Mưu sinh nơi bãi rác
Để tìm hiểu về nghề nhặt rác, tôi đã tìm về Khu Liên hợp Chứa và Xử lý chất thải Nam Sơn, thuộc địa bàn 3 xã Hồng Kỳ, Nam Sơn, Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội). Sẽ dễ dàng nhận ra nơi cư ngụ của bãi rác lớn nhất Hà Nội bởi trong gió có mùi hôi của rác thải. Những chiếc xe tải lớn, màu xanh nối đuôi nhau đi về phía bãi rác.
Đến xã Bắc Sơn, nơi có nhiều hộ dân mưu sinh bằng nghề bới rác. Tại đây tôi vào nhà anh Nguyễn Văn Hoàng, một người kiếm sống bằng nghề bới rác lâu năm. Ngôi nhà nhỏ của anh chứa đầy những chiếc túi nilon, những chiếc lốp xe hỏng, chai lọ...
Uống xong chén nước, anh Hoàng vui vẻ chia sẻ công việc của mình: “Trước tôi xuất khẩu lao động sang Thái Lan làm công nhân được 4 năm, nhưng công việc không ổn định về lại còn thua lỗ nên tôi lại về quê tiếp tục công việc bới rác. Mỗi tháng tôi nhặt rác 25 đêm, thu nhập mỗi đêm nhiều thì được hơn trăm, ít thì tám chín chục, bình quân thu nhập thì tháng cũng được đôi ba triệu, nhưng vất vả lắm”.
Qua tìm hiểu những người dân đi bới rác, điều mà họ luôn bức xúc là bị những chủ lán bắt đóng nộp tiền hằng đêm khi đi vào nhặt rác. “Ở đây nhặt rác cũng phải đóng tiền chú ạ. Dân khổ lắm! Hằng đêm thức trắng bới rác, kiếm được bao nhiêu đâu mà vẫn bị thu tiền, cứ vào là nộp tiền, không biết nhặt được gì hay không”, anh Nguyễn Văn Long, người đi nhặt rác đêm tâm sự.
Nửa đêm, khi mọi người đang trong giấc ngủ, tôi với anh Hoàng bắt đầu công việc của mình. 2h sáng bãi rác mới mở cửa nhưng 1h30 tôi và anh Hoàng đã có mặt ở trước cổng bãi rác. Anh Hoàng bảo phải đến sớm để tranh chỗ, không người khác nhặt hết mất. Ở đây, ngoài chúng tôi có khoảng một nghìn người nhặt rác khác cũng đang chờ để vào bới rác. Dưới cơn mưa phùn, mọi người nói chuyện với nhau rôm rả.
Đúng 2h sáng, cổng bãi rác mở cửa, cảnh tượng lúc đó như ong vỡ tổ, hàng nghìn người ùa vào. Ai cũng muốn đến bãi rác trước để kiếm được chỗ có nhiều rác nhất.
Lần đầu tiên vào bãi rác, mùi hôi thối từ những đống rác thải bốc lên khiến tôi cảm thấy bị đau đầu và buồn nôn. Công việc của tôi với chiếc móc bằng sắt, chiếc đèn đeo trên đầu và bới từng bãi rác để gom ve chai, túi bóng, giấy lộn,… Hơi nóng từ bãi rác bốc lên khiến tôi nóng rát hết cả chân.
Nhìn quanh bãi rác, hàng ngàn con người có cả những người lớn tuổi, và những cậu bé theo cha mẹ đi nhặt rác. Trong đêm tối, với chiếc đèn trên đầu, nhìn họ như những con đom đóm nhỏ, miệt mài bới rác mưu sinh.
Người nhặt rác vẫn bị trấn lột
Vừa nhặt rác, tôi lân la bắt chuyện những người làm xung quanh về phí đóng bãi rác, mọi người đều thở dài. “Hiện tại phí nhặt rác mỗi đêm là 10 nghìn, trừ các ngày nghỉ mỗi tháng đóng 250 nghìn đồng/1 người nhặt. Nghỉ vẫn phải nộp tiền, nhà tôi có thêm chồng và đứa con lớn đi nhặt rác nữa, mỗi tháng phải nộp 750 nghìn đồng tiền phí nhặt rác cho chủ lán”, chị Trần Thị Huyền, một người nhặt rác đêm cho biết.
“Vậy chủ lán là ai mà bắt mọi người nộp tiền?”. Tôi hỏi. “Thì họ là những người đi làm rác, nhiều người từng tù tội, họ là dân xã hội có mối quan hệ và có tiền lập nhóm lại với nhau, phân chia các lán theo khu vực nhặt rác. Thế nên muốn vào nhặt rác phải thông qua họ. Trước thì họ cho vào nhặt nhưng phải bán lại hàng với giá rẻ hơn, bây giờ muốn mang về thì phải nộp tiền. Biết là bị bóc lột đồng tiền mồ hôi nước mắt nhưng phải nhịn vì còn có chỗ mà làm kiếm cơm”, chị Huyền cho biết thêm.
Một người nhặt rác vui mừng khi tìm được con gà chết lẫn trong rác, đây sẽ là món ăn “bổ dưỡng” sau đêm lao động vất vả
So với những người đi bới rác ở đây, chị Huyền được xem là may mắn vì được đóng phí hằng tháng. Chị được bới rác ở những “đầu cày” (chỗ rác được máy xúc dồn lại thành từng dải dài). Nhiều người muốn đóng nhưng các chủ lán không muốn nhận nhiều, mỗi chủ chỉ nhận khoảng 10 người.
Anh Hoàng người đã ướt đẫm mồ hôi, thở dài cho biết: “Đóng phí là mất tiền nhưng còn đỡ, còn anh xin đóng phí mãi mà chủ lán không nhận nữa vì đủ người rồi. Túi bóng lẫn trong rác thì nhiều chứ ve chai thì chả được mấy. Thường mỗi đêm bình quân mỗi người như anh phải nhặt cho chủ lán khoảng 100 đến 150kg túi bóng ướt, với giá hiện nay 1.300 đồng/1kg. Tính ra mỗi tháng tiền phí để nhặt rác là 3 đến 4 triệu đồng rồi”.
“Ở bãi rác này xác chó, mèo được người bới rác thích nhất. Con nào còn tươi tươi tý là về rửa xà bông sạch rồi thui lên làm thịt cả nhóm làm cùng đánh chén, mèo thì còn lấy cả xương nấu cao. Cách đây 6 hôm, mấy người bọn anh nhặt được con chó becgie nặng gần 50kg, về làm thịt nấu đủ các món ăn mãi mới hết”.
Anh Nguyễn văn hoàng
Trong lúc mọi người đang bới rác, thi thoảng có một vài người làm việc cho các chủ lán đến giám sát, xem chúng tôi có tích cực nhặt túi bóng cho chủ lán không.
Anh Trần Văn Chiến, một người nhặt rác đêm cho biết: “Trước thì bọn anh cũng thi thoảng nhặt trộm những túi bóng cho vào tải của mình, nhưng bọn người của chủ lán nó độc ác lắm, nếu nó kiểm tra mà phát hiện ra thì băng vệ sinh phụ nữ, bỉm,… ở bãi rác họ nhặt ném thẳng vào mặt, hay đấm đá chảy cả máu mũi, máu mồm nên không ai dám nữa”.
Theo thông tin từ những người nhặt rác ở đây cho biết, Bãi rác Nam Sơn có khoảng một nghìn người nhặt rác trong đó chủ yếu là người dân xã Bắc Sơn và có khoảng gần hai mươi chủ lán với hàng trăm đàn em chia nhau quản lý số người vào nhặt rác. Nếu tính khoản phí hàng tháng mà khoảng 1.000 người bới rác cống nạp, các chủ lán đã thu bất hợp pháp hàng tỷ đồng mỗi tháng.
“Một cổ hai tròng”
Cuối năm 2012, đánh hơi thấy Bãi rác Nam Sơn là “miếng mồi” béo bở, một nhóm dân giang hồ do Nguyễn Văn Đại cầm đầu cùng với đàn em thân thiết là Nguyễn Văn Hưng (SN 1987, ở xã Hồng Kỳ) tìm đến Bãi rác Nam Sơn, nói với Nguyễn Mạnh Tùng (SN 1973, ở xã Hồng Kỳ) là Đội trưởng Đội bảo vệ bãi rác Nam Sơn để Tùng sắp xếp cho việc mở một lán thu mua phế liệu trong bãi rác.
Bị Tùng từ chối, Đại sai Hưng gọi hàng chục tên đàn em đến bãi rác quậy phá. Chúng tự ý mở cổng để cho người dân tràn vào bới rác trước giờ quy định. Đại tuyên bố, nếu muốn tiếp tục được làm chủ lán thì mỗi tháng phải cắt phế cho hắn 2,2 triệu đồng, thống nhất nộp 2 tháng một lần. Những chủ lán cũ đồng ý nộp tiền để tiếp tục làm ăn.
Những người dân nghèo bới rác còm cõi hàng đêm để mưu sinh lại phải cống nạp cho những kẻ giang hồ để được nhặt rác. Một cổ hai tròng “trấn lột” tiền, lưng người nhặt rác thêm còng xuống.
Công an huyện Sóc Sơn đã vào cuộc chặn đứng hành vi cưỡng đoạt tài sản của những đối tượng giang hồ. Ngày 14/12/2012, cơ quan công an đã bắt tạm giam các đối tượng tham gia đe dọa và cưỡng đoạt tài sản của người dân.
Những kẻ giang hồ đã bị bắt, nhưng các chủ lán vẫn không bị trừng phạt, họ vẫn ngang nhiên tiếp tục tự đặt ra những khoản phí bảo kê để thu đồng tiền mồ hôi nước mắt của những người lao động cùng cực.
6h sáng, thời gian bãi rác mở cửa cho dân vào nhặt rác đã hết, họ vội vã cho những thứ ve chai mình nhặt được vào tải để ra về. Lúc này, những chủ lán mới cho những chiếc xe kéo ba gác của mình ra bãi, để thu gom túi bóng mà những người nhặt rác bới được trong đêm.
Hàng nghìn chiếc xe máy cà tàng vứt ngổn ngang trong bãi rác không có người trông giữ cũng bị các chủ lán thu phí 2.000 đồng/1 xe. Nhìn những khuôn mặt gầy tọp, đôi mắt hốc hác vì thức đêm nhiều của người dân nhặt rác, cho dù hôm nay họ nhặt được khá nhiều ve chai nhưng họ vẫn mang một nỗi buồn vì chưa được hưởng đúng với thành quả lao động của mình.