Nghề leo dừa

Mỗi người một số phận, nhưng khi chúng tôi hỏi lý do chọn nghề leo dừa họ đều có câu trả lời giống nhau: muốn tự do, không gò bó thời gian, là việc bán sức lao động nên chỉ cần chăm chỉ là đủ sống.

Nghề tiếp nước cộng đồng

"Nghề hái dừa" bắt đầu từ tháng 4 đến hết tháng 7 âm lịch. Sau khi toàn bộ những vườn dừa ở Núi Thành (Quảng Nam) đã được thu hoạch gọn ghẽ, từng tốp khoảng 7-8 người sẽ tỏa ra các địa phương khác tiếp tục công việc hái dừa thuê.

Theo chân một nhóm hái dừa thuê do anh Phạm Viết Bảo (thôn Vân Thạnh, xã Tam Hiệp, H. Núi Thành) làm trưởng nhóm, chúng tôi về Bắc Trà My, một huyện có diện tích trồng dừa khá lớn ở Quảng Nam.

Trên những chiếc xe máy sứt mang, đui đèn được gắn sau yên hai rọ sắt... từng tốp người tỏa ra khắp các nẻo đường để thực hiện những hợp đồng đã được hẹn với chủ các vựa dừa.

Trưa Trà My bỏng rát như thử thách sự nhẫn nại của lòng người. Nhưng đúng thời điểm này, những người hái dừa vào cuộc. Theo anh Bảo, hái dừa cứ tưởng biết leo trèo là đủ, song có theo nghề mới biết bao nhiêu mối hiểm nguy rình rập: rắn, rết, ong, kiến...

Nhưng với anh Bảo lại khác, một người có hơn 15 năm trời leo dừa như anh, khi đứng trước một cây dừa không hề gợn lên một chút đắn đo và ủy mị. Nhổ toẹt bãi nước miếng xuống đất, đôi tay, đôi chân anh kết hợp bám vào thân dừa nhanh thoăn thoắt cho tới khi lên đến ngọn.

Cây dừa cao gần 12 sải tay người lớn được anh Bảo "chinh phục" chưa đầy 30 giây. Trên cao, anh thuần thục xoay xở chiếc rựa rọc lá, đạp bẹ, xơ bẹ dừa vừa để cho cây thông thoáng mau ra hoa, vừa khiến cho chuột, rắn không có nơi làm tổ, sau đó anh mới chặt từng chùm dừa, buộc vào dây rồi thả xuống... Cây dừa được anh Bảo xử lý gọn ghẽ chỉ chưa đầy 30 phút.

Nghề leo dừa ảnh 1 Những chiếc xe tự chế phải chở trên mình từ  60 đến 70 trái dừa.

"Nghề leo dừa đòi hỏi một người thợ phải có sức khỏe tốt. Với bộ dụng cụ hành nghề đơn giản gồm đoạn dây thừng dài 30 đến 40m, cây rựa sắc lẹm và búa chặt dừa, mỗi ngày, một người thợ có thể chinh phục 20 cây dừa cao đến 12 sải tay người lớn.

Công việc bán sức lao động nên chỉ cần chăm chỉ thì một người thợ có thể kiếm từ 200 đến 300 ngàn đồng/ ngày, đủ trang trải cuộc sống", anh Bảo chia sẻ.

Lượng dừa hái xong được tiểu thương thu mua tận nơi sau đó vận chuyển ra Đà Nẵng, Huế và Quảng Trị. Anh Nguyễn Văn Chánh (45 tuổi, quê Núi Thành) có hơn 22 năm leo dừa nói vui: "Công việc tụi tôi đang làm là "tiếp nước cộng đồng". Nước dừa không chỉ giải khát, nấu món mà còn chữa bệnh, nên gọi thế cũng không ngoa".

Nghề leo dừa ảnh 2 Vật dụng không thể thiếu khi hái dừa.

Những nguy hiểm rình rập

Miếng cơm manh áo buộc những người đàn ông leo dừa phải chấp nhận nguy hiểm. Nhìn bàn tay, bàn chân, thân mình những người hái dừa thuê chi chít những sẹo, chúng tôi có thể mường tượng những nguy hiểm mà một người thợ hái dừa phải đối mặt.

Theo anh Bảo, những người bước chân vào nghề hái dừa thuê chẳng có ai dạy, phải trải qua tai nạn thì mới trưởng thành, nên ai cũng đều có ít nhiều vết sẹo làm kỷ niệm. Nhẹ thì bị ong kiến đốt, rựa chặt vào chân. Nặng thì rắn cắn, trượt chân, lỡ ngã xuống từ độ cao 20 m không chết thì cũng tàn phế.

Đối với những người yếu bóng vía, đôi khi gặp tai nạn nhẹ cũng thành nặng. Trèo lên thân dừa mà gặp phải tổ ong, kiến độc cắn thì phải cắn răng chịu đựng, lỡ giật mình mà buông tay một cái thì... Nỗi hãi hùng nhất của những người hái dừa chính là rắn, mà rắn sống trên thân dừa là loại cực độc. Người dù có tinh thần thép gặp rắn cũng phải giật mình, bị nó cắn mà sợ quá buông tay thì chết, còn tụt xuống đất được rồi mà cấp cứu lâu cũng chết.

Dù những người trèo dừa đã rất có ý thức làm sạch xơ bẹ mỗi cây dừa mà mình hái để tránh rắn rít lên làm tổ, nhưng khả năng ra hoa và tạo xơ bẹ của cây dừa rất nhanh cho nên nếu người hái trước đã làm vệ sinh cây dừa cách vài tháng thì những người leo dừa sau cũng đành dựa vào may rủi.

Nghề leo dừa ảnh 3 Công việc đòi hỏi chính xác, một sơ suất nhỏ có thể nguy hiểm
đến tính mạng.

Anh Bảo gặp rắn đã nhiều, nhưng may mắn là toàn bị vồ hụt, còn bị ong kiến đốt, mình mẩy sưng vù mấy ngày là chuyện rất hay xảy ra. Anh tâm sự: "Leo dừa giữa trời nắng chang chang thì cũng còn là cái sướng, đi leo dừa mà gặp phải trời mưa, thân cây trơn tuột mới thật là hãi". Cây dừa vốn tròn, lại gặp mưa ướt thì trơn như cột mỡ, lèo lên cây dừa dù cố bám rịt vào thân rồi cũng rất dễ bị tuột chân. Xui nhất là khi bám vào bẹ mục, đã không có chỗ dặt chân rồi mà níu phải bẹ mục là... phi thân xuống đất.

Trường hợp của anh Trần Long (quê Núi Thành), một tay leo dừa kỳ cựu từng chung nhóm với anh Bảo là một trường hợp thương tâm. Dù leo dừa đã hơn 10 năm nhưng do bất cẩn níu phải cái bẹ mục nên ngã chấn thương đốt sống. Từ một trụ cột gia đình anh Long lại trở thành một gánh nặng với cuộc sống bán thân bất toại.

Hơn một thập kỷ làm nghề "ngồi trên ngọn cây dừa", anh Bảo đã trải đủ vui buồn. Nghề không phụ anh, nuôi sống anh và cả gia đình. Song từng chứng kiến nhiều người quen biết, cả thân lẫn không thân người thì chết, người thì tàn phế vì nghề, anh nhận thấy mình không còn đủ sức trẻ và gan lì để theo đuổi cái nghề có thể chết bất đắc kỳ tử này nữa. Anh tâm sự: "Giờ sức khỏe mình đã yếu, lại sắp có cháu nội, sắp tới có lẽ mình sẽ tìm một công việc khác an toàn hơn".

Anh Bảo là một số phận đã trải qua sinh tử với nghề leo dừa, hết mùa dừa năm nay, có thể anh sẽ dừng lại, như cây dừa đến lúc ngừng ra hoa, ra trái. Nhưng sang năm và năm kia nữa, dừa lại ra trái và lại có thêm hàng trăm người trẻ tham gia vào cuộc mưu sinh đầy rủi ro này. Họ sẽ thành những người trụ cột vững chãi của gia đình hay một ngày nào đó với chỉ một cú sẩy chân trở thành một nỗi đau của xã hội... Điều gì cũng có thể.

Theo Hữu Long
Theo Công an Nhân dân
MỚI - NÓNG