Ngoại trưởng Mỹ sang châu Á họp nhóm 'Bộ tứ'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Biến đổi khí hậu, COVID-19 và tình hình địa - chính trị ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ là những ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự khi các bộ trưởng nhóm "Bộ tứ", gồm Mỹ, Ấn Độ, Úc và Nhật Bản, gặp nhau tại Melbourne ngày 11/2.
Ngoại trưởng Mỹ sang châu Á họp nhóm 'Bộ tứ' ảnh 1

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc gặp tại Melbourne ngày 10/2. (Ảnh: Reuters)

Các bộ trưởng cũng sẽ bàn về cuộc khủng hoảng giữa phương Tây với Nga vì Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vừa đến Úc dù Washington đang bận rộn trong cuộc đấu trí với Nga, khi Mátxcơva đang tập hợp khoảng 100.000 binh lính gần biên giới Ukraine khiến phương Tây lo ngại chiến tranh sắp xảy ra.

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn thể hiện với thế giới rằng trọng tâm chiến lược dài hạn của họ vẫn ở châu Á – Thái Bình Dương, và đợt khủng hoảng lần này ở Ukraine không khiến Washington xao nhãng khỏi những ưu tiên quan trọng nhất.

Phát biểu khi bắt đầu cuộc gặp song phương với ông Blinken, Ngoại trưởng Úc Marise Payne cho biết hai bên sẽ bàn về các vấn đề hợp tác ở Ấn Độ - Thái Bình Dương, biến đổi khí hậu và COVID-19, cũng như về Trung Quốc, Triều Tiên và Ukraine.

Anh nói rằng “khoảnh khắc nguy hiểm nhất” trong cuộc đối đầu giữa phương Tây với Mátxcơva có vẻ ở ngay trước mắt, khi Nga tiến hành tập trận ở Belarus và Biển Đen và tiếp tục duy trì lực lượng gần Ukraine.

Ngày 10/2, ông Blinken nói rằng "Washington đang làm việc 24/7 để giải quyết khủng hoảng Ukraine", nhưng tái khẳng định trọng tâm của Mỹ vẫn là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, khu vực mà ông nói là sẽ định hình thế kỷ 21. “Điều quan trọng là chúng tôi có mặt, chúng tôi tham gia, chúng tôi sẽ dẫn dắt trên khắp khu vực này”, Ngoại trưởng Mỹ nói.

Cả hai ngoại trưởng Blinken và Payne cho biết nội dung trung tâm trong cuộc gặp của "Bộ tứ" sẽ là tạo nên một môi trường khu vực không có sự “chèn ép”, một cách nói hàm ý nhắc đến những tham vọng kinh tế và quân sự của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Bà Payne cho biết hợp tác của "Bộ tứ" trong ứng phó với COVID-19 là nội dung quan trọng nhất, cùng với những vấn đề khác như an ninh mạng và an ninh trên biển, biến đối khí hậu, cứu trợ thiên tai, nhất là sau đợt phun trào núi lửa ở Tonga gần đây.

Phát biểu với báo chí khi đang trên chuyến bay đến Melbourne, ông Blinken nói rằng Bộ tứ là một “cơ chế mạnh” để phân phối vắc xin trên khắp thế giới, cũng như để chống lại “sự hung hăng và chèn ép” ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Các bộ trưởng sẽ thảo luận kỹ hơn về những mục tiêu này nhưng có thể không đưa ra cam kết mới nào, để chờ đến cuộc gặp thượng đỉnh của các lãnh đạo Bộ tứ ở Nhật Bản mà Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ sang dự.

Chuyến đi của ông Blinken diễn ra ít ngày sau khi Trung Quốc và Nga tuyên bố quan hệ đối tác chiến lược “không giới hạn”, nhằm phối hợp với nhau để tạo nên một trật tự thế giới mới dựa trên các giá trị khác với phương Tây.

Tháng 10 năm ngoái, ông Biden cho biết Mỹ sẽ tiến hành đối thoại về một khuôn khổ kinh tế mới ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chưa có thông tin cụ thể nào được đưa ra và chính quyền Mỹ cũng lưỡng lự trong việc cho phép các nước châu Á tiếp cận thị trường nhiều hơn vì lo ngại việc làm ở Mỹ bị đe doạ.

Những người chỉ trích cho rằng việc Mỹ thiếu tham gia về kinh tế là điểm yếu lớn nhất trong cách tiếp cận của Washington với khu vực, nơi Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của nhiều quốc gia Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG