Cô gái leo dừa mướn đậu hai trường đại học

Cô gái leo dừa mướn đậu hai trường đại học
TP - Trương Ngọc Lan Phương 18 tuổi ở ấp Hòa An, xã Hòa Lộc (Tam Bình, Vĩnh Long), con út trong gia đình 10 anh em, có nhiều người mang trọng bệnh. Từ nhỏ, Lan Phương phải leo dừa mướn kiếm tiền ăn học, nay vừa đậu hai trường đại học, một trường cao đẳng.

> Chăm mẹ, nuôi em vẫn đỗ hai trường đại học

Lan Phương leo dừa mướn. Ảnh: Tùng Huyên
Lan Phương leo dừa mướn. Ảnh: Tùng Huyên.

Gia đình nhiều trọng bệnh

Cha của Phương bị bệnh “viêm nang lông” suốt ngày ngồi gãi, gãi đến sói tóc, rụng lông mày, không làm được việc gì, mỗi tuần phải tốn tiền thuốc mấy trăm nghìn đồng.

Mẹ của em bị thoái hóa khớp, đau nhức kinh niên, không có thuốc là không chịu được. Hai anh trai, một người sụp xương hàm trên chưa có tiền ghép lại, một người bị viêm gan siêu vi, mỗi tháng tiền thuốc tốn hàng triệu đồng.

Gia đình thiếu thốn trong từng bữa ăn, để dành tiền lo thuốc men trị bệnh. Cuộc sống từ nhỏ của Phương đã muôn vàn khó khăn. Hằng ngày, ngoài giờ đến trường, Phương đi làm thuê, ai mướn gì làm nấy.

Cuối năm, Lan Phương thường đội dưa hấu, một tấn được 100.000 đồng. Cách đây 5 năm, Lan Phương chọn được nghề leo bẻ dừa mướn.

 Nhiều lúc nhìn quầy dừa ở trên cao mười mấy mét là em rùng mình, ngán lắm nhưng cơm áo và tiền trọ học thúc bách không thể dừng .

Nhà cách trường 15 km, Phương phải ở trọ và toàn bộ tiền trọ học hằng tháng, tiền ăn, tiền sách vở, từ lớp 8 đến lớp 12, là tiền leo dừa mướn.

Ngày thường đã leo dừa mướn, nhưng đặc biệt chiều thứ bảy, chủ nhật, ngày lễ cũng như nghỉ hè, Phương thường phải leo dừa cật lực.

Leo bẻ dừa, cứ 10 trái được trả 10.000 – 20.000 đồng, tùy khi giá dừa thấp hay cao. Mỗi ngày, Phương bẻ được 50 – 100 trái.

Không chỉ bẻ trái, còn làm vệ sinh cây dừa, tức là chặt bỏ hết những bẹ khô, buồng hỏng và dọn sạch xơ dừa cho cây thêm trĩu quả.

Giữ an toàn khi leo đã khó nhưng lúc đem từng buồng dừa xuống còn khó hơn, sơ sẩy buồng dừa nặng kéo theo người té như chơi.

“Nhưng sợ nhất là ong đốt”, Lan Phương kể “ong hay làm tổ trên cây dừa, thường leo lên tới nơi mới biết. Năm lớp 11, sau khi bẻ dừa, em bị ong đốt mặt mày sưng húp, đi học không dám nhìn bạn bè. Thầy hiệu phó phát hiện được, gọi lên hỏi và động viên”.

“Nhiều lúc nhìn quầy dừa ở trên cao mười mấy mét là em rùng mình, ngán lắm nhưng cơm áo và tiền trọ học thúc bách không thể dừng”, Lan Phương tâm sự.

Tiền kiếm được, em tiêu pha dè sẻn, cố để dành mua thuốc cho cha mẹ. Cha mẹ Phương kể, mỗi lần cầm vỉ thuốc bằng mồ hôi nước mắt của con gái là lại khóc.

Cũng nhiều lần từ nơi trọ học về nhà, không có tiền mua thuốc, Lan Phương chỉ biết xoa dầu cho mẹ, nằm bên bóp chân mẹ cho máu chạy đều, bớt đau nhức.

Học giỏi và hy vọng

Từ lớp 1 đến lớp 12, Lan Phương đều là học sinh giỏi. Năm học lớp 12 ở trường THPT Trần Đại Nghĩa (Tam Bình, Vĩnh Long), Lan Phương dự thi môn sinh, giải toán trên máy tính Casio đoạt giải 3, và được đi thi cấp quốc gia.

Thấm thoắt năm học lớp 12 trôi qua, thi tốt nghiệp Phương được 52 điểm, trong niềm vui của cô thầy cũng như bạn bè.

Phương xin cha mẹ lên TP Hồ Chí Minh thi đại học với mấy đồng tiền vay mượn, cha mẹ động viên con đi mà nước mắt lưng tròng, thương con thân gái xa nhà.

Trong thời gian chờ kết quả thi, Phương đi xin việc làm thêm để trả nợ. Phương đã đậu hai trường đại học ở TP Hồ Chí Minh là trường Đại học Khoa học Tự nhiên với 16,5 điểm, Đại học Nông Lâm với 21 điểm; ngoài ra còn đậu trường Cao đẳng Công Thương TP HCM với 23 điểm.

Lan Phương chọn ngành khoa học môi trường của trường Đại học Tự nhiên TP Hồ Chí Minh. Con đường trước mắt đầy gập ghềnh, trắc trở với cô học trò nghèo hiếu học này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG