Thiết kế 1 đằng, thi công 1 nẻo
Bệnh viện đa khoa huyện Krông Buk (BV Krông Buk) quy mô 100 giường có nguồn kinh phí xây phần vỏ khoảng 100 tỷ đồng từ vốn vay ADB, Sở Y tế Đắk Lắk là chủ đầu tư. Công trình khởi công tháng 2/2017, dự kiến đầu năm 2019 đưa vào sử dụng, đến nay vẫn dở dang.
Ngày 4/9/2019, cuộc “họp bàn về việc giải quyết một số bất cập trong xây dựng công trình BV Krông Buk”, thuộc Dự án “Chăm sóc sức khỏe nhân dân các tỉnh Tây Nguyên-Giai đoạn 2” diễn ra tại Sở Y tế. Cùng dự có đại diện các bên liên quan. “Bất cập” nhiều thứ, nhưng cuộc họp ưu tiên giải quyết những tồn tại của hạng mục thang máy tại công trình BV này. Theo hồ sơ thiết kế, 2 cabin thang máy tải bệnh nhân có kích thước 1,3m x 2,3m. Còn hồ sơ mời thầu, hợp đồng xây dựng và thực tế đã lắp đặt thì 2 cabin này nhỏ hơn hẳn, dài rộng chỉ 1,1m x 2,1m, cửa hẹp 0,9m; Trong khi giường cấp cứu dài 2,2m, rộng 0,9m; với băng ca di động có bánh xe thì chiều dài 2,1m rộng 0,6m lại phải có người đi kèm. “Bất cập” này y hệt “lỗi thang máy” tại BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên, cũng do Sở Y tế là chủ đầu tư. Ai thấy các thang máy không chuyển được giường cấp cứu ở BV nghìn tỷ đó cũng bức xúc, bất bình!
Phản đối các ý kiến đòi phải đổi thang máy có cabin lớn hơn, phía nhà thầu thi công là Cty CP XD Đắk Lắk nói thang máy đã nhập khẩu nguyên chiếc từ hãng Otis của Mỹ, không chọn hãng khác được. Còn ông Doãn Hữu Long nguyên Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án (BQLDA) tỉnh thì đổ lỗi do đơn vị Tư vấn giám sát là Cty CP Đầu tư và thiết kế kiến trúc xây dựng Thăng Long, Hội đồng tư vấn chuyên môn và BQLDA trung ương. Tuy nhiên, bà Nguyễn Thị Xuân Thủy - Phó giám đốc Sở y tế Đắk Lắk, phó BQLDA, chủ trì cuộc họp, khi phân tích sai phạm các bên đã khẳng định ông Doãn Hữu Long là người ký quyết định phê duyệt hồ sơ mời thầu sai lệch với hồ sơ thiết kế, nên phải chịu trách nhiệm liên đới.
Giải pháp được đưa ra tại cuộc họp là giao BQLDA phối hợp các bên liên quan lập dự toán 1 thang máy mới, xuất xứ Việt Nam, có kích thước phù hợp. Tuy nhiên nếu BQLDA trung ương không cho phép bổ sung khối lượng, không giải quyết tiếp kinh phí bằng nguồn vay ADB theo quy định, thì các bên liên quan phải “tự chịu trách nhiệm khắc phục”.
Nhân sự kiểu “chữa cháy”
Thực tế cho thấy BQLDA cấp trung ương và cấp tỉnh đã vung tiền xây BV mà không hề có phương án chuẩn bị nguồn nhân lực. Ví dụ tại BV Krông Buk, dù Giám đốc BQLDA là Giám đốc Sở Y tế biết rõ từ lâu nhân sự chuyên môn Y tế tại Đắk Lắk đã thiếu trầm trọng, vẫn chẳng quan tâm BV xây xong sẽ lấy người ở đâu ra mà làm việc. Điển hình như BV Đa khoa huyện Ea Súp quy mô 120 giường hiện chỉ có 10 bác sĩ, trong đó 2 bác sĩ đang đi học nên 8 người còn lại luôn phải “đóng dăm bảy vai chèo”, thử hỏi chất lượng khám chữa bệnh cho hơn 67 nghìn dân ở huyện giáp biên giới này ra sao!?
Tân Giám đốc Sở Y tế Đắk Lắk- BSCKII Nay Phi La xác nhận đang cấp tốc lập đề án nhân sự kiểu “chữa cháy” cho BV Krông Buk. Nhưng việc phải cùng lúc huy động tới hơn 100 người, nhất là bác sĩ chuyên khoa về BV huyện, trong khi ngay tại trung tâm tỉnh đang có một BV nữa đang gấp rút được xây mới (là BV Đại học Y Dược Buôn Ma Thuột), chắc chắn lại đầy chuyện “bất cập” xảy ra!
Mới đây, trong Thông báo số 85 ngày 12/9/2019, BS Nay Phi La đã yêu cầu Phòng Tổ chức cán bộ phải “Hoàn trả hồ sơ đấu thầu thuốc cho Văn phòng Sở để phục vụ cho công tác bàn giao nhiệm vụ từ Giám đốc cũ sang Giám đốc mới”; Còn Phòng Tài chính- Kế toán, phải “Đôn đốc triển khai kịp thời và giải ngân các dự án”; “Tiếp tục chỉ đạo, theo dõi, đôn đốc các nhà thầu khẩn trương hoàn thiện việc cải tạo, sửa chữa một số hạng mục của BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên”.
Trao đổi với báo Tiền Phong, một lãnh đạo Sở y tế Đắk Lắk đề nghị không nêu tên cho biết: Ông Nguyễn Hữu Thông nguyên trưởng phòng Tài chính - Kế toán Sở Y tế Đắk Lắk, khi được ông Doãn Hữu Long điều qua làm Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở, đã chỉ đạo một cán bộ thuộc quyền ký giấy “mượn” phòng Tài chính - Kế toán bộ hồ sơ đấu thầu thuốc năm 2014-2015, sau đó không trả, khiến Sở gặp khó trong việc chuẩn bị đợt đấu thầu thuốc sắp tới. Còn BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên cũng đã nhiều lần “kêu” về việc phải tiếp nhận công trình, hoạt động từ tháng 2/2019 tới nay vẫn không được BQLDA bàn giao đầy đủ hồ sơ.
Trong khi các dấu hiệu sai phạm của BQLDA Sở Y tế bộc lộ rõ, lãnh đạo tỉnh vẫn không ngừng đề xuất, phê duyệt và giao những khoản tiền lớn lấy từ ngân sách cho BQLDA tiếp tục “sửa chữa các bất cập, khiếm khuyết” tại BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên nghìn tỷ, gần nhất là gói 32,375 tỷ đồng được HĐND tỉnh nhất trí thông qua!
Ngày 1/10/2019, làm việc với đại diện báo Tiền Phong, lãnh đạo 2 cơ quan Công an tỉnh và Viện KSND tỉnh Đắk Lắk đều xác nhận đã gia hạn thời gian điều tra sau khi có quyết định khởi tố vụ án từ ngày 1/3/2019 về tội danh “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, xảy ra tại Sở Y tế Đắk Lắk! Lý do, vẫn là Bộ Y tế thiếu hợp tác! Ngày 22/8/2019 Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã gửi quyết định trưng cầu số 1210/PC03, đề nghị Bộ Y tế giám định 40 mặt hàng có dấu hiệu sai phạm trong việc xếp nhóm trúng thầu, đợt đấu thầu thuốc 2014-2015 (tương tự vụ VN Pharma-PV). Quá thời hạn 1 tháng, Bộ Y tế vẫn lặng im.