Nghệ An giữ lá phổi xanh của nhân loại

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong những năm qua, biến đổi khí hậu đã có nhiều ảnh hưởng đến tỉnh Nghệ An. Trong đó ảnh hưởng lớn đến rừng và các hệ sinh thái. Bảo vệ rừng cũng chính là bảo vệ môi trường, góp phần hiệu quả trong công tác chống biến đổi khí hậu. Để có cái nhìn toàn diện về tác hại cũng như những giải pháp bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu trên địa bàn, Báo Tiền Phong đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Danh Hùng - Phó Giám đốc Sở NN và PTNT Nghệ An.

PV: Xin ông cho biết về hiện trạng rừng tại tỉnh Nghệ An?

Ông Nguyễn Danh Hùng: Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, với trên 1,16 triệu ha rừng và đất lâm nghiệp. Theo kết quả công bố hiện trạng rừng năm 2023 được UBND tỉnh phê duyệt, diện tích đất có rừng là 961.774,37 ha. Trong đó diện tích có rừng tự nhiên với 790.352,86 ha, diện tích có rừng trồng là 171.421,51 ha. Diện tích rừng trồng chưa thành rừng là 57.013,87 ha. Trong đó, rừng đặc dụng 167.502,33 ha, rừng phòng hộ 300.965,37 ha, rừng sản xuất 493.306,67 ha; độ che phủ rừng năm 2023 đạt 58,33%. Tài nguyên rừng đa dạng và phong phú với trên 4.569 loài động, thực vật được phát hiện và ghi nhận. Trữ lượng gỗ hiện có 91,535 triệu m3; trên 505 triệu cây tre nứa các loại và nhiều loài cây dược liệu quý như: Sâm Puxailaileng, Lan kim tuyến, Bảy lá một hoa, Trà hoa vàng...

Rừng có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời cũng là tư liệu sản xuất tiềm năng cho công cuộc xoá đói giảm nghèo, ổn định xã hội và bảo vệ quốc phòng, an ninh cả nước nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng.

Nghệ An giữ lá phổi xanh của nhân loại ảnh 1

Rừng núi trùng điệp tại huyện biên giới Quế Phong (tỉnh Nghệ An).

PV: Xin ông cho biết vài nét về những tác động gần đây của biến đổi khí hậu tới Nghệ An cũng như xu hướng các tác động biến đổi khí hậu đó như thế nào trong tương lai?

Ông Nguyễn Danh Hùng: Trong những năm qua Nghệ An nói riêng và Bắc Trung Bộ nói chung chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH). BĐKH tạo nên hàng loạt thiên tai như: lũ quét, lũ ống, sạt lở đất, đá, lốc xoáy, nắng nóng, hạn hán, rét đậm, rét hại, băng tuyết và nhiều hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác như: dông, mưa đá, nước biển dâng…

2 năm trở lại đây, tại tỉnh Nghệ An đã xuất hiện nhiều con số kỷ lục. Trong đó, nắng nóng khiến nhiều nơi có nhiệt độ cao nhất trong vòng 40 năm qua như: Tương Dương 44,2 độ C (7/5/2023), Quỳ Châu 43.2 độ C (6/5/2023), Tây Hiếu và Đô Lương 43.2 độ C (6/5/2023), thành phố Vinh 42.9 độ C (30/4/2024)…

Dự đoán trong những năm tới, dưới tác động của BĐKH và thời tiết nóng lên toàn cầu khiến sự gia tăng cả về tần suất lẫn cường độ của thiên tai như: bão, lũ, hạn hán, hiện tượng El Nino và La Nina… Điều đáng nói, các loại hình thiên tai ngày càng diễn biến trái quy luật, xuất hiện nhiều và khó dự đoán, dự báo.

Nghệ An giữ lá phổi xanh của nhân loại ảnh 2

Quần thể cây Sa mu dầu cổ thụ cả nghìn năm tuổi trong Vườn Quốc gia Pù Mát (Nghệ An).

Tại Nghệ An, BĐKH mà cụ thể là sự gia tăng nhiệt độ và số ngày nắng nóng dẫn đến mùa khô hạn kéo dài làm gia tăng khả năng cháy rừng. Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, diện tích có rừng bị cháy hàng năm là tương đối lớn. Trong vòng 14 năm từ 2007 đến 2020, trong toàn tỉnh có 367 vụ cháy rừng, làm thiệt hại 1,748.3 ha rừng. Trung bình mỗi năm toàn tỉnh bị thiệt hại 125 ha rừng do cháy rừng. Riêng năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 14 vụ cháy gây thiệt hại về rừng với tổng diện tích rừng bị thiệt hại 14,3252 ha.

BĐKH còn ảnh hưởng lớn như gây hạn hán diện rộng. Nhiệt độ, độ ẩm tăng ngoài nguy cháy rừng còn kéo theo các loại bệnh hại gia tăng. Đặc biệt là xuất hiện các loài sâu mới khó kiểm soát và phòng ngừa hơn trước. Từ đó, chất lượng rừng suy giảm và việc bảo vệ nguồn đa dạng sinh học gặp nhiều khó khăn, gây ra nguy cơ tuyệt chủng của một số loài, làm mất đi nhiều gen quý hiếm. BĐKH cũng khiến các hồ chứa, sông, suối, nước ngầm bị cạn kiệt từ đó ảnh hưởng đến chăn nuôi, trồng trọt và trực tiếp là cuộc sống con người.

PV: Theo ông, rừng có lợi ích, tác dụng như thế nào trong việc giúp giảm thiểu biến đổi khí hậu?

Ông Nguyễn Danh Hùng: Thứ nhất, rừng được ví là lá phổi xanh của nhân loại, là cỗ máy hút bụi và chống ô nhiễm không khí, rừng giúp điều hòa khí hậu. Trung bình 1ha cây tán lá rộng có thể hấp thụ được 1 tấn khí cacbonic/ngày và nhả ra 730kg khí oxy. Ngoài ra cây xanh còn hấp thụ tiếng ồn, hấp thụ một số chất ô nhiễm trong không khí và một số nguyên tố kim loại nặng trong đất.

Thứ hai, rừng đóng vai trò rất to lớn trong việc ngăn lũ, chống xói mòn, sạt lở đất. Thứ ba, rừng là tài nguyên phong phú và vô cùng quý giá của đất nước. Tác dụng của rừng đối với đời sống con người rất đa dạng, trước hết rừng cung cấp gỗ, lâm sản ngoài gỗ, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, phục vụ nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái…

Nghệ An giữ lá phổi xanh của nhân loại ảnh 3

Cánh rừng gỗ quý Pơ-mu trên địa bàn xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) rộng cả trăm ha.

PV: Thời gian qua, đơn vị đã có những giải pháp, hoạt động gì để tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng và chống biến đổi khí hậu?

Ông Nguyễn Danh Hùng: Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An luôn bám sát chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý chuyên ngành, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc sở, phối hợp với các đơn vị liên quan và các địa phương để triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn theo quy định. Trong đó như triển khai Luật Bảo vệ môi trường 2020, triển khai các kế hoạch của tỉnh về thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, hành động của T.Ư. Sở đã có văn bản giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng ban, chi cục và đơn vị trực thuộc trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực chuyên ngành; tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tập huấn, xác định rõ trách nhiệm và triển khai kịp thời, thống nhất có hiệu quả Luật Bảo vệ môi trường.

Cụ thể, thời gian qua Sở đã triển khai công tác kiểm soát, thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và từ hoạt động nông nghiệp; khắc phục ô nhiễm và cải tạo cảnh quan khu vực nông thôn, gắn với bảo vệ môi trường; xây dựng các mô hình tái sử dụng chất thải nông nghiệp. Theo dõi, kiểm soát, hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường; lồng ghép thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường cho làng nghề. Thực hiện bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên trong sản xuất nông nghiệp, trong hoạt động lâm nghiệp, ngư nghiệp. Thực hiện tốt công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học trên địa bàn. Đặc biệt là vùng đa dạng sinh học cao, các vùng lõi vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên...

Nghệ An giữ lá phổi xanh của nhân loại ảnh 4

Lực lượng tuần tra bảo vệ rừng ở Vườn Quốc gia Pù Mát liên tục vào rừng tuần tra, ngăn chặn các hành vi xâm phạm đến rừng, bảo vệ đa dạng sinh học.

Tổ chức thực hiện nhiệm vụ và ban hành các văn bản liên quan đến quản lý bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường. Thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh. Giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo về bảo vệ môi trường thuộc thẩm quyền. Cùng với các đơn vị, địa phương kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tiếp nhận và giải quyết kiến nghị của cử tri, người dân qua đường dây nóng và phản ánh của báo chí kịp thời.

Để thực hiện hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra cần triển khai đồng bộ các giải pháp như: tăng cường tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, trách nhiệm của chủ rừng, người dân và hệ thống chính trị trong công tác bảo vệ và phát triển rừng. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Đẩy mạnh chuyển đổi số; ứng dụng công nghệ cao, hiện đại, thực hiện tốt các cơ chế chính sách trong công tác quản lý, bảo vệ rừng, phát hiện sớm mất rừng, cháy rừng đảm bảo hiệu quả. Bên cạnh đó cần thực hiện tốt công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG