn sẵn sàng chết để cứu đế quốc đang có nguy cơ sụp đổ.

Bên cạnh đó, các binh sĩ này đã được trải qua một giai đoạn huấn luyện kỹ càng và sát với hoàn cảnh thực chiến. Trong giai đoạn huấn luyện, các ngư lôi Kaiten được lắp thêm một khoang phụ không chứa thuốc nổ ở phía trước, giúp các thủy thủ thoải mái luyện tập lao ngư lôi vào các mục tiêu giả định.

Bất ngờ, linh hoạt và sẵn sàng tự sát, các nhóm ngư lôi Kaiten có sức chiến đấu đáng sợ, đã gây nhiều tổn thất cho hải quân Mỹ và đồng minh trên Thái Bình Dương. Vào tháng 11/1944, 8 ngư lôi Kaiten đánh đắm tàu chở dầu USS Mississinewa. Đến tháng 1/1945, một biên đội Kaiten đánh đắm một tàu đổ bộ của Mỹ. Tháng 7/1945, 7 chiếc Kaiten cùng một tàu ngầm khác đánh chìm tàu khu trục USS Underhill của hải quân Mỹ.

Sau thất bại của phe Trục năm 1945, loại ngư lôi có người lái Kaiten cũng chính thức lùi vào dĩ vãng cùng các loại vũ khí tự sát của hải quân phát xít Nhật.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG