- Có chứ! Ngày Hiến chương các nhà giáo mà! Với lại có ai lớn khôn, trưởng thành mà không từng qua ghế nhà trường, không từng qua những buồn vui của tuổi học trò. Những kỉ niệm cùng kí ức về thầy cô đi mãi cùng năm tháng…Còn cậu?
- Đương nhiên rồi! Mình đến thăm thầy giáo cũ giờ đã nghỉ hưu. Vẫn cuộc sống thanh bạch ấy nhưng sao cảm giác thầy có vẻ ưu tư, trăn trở hơn…
- Lạ nhỉ! Một đời thầy trọn vẹn làm người người chèo đò, hết lứa học trò này đến lứa học trò khác, giờ, có thể coi thầy đã trọn vẹn với nghề, có thể gác mái chèo để thanh thản với đời, thanh thản với nghề rồi. Thầy ưu tư điều chi cậu có hỏi?
- Có! Thầy chầm chậm mà vẫn đầy nhiệt huyết rằng, thầy thấy cái triết lí tiên học lễ hậu học văn thời nay cảm giác như đang bị xao xác. Trò đánh thầy, đánh bạn đồng niên. Trò văng tục chửi bậy, chửi cả bố mẹ, chửi luôn cả thầy cô trên mạng xã hội. Cái truyền thống tôn sư trọng đạo sao giờ nó cứ chung chiêng. Rồi chuyện chạy điểm, chạy bằng, chạy danh hiệu. Môi trường giáo dục đâu đó như thị trường, mang hình hài chợ búa…
- Có chuyện đó, nhưng…
- Nhiều hay ít, đơn lẻ hay phổ biến thì cũng khiến cho thầy một đời vì sự nghiệp trồng người đau lòng lắm! Rồi thầy trầm ngâm: Trách trò một, trách thầy cô hai…
- Nguyên do tạo nên những sự méo mó đó còn có vai trò của gia đình và xã hội tác động nữa mà. Nên động viên thầy đừng tự quá trách mình!
- Mình cũng lựa lời an ủi thầy, thầy hỏi mình, em có biết trên thế giới có nước nào không có ngày nhà giáo không? Rồi thầy trả lời: Nước Nhật. Mình ngạc nhiên: Thưa thầy, một nước tôn sư trọng đạo nức tiếng, hiếu học, cầu thị cầu tiến hiếm có sao lại kkhông có riêng một ngày cho thầy cô? Thầy tủm tỉm, bao dung: Đơn giản thế này, bởi với họ ngày nào cũng là ngày nhà giáo cả rồi!