Bệnh viện vùng nghìn tỷ chưa dùng đã hỏng: Chỉ là 'khiếm khuyết'?

Các tòa nhà của bệnh viện đều có cửa bên hông nhưng không có bậc thang và lối xuống đường.
Các tòa nhà của bệnh viện đều có cửa bên hông nhưng không có bậc thang và lối xuống đường.
TP - Sở Xây dựng tỉnh Ðắk Lắk vừa có văn bản gửi Sở Thông tin và Truyền thông đề nghị báo Tiền Phong đính chính từ “đại tu”, phản đối báo phê phán công trình này yếu kém cả về thiết kế lẫn xây dựng, vì cho đây chỉ là “khiếm khuyết”.

Trước đó, báo Tiền Phong đăng 2 bài “Bệnh viện nghìn tỷ: Chưa sử dụng đã phải đại tu”, và “Bệnh viện nghìn tỷ ở Đắk Lắk chưa sử dụng  đã hỏng”.

Tại cuộc họp do lãnh đạo UBND tỉnh tổ chức chiều 23/7/2018 giữa báo Tiền Phong với các bên liên quan đến bài báo Tiền Phong đã đăng, đại diện Sở Xây dựng và Sở Y tế phản đối, cho rằng báo Tiền Phong dùng từ “đại tu” trong tít bài “Bệnh viện nghìn tỷ: Chưa sử dụng đã phải đại tu”. Sở Xây dựng cho rằng, báo viết “thiết kế lẫn chất lượng xây dựng quá kém” là “không có cơ sở”, vì đó chỉ là “những khiếm khuyết” đang được bên thi công khắc phục triệt để. Còn Sở Y tế cho rằng đây là công trình nhóm A do Bộ Xây dựng thẩm định thiết kế, nên báo Tiền Phong chê “thiết kế quá kém” là “sai  sự thật”.

Hàng chục tỷ đồng sửa chữa khiếm khuyết… không phải là đại tu?

Tọa lạc tại đường Trần Quý Cáp, thành phố Buôn Ma Thuột, Bệnh viện Đa khoa Vùng Tây Nguyên được thiết kế quy mô 800 giường bệnh, tổng vốn đầu tư sau khi điều chỉnh, riêng phần “vỏ” bệnh viện là 1.098,4 tỷ đồng, từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án do Sở Y tế Đắk Lắk làm chủ đầu tư, khởi công từ tháng 7/2010, dự kiến đưa vào sử dụng năm 2013.

Thế nhưng, việc xây, sửa bệnh viện này tới nay vẫn chưa thể gọi là hoàn tất, dù lãnh đạo tỉnh đã nhiều lần gia hạn, hối thúc Sở Y tế phải đẩy nhanh tiến độ thi công. Trong báo cáo số 220 ký ngày 23/5/2018, ông Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở Y tế cam kết “Việc bàn giao toàn bộ công trình BV Đa khoa Vùng Tây Nguyên cho BV Đa khoa tỉnh được thực hiện trước ngày 30/6/2018”.

Tuy nhiên, tới nay hết tháng 7/2018, lãnh đạo BV tỉnh vẫn chưa ký biên bản nhận bàn giao hạng mục nào trong 5 khối nhà của công trình này. Lý do: BV tỉnh không tiếp nhận vì không thể sử dụng được.

Theo thông tin báo Tiền Phong đã đưa, bệnh viện đa khoa vùng vừa xây xong chưa hề sử dụng, trong khi đó bệnh viện tỉnh đã phải đề nghị phía thi công phải xây lắp thêm và sửa chữa các “khiếm khuyết” tới hàng trăm chi tiết, hạng mục với tổng chi phí lên tới cả chục tỷ đồng mới có thể tiếp nhận để sử dụng.

Về thiết kế, sự kém cỏi bộc lộ bằng thực tế: Thiếu phòng đặt máy, thiếu khu nhà vệ sinh, thiếu hệ thống cấp xả nước cho từng máy giặt, thiếu hệ thống nước sạch và điện 3 pha cho phòng hấp sấy tiệt trùng; bể xử lý nước thải quá nhỏ chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu; độ nghiêng dốc của lối đi giữa các khoa phòng quá lớn rất khó đẩy xe chở bệnh nhân; bố trí phòng ốc không phù hợp công năng phải đập đi xây lại rất nhiều lần suốt quá trình xây dựng; và cho tới bây giờ vẫn phải tiếp tục xây sửa không ngừng.

Về chất lượng xây dựng dù chỉ quan sát bằng mắt thường cũng nhận thấy việc thấm dột, nứt xé nghiêm trọng giữa các tầng. Công trình lộ rõ dấu hiệu xuống cấp khắp nơi, xây bất hợp lý khiến khó sử dụng. Chính bệnh viện tỉnh đã liệt kê tới cả chục trang giấy để báo cáo cấp trên về hàng trăm điểm hư hỏng, thiếu sót...

Do đây là công trình cấp 1, nên Bộ Xây dựng đã tiến hành thanh tra chất lượng công trình, và đã có các văn bản chỉ dẫn các “khiếm khuyết” phải sửa chữa. Dù ông Nguyễn Tuấn Hà - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Sở Y tế và Bệnh viện Vùng phải cung cấp đủ thông tin, văn bản cho báo Tiền Phong theo yêu cầu, nhưng khi báo Tiền Phong hỏi Ban quản lý dự án về văn bản của Thanh tra Bộ Xây dựng về công trình này, Ban quản lý chỉ lên Sở. Hỏi Sở Y tế, lãnh đạo Sở không đáp ứng.

Phải chi thêm vài chục tỷ nữa

Xử lý việc đường chưa thông 2 tuyến vào BV Vùng, trong tình cảnh “giật gấu vá vai” về thu - chi, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk vẫn phải giao Sở Kế hoạch Đầu tư bố trí ngân sách và đồng ý để UBND thành phố Buôn Ma Thuột tạm ứng từ Quỹ phát triển đất tổng cộng hơn 50 tỷ đồng để tiếp tục thi công (theo Thông báo 121 ngày 25/5/2018).

Còn xử lý việc xây 5 khối nhà ngốn hết 1.098,4 tỷ đồng mà khuôn viên BV Vùng vẫn nhoe nhoét bùn đất sình lầy, UBND tỉnh cũng quyết chi ngân sách thêm 9 tỷ đồng nữa để triển khai gói thầu xây dựng sân vườn cho bệnh viện - theo công bố từ người chủ trì cuộc họp ngày 23/7. Khoản tiền hàng chục tỷ đồng cho phần việc sửa chữa các hạng mục theo yêu cầu của BV tỉnh, thì nhà thầu phải chi?

Chính Bệnh viện Tỉnh đã liệt kê tới cả chục trang giấy để báo cáo cấp trên về hàng trăm điểm hư hỏng, thiếu sót.
MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.