Nghiện rượu, nhiều trai trẻ thành phế nhân 'nát' hết khớp xương

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Ngày càng nhiều thanh niên trong độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi bị hoại tử xương, phải thay khớp vì nghiện rượu, uống vô tội vạ.

Nam bệnh nhân L.Q. H (30 tuổi) ở Sầm Sơn- Thanh Hoá bị đau chân trái, đặc biệt là phần khớp háng trong thời gian dài, tuy nhiên vì còn trẻ nên bệnh nhân đã chủ quan không đi khámchuyên khoa mà mỗi lần đau quá thì ... dùng thuốc giảm đau là hết. Thời gian gần đây, cơn đau dày đặc và việc di chuyển đi lại khá khó khăn, đến lúc này bệnh nhân mới đến Bệnh viện Việt Đức thăm khám.

Qua thăm khám và khai thác bệnh sử của bệnh nhân, TS.BS Trần Hoàng Tùng- Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Chi dưới, Bệnh viện Việt Đức đã chỉ định bệnh nhân làm các chiếu chụp cận lâm sàng. Kết quả chụp cho thấy, bệnh nhân H. đã bị hoại tử chỏm xương đùi trái và phải phẫu thuật thay khớp háng toàn phần.

Một trường hợp khác là bệnh nhân P.V.T (34 tuổi) ở Hải Dương cũng đến Bệnh viện Việt Đức với tình trạng gần như bệnh nhân H. Anh T. cũng đã được chỉ định phải phẫu thuật thay khớp háng toàn phần.

Theo TS.BS Trần Hoàng Tùng, điều đáng lưu ý là cả hai trường hợp này khi khai thác bệnh sử đều cho biết do hành nghề tự do và là nhân công xây dựng nên có tiền sử thường xuyên sử dụng rượu, đặc biệt là rượu trắng tự nấu.

Chia sẻ thông tin với chúng tôi, TS.BS Tùng cho hay, theo các thống kê từ trên 10 năm trước, hoại tử chỏm xương đùi, thoái hóa khớp háng hay gặp ở độ tuổi trên 60 tuổi, thậm chí là trên 70 tuổi, nhưng gần đây đáng báo động là số lượng người bệnh phải mổ thay một hoặc hai bên khớp háng lại tập trung lớn ở độ tuổi lao động dưới 60 tuổi.

Tuy nhiên, đáng cảnh báo hơn cả theo BS Tùng là trong nhóm người bệnh trẻ tuổi này khi được hỏi có uống rượu thường xuyên hàng tuần hoặc hàng ngày không thì có tới 99,84% số trường hợp trả lời là có. Tỷ lệ uống rượu này thấp hơn ở nhóm người bệnh trung niên (41-60 tuổi) là 72,11%. Càng bất ngờ hơn nữa là có tới 61 trường hợp (4,79%) buộc phải thay khớp háng ở độ tuổi thanh niên (18-30 tuổi) có liên quan đến uống rượu.

Trong số những người bệnh phải thay khớp háng có uống rượu thường xuyên thì có tới 84,27% số người bệnh bị hoại tử chỏm xương đùi cả hai bên chân. Loại rượu hay uống là rượu trắng tự nấu, rượu ngâm các loại hoa quả, củ, rễ... Việc cai rượu rất khó khăn, nhiều bệnh nhân ngay từ những ngày đầu sau mổ thay khớp háng xuất hiện loạn thần, rối loạn tâm thần do ngừng uống rượu, ảnh hưởng lớn đến kết quả điều trị.

MỚI - NÓNG