Nghệ sĩ không chăm chăm đợi hỗ trợ

0:00 / 0:00
0:00
NSƯT Xuân Bắc tranh thủ thực hiện loạt sản phẩm đưa lên mạng xã hội
NSƯT Xuân Bắc tranh thủ thực hiện loạt sản phẩm đưa lên mạng xã hội
TP - Chính sách hỗ trợ nghệ sĩ vẫn là nút thắt trong bối cảnh hiện nay. Điều quan trọng hơn, nghệ sĩ còn phải đương đầu với nhiều cái khó, thử thách, chứ không thể chỉ chăm chăm đợi hỗ trợ.

Làm rõ quy trình

Câu chuyện diễn viên, họa sĩ, đạo diễn giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV nhận hỗ trợ được nêu từ hơn một tháng nay, nhưng chưa thể đi vào cuộc sống, dù các nhà hát đã lập danh sách gửi lên Sở quản lý văn hóa theo hướng dẫn. Mới đây, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) ban hành quyết định về việc công bố thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực Nghệ thuật biểu diễn thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ. Đây là thủ tục hành chính hỗ trợ viên chức hoạt động nghệ thuật gặp khó khăn do đại dịch.

Trình tự thực hiện thủ tục này gồm đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật (bao gồm cả đơn vị trực thuộc cơ quan trung ương) lập danh sách viên chức hoạt động nghệ thuật bảo đảm điều kiện theo quy định tại Điều 28 Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ gửi Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở VHTTTTDL nơi đặt trụ sở chính. Thời hạn tiếp nhận hồ sơ chậm nhất đến hết 31/1/2022.

Nghệ sĩ không chăm chăm đợi hỗ trợ ảnh 1

Diễn viên xiếc thuộc lĩnh vực khó khăn, dễ chảy máu tài năng nhất Ảnh: KỲ SƠN

Thời hạn giải quyết ba ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách theo đề nghị của đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật, cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh tổng hợp, thẩm định, trình UBND cấp tỉnh. Trong hai ngày làm việc kể từ ngày nhận được danh sách của cơ quan chuyên môn về văn hóa cấp tỉnh, UBND cấp tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời chỉ đạo thực hiện hỗ trợ. “Trường hợp không phê duyệt, UBND cấp tỉnh thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do”, văn bản của Bộ nêu.

Cũng theo quyết định của Bộ, kết quả của việc thực hiện thủ tục hành chính phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ với mức hỗ trợ 3.710.000 đồng/người; trả một lần cho người lao động. Đối tượng gồm đạo diễn nghệ thuật, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV; làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập có chức năng biểu diễn nghệ thuật (không bao gồm các đơn vị nghệ thuật lực lượng vũ trang) phải tạm dừng hoạt động 15 ngày trở lên trong thời gian từ 1/5/2021 đến hết 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19.

Vùng vẫy trong cái khó

Mức hỗ trợ diễn viên, đạo diễn, họa sĩ thuộc đối tượng chức danh nghề nghiệp hạng IV thực tế mang tính chất động viên, khích lệ tinh thần là chính. Chưa đầy bốn triệu đồng chia đều cho 6-7 tháng, mỗi tháng chưa đầy 600 ngàn đồng, nhưng với họ có giá trị tinh thần không nhỏ.

Liên đoàn Xiếc (LĐX) Việt Nam là một trong những đơn vị có nhiều diễn viên trẻ ở diện hợp đồng, thu nhập bấp bênh, nguy cơ bỏ nghề rất lớn. “Dịch bệnh thế này không thể biểu diễn, nhưng chúng tôi hằng ngày vẫn phải có mặt để giữ nhịp cho các em. Không thể dùng kinh tế để níu chân diễn viên trẻ, bởi không biểu diễn bán vé, diễn viên không có thu nhập. Chỉ còn cách khơi dậy đam mê nghề nghiệp của họ, bao năm khổ luyện học hành giờ mà bỏ đi thì quá lãng phí. Thực tế chỉ còn những người thực sự yêu nghề mới tự nguyện bám trụ, không bị các công ty sự kiện dòm ngó, lôi kéo và cũng chưa bỏ đi mưu sinh”, NSND Tống Toàn Thắng, Phó Giám đốc LĐX Việt Nam cho hay.

Từ khi dịch COVID-19 bùng nổ, LĐX Việt Nam phải tính tới các phương án giữ chân diễn viên trẻ. Nhà kho của LĐX được trưng dụng thành hai phòng ở cho hơn 20 diễn viên trẻ, đỡ đần chi phí thuê nhà. Nghệ sĩ đùm bọc lẫn nhau, lá rách ít đùm lá rách nhiều. “Một số diễn viên trẻ về quê nương tựa gia đình, số còn lại bị kẹt ở thành phố. Công đoàn mua gạo, kêu gọi thành viên ai có gì hỗ trợ cái đó, tương trợ lẫn nhau trong lúc diễn viên “bị chặt chân chặt tay” vì dịch bệnh”, NSND Tống Toàn Thắng nói. Diễn viên xiếc vẫn phải tự tập luyện tại chỗ, vì thế diễn viên trẻ được sắp xếp ở ngay trong khuôn viên LĐX vẫn đánh du kích, chia giờ ra đủ để hai diễn viên ôn luyện giữa rạp xiếc mênh mông.

Nghệ sĩ ở các nhà hát đều tự xoay trong hoàn cảnh riêng. NSƯT Trịnh Mai Nguyên nói, dịch bệnh kéo dài và anh không ngơi nghỉ. Nhà hát Kịch Việt Nam của anh cũng trong chế độ “trực chiến” để tham gia các chương trình nghệ thuật do Bộ VHTTDL chủ trì, hoặc lựa chọn và thẩm định kịch bản cho kế hoạch dài hơi hơn.

NSƯT Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam không chịu bó tay. Ngay khi dịch bùng phát trở lại, anh cùng nhóm nghệ sĩ của nhà hát thực hiện loạt sản phẩm đưa lên mạng xã hội- làm điều mà anh luôn tâm niệm, đó là trách nhiệm của nghệ sĩ đối với xã hội, vừa là dịp làm mới mình, quảng bá cho diễn viên, nghệ sĩ trẻ.

Xoay đủ cách

PGS.TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL nhận định: Không riêng nghệ sĩ mà ngành du lịch, thể thao do Bộ quản lý cũng chung khó khăn với cả nước. Trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, Bộ chủ trương hỗ trợ kinh phí cho các nhà hát thực hiện quảng bá chương trình trên truyền hình, cả thảy 24 chương trình sẽ được ghi hình, phát sóng. Bên cạnh đó, Bộ khuyến khích các nghệ sĩ tham gia các chương trình phát trực tuyến dịp cuối tuần, vừa góp tiếng nói đồng lòng phòng, chống dịch bệnh. Bộ cân nhắc với tùy loại hình, liên hoan nghệ thuật nào phù hợp Bộ sẽ tổ chức trực tuyến.

“Bộ cũng nắm được thực tế khó khăn của nghệ sĩ, nhiều anh em phải chuyển qua bán hàng, làm đồ ăn, chạy xe ôm. Bộ triển khai gần hết các giải pháp có thể hỗ trợ nghệ thuật, vùng vẫy trong khả năng rồi”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nói.

MỚI - NÓNG